Chiến lược phát triển bền vững ngành logistics đến năm 2025

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:41, 08/02/2022

(VLR) Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra ba đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội nhằm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh”, đến năm 2025 “là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”.

Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đề ra 61 nhiệm vụ nhằm phát triển bền vững ngành dịch vụ logistics với 6 mục tiêu cụ thể. Theo đó, “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.

Để triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội Đảng và các nhiệm vụ trên đây, với tinh thần “đổi mới, sáng tạo”, ngành dịch vụ logistics nước ta cần có những biện pháp đột phá chiến lược vượt qua đại dịch COVID-19 để phát triển bền vững đến năm 2025, phục vụ việc phục hồi và phát triển bền vững chuỗi cung ứng, góp phần vào việc phát triển sản xuất, nâng cao năng lực canh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Có thể nói, đại dịch COVID-19 là thách thức to lớn đối với ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Nhưng qua đại dịch đã khẳng định vai trò của ngành logistics là ngành dịch vụ trọng yếu của nền kinh tế và đời sống xã hội thông qua các hoạt động dịch vụ logistics, đóng góp thiết thực vào việc khôi phục và phát triển chuỗi cung ứng, trong đó nổi bật là kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 vượt mốc 650 tỷ USD và xuất siêu.

Giải pháp đột phá hàm nghĩa là phá vỡ bế tắc, phá bỏ những cản trở trong hoạt động kinh doanh để việc phát triển của doanh nghiệp có chất lượng và khối lượng công việc gia tăng cao hơn, mang lại lợi nhuận nhiều hơn, qua đó đóng góp tốt hơn cho đất nước.

Trên tinh thấn đó, để khôi phục và phát triển bền vững của ngành dịch vụ logistics và phục vụ cho việc phát triển bền vững chuỗi cung ứng và nền kinh tế trong điều kiện an toàn mới và sau đại dịch COVID-19, ngành dịch vụ logistics cần có những biện pháp đột phá mang tính chiến lược, tập trung vào các nội dung chính sau đây:

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đi đôi với việc phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025, có 60% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động trong ngành dịch vụ logistics khoảng 30% - 35% tùy theo nền tảng số ứng dụng. Năng suất lao động của chúng ta đang thấp hơn các nước trong khu vực ASEAN, chỉ bằng 7,6% của Singapore. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhận lực logistics và nâng cao năng suất lao động sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ đang đòi hỏi ngày càng cao, đáp ứng phục vụ hoạt động logistics ở các thị trường mới và hoạt động logistics tạo ra bởi các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, EVFTA, RCEP...

Phấn đấu hoàn thành dự án e-DO cho hàng container đường biển và đường hàng không vào nửa đầu năm 2022. Khi hoàn thành và đi vào áp dụng, dự kiến sẽ tiết kiệm cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cung cấp dịch vụ logistics nhiều thời gian và chi phí, khoảng 500 - 700 tỷ đồng/năm. Nghiên cứu ứng dụng e-B/L và các loại chứng từ vận tải e-document khác. Hợp tác với Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) phát triển logistics số phục vụ cho agro-logistics, logistics xanh, hướng tới thực hiện cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 là Việt Nam sẽ có “phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, nhằm phục vụ cho việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, hải sản, giảm thấp hư hỏng của các mặt hàng này sau thu hoạch (hiện nay khoảng 25% - 35% tùy loại hàng hóa xuất nhập khẩu), hướng dẫn việc thuê phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu có giá cước cạnh tranh hơn nhằm giảm chi phí logistics; nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng; gia tăng sự hợp tác giữa doanh nghiệp logistics và người sản xuất nông nghiệp.

