Đầu tư chế biến rau quả xuất khẩu

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:38, 18/01/2022

(VLR) Năm 2021, xuất khẩu rau quả có thời điểm sụt giảm khá mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu rau quả cả nước đạt 3,52 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020 và hầu hết thị trường trọng điểm đều ghi nhận sự tăng trưởng. Thành công này do doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đã thích ứng với điều kiện dịch bệnh và nhu cầu của thị trường; đồng thời chú trọng đầu tư cho lĩnh vực chế biến...

Sơ chế quả vải xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (tỉnh Bắc Giang) - Ảnh: Đỗ Phong

Sơ chế quả vải xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (tỉnh Bắc Giang) - Ảnh: Đỗ Phong

Hiệu quả từ đẩy mạnh chế biến

Hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng nông sản thế giới bị đứt gãy, tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và mặt hàng rau quả nói riêng. Để thích ứng với điều kiện mới, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đã chủ động đầu tư, chuyển dần sang những sản phẩm chế biến.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) Nguyễn Văn Thứ cho biết: Năm 2021, sản lượng rau quả xuất khẩu của công ty tăng khá mạnh tại châu Âu, trong đó lượng sản phẩm chế biến tăng gấp đôi. Công ty đang chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy cấp đông củ quả tại tỉnh Đắk Lắk với tổng vốn khoảng 100 tỷ đồng, dự kiến khởi công đầu năm 2022. Đây là vùng có nhiều nguyên liệu trái cây như bơ, xoài, sầu riêng… phù hợp với nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao trên thị trường thế giới cũng như trong nước...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng thông tin: Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với diễn biến từ thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết hay phí vận tải quốc tế tăng cao..., tỉnh Đồng Nai đang xây dựng 2 cụm chế biến sâu cho nông nghiệp tại các huyện Cẩm Mỹ và Định Quán. Phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp không chỉ phù hợp điều kiện thị trường mà còn giúp nông sản, trái cây tăng giá trị...

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, giai đoạn 2018-2020 đã có 70 tổ hợp, nhà máy chế biến rau quả được xây dựng với tổng vốn hơn 20 tỷ USD và năm 2020-2021 sản phẩm qua chế biến đã chiếm tới 30% sản lượng nông sản xuất khẩu. Từ việc tập trung đầu tư cho lĩnh vực này, năm 2021, xuất khẩu rau quả cả nước đạt 3,52 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước, trong đó tăng trưởng tại thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… rất tích cực. Hiện tại, năng lực sản xuất rau quả hằng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn và trình độ, công nghệ chế biến đang ngày càng được nâng cao.

Tạo cơ chế phát triển lĩnh vực chế biến

Tuy nhiên cũng có một thực tế là các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản trong nước hiện mới hoạt động ở mức 60% công suất, trong khi tiềm năng về mặt hàng rau quả là rất lớn.

Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) Nguyễn Văn Thứ nhận định: Chỉ khi chế biến mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ dừa khô nông dân chỉ bán được 5.000 đồng/kg nhưng thạch dừa có giá 25.000 đồng/kg, đó là giá trị gia tăng từ công nghiệp chế biến. Mặt khác, để phát triển thực phẩm chế biến cần đầu tư nghiên cứu thị trường để đưa ra những sản phẩm không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn hợp khẩu vị, thị hiếu của người tiêu dùng…

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), dự báo năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng… Phát triển ngành hàng rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3-4 lần so với giá rau quả tươi. Mặt khác, việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu giúp tăng thời gian bảo quản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung... Mặc dù vậy, việc phát triển các sản phẩm rau quả chế biến còn nhiều khó khăn do chưa có nhiều vùng nguyên liệu chất lượng cao; cơ chế cho đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cũng có không ít bất cập.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit (Công ty Vinamit) Nguyễn Lâm Viên đề xuất: Để thúc đẩy tiêu thụ rau quả, các địa phương cần xây dựng hệ thống thông tin minh bạch, xây dựng trung tâm đầu mối tiếp nhận, phân bổ thông tin tại các vùng trồng; qua đó, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn. Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ kiến nghị: Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến và có chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Trước mắt, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương có vùng sản xuất rau quả lớn để xây dựng quy hoạch, cấp mã vùng trồng nhằm quản lý chất lượng nguồn nguyên liệu; đồng thời rà soát các vùng được quy hoạch cơ sở chế biến để có giải pháp về nguồn vốn, công nghệ, đầu tư xây dựng các nhà máy. Mặt khác, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng kênh thông tin, phân phối sản phẩm chế biến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm, thiết lập các thị trường mới, mở rộng thị trường truyền thống.

Hà Nội mới