Phát triển các doanh nghiệp logistics 3PL và 4PL

Phát triển các doanh nghiệp logistics 3PL và 4PL mạnh để làm đầu tàu cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics khác, trước hết là các doanh nghiệp Hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Hiện nay, VLA có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp 3PL mạnh như: Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Transimex, Sotrans hay doanh nghiệp nhỏ hơn như T&M Forwarding nhờ sử dụng nền tảng công nghệ logistics CargoWise One đang được ứng dụng toàn cầu. Tuy nhiên, đa số vẫn doanh nghiệp 3PL của ta còn ở trình bộ ban đầu so với các 3PL xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Thực hiện nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và có đội ngũ cán bộ được đào tạo nghề cả về lý thuyết lẫn công nghệ có chất lượng cao, mở rộng hợp tác quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp 3PL mạnh lên và hình thành các 4PL dù là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Triển khai việc mở các văn phòng đại diện tại nước ngoài, mở rộng thị trường logistics ngách sẽ giúp các doanh nghiệp dịch vụ logistics tăng thêm cơ hội việc làm trong điều kiện chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch có lợi cho Việt Nam khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. Chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp quốc tế, nổi bật là tham gia dự án Hộ chiếu Logistics Thế giới mà VLA đang là Đại dịch đã khẳng định vai trò của ngành logistics là ngành dịch vụ trọng yếu của nền kinh tế và đời sống xã hội thông qua các hoạt động dịch vụ logistics, đóng góp thiết thực vào việc khôi phục và phát triển chuỗi cung ứng, trong đó nổi bật là kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 vượt mốc 650 tỷ USD và xuất siêu. Phát triển các doanh nghiệp logistics 3PL và 4PL sẽ giúp ngành logistics tăng cường giá trị gia tăng cao cho chuỗi cung ứng.

Phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường không và vận chuyển đường biển

Hiện nay, Việt Nam chưa có đội tàu bay chuyên chở hàng hóa, còn phụ thuộc vào việc thuê chở của nước ngoài. Thực tế vừa qua, trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19, các đường bay quốc tế và trong nước chở khách chưa thể khai thác trở lại thì một số hãng bay như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đã linh động chuyển máy bay chở khách sang chở hàng hóa cho các công ty logistics thuê nguyên chuyến hoặc thuê kết hợp nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử xuyên biên giới bằng cách. Dù vậy, có tới 88% thị phần nằm trong tay các hãng vận chuyển quốc tế như KE, QR, CI, CX, UPS, DHL, FedEx. Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội VLA đã góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Asean Cargo Gateway (ACG), có chuyến bay đầu tiên ngày 06/3/3021, cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường không cố định hàng tuần cho các tuyến Sài Gòn - Jakarta, Sài Gòn - Bangkok, Sài Gòn - Incheon và bước đầu là Hà Nội - Incheon với giá cước ưu đãi hơn giá thị thị trường 10% - 20%. Tiến tới hình thành các Hub cho hàng hóa trung chuyển đi châu Âu, qua đây góp phần giải quyết khó khăn cho hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường không.

Bên cạnh đó, cũng cần phát triển đội tàu vận tải biển container quốc gia theo lộ trình phù hợp. Giai đoạn trước mắt, tập trung phát triển đội tàu container cho tuyến nội Á. Giai đoạn hai, đội tàu container có trọng tải lớn cho tuyến Việt Nam - châu Âu - Mỹ nhằm giảm sự phụ thuôc vào tàu nước ngoài đang vận chuyển 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên tuyến vận chuyển xa đi châu Âu, châu Mỹ, Úc, giảm chi và tăng thu ngoại tệ cho Nhà nước. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải biển liên doanh, liên kết chuyên chở với các hãng tàu nước ngoài, như vừa qua Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMEC) liên doanh với Công ty Ấn Độ mở tuyến vận tải container thường xuyên (Hải Phòng - TP. HCM) kết nối Việt Nam - Malaysia và Ấn Độ, với thời gian rút ngắn 10 ngày so với tàu nước ngoài.

Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong việc phát triển các trung tâm logistics

Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong việc phát triển các trung tâm logistics, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm như Đồng bằng sông Mê Kông, Đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, nước ta đang thiếu hụt các trung tâm logistics khu vực và quốc tế. Một số trung tâm lớn ở Hà Nội đang xây dựng và Hải Phòng đã hình thành dự án. Nhưng cấp bách là phải xây dựng trung tâm logistics khu vực Đồng bằng sông Mê Kông để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, hải sản đang chiếm tỷ trọng lớn trong hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung tâm này phải có tính quốc tế để phục vụ trước mắt và lâu dài. Các Hội viên VLA sẽ sẵn sàng hợp tác trong việc xây dựng các trung tâm này.

Nguyễn Tương