Nhiều đơn hàng xuất khẩu ngay từ đầu xuân

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:16, 14/02/2022

(VLR) Ngay trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) diễn ra nhộn nhịp với nhiều chuyến hàng xuất khẩu thành công, hứa hẹn một năm thành công.

Nhiều tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngay từ đầu năm

Nhiều tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngay từ đầu năm

Nhiều chuyến tàu xuất khẩu rời bến

Ngày đầu tiên của Xuân Nhâm Dần, tàu CAPE QUEST của hãng tàu CMA, dài 185m, có tải trọng hơn 30.000 tấn đã đưa những container hàng đầu tiên của DN Việt Nam rời cảng Cát Lái. Con tàu CAPE QUEST đã chở mặt hàng thủy hải sản đến cảng Singapore và trung chuyển tiếp đến Mỹ. Đây là một trong những mặt hàng chủ lực trong năm qua góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của TPHCM đạt 44,9 tỷ USD và giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong một năm đầy biến động như năm 2021 vừa qua.

Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, trong những ngày Tết, trung bình cảng Tân cảng - Cát Lái đón hơn 10 chuyến tàu/ngày, sản lượng thông qua 118.097 Teu, tương đương hơn 1,65 triệu tấn hàng hóa. Riêng trong đêm giao thừa, cảng đón 7 tàu container làm hàng. Trong đó, lô hàng đầu tiên được xếp lên Tàu CAPE QUEST của hãng tàu CMA CGM (Pháp) chở theo hàng trăm container hàng xuất khẩu. Tổng sản lượng xếp dỡ trong đêm Giao thừa tại cảng Tân Cảng - Cát Lái khoảng 15.000 Teu (tương đương 210.000 tấn hàng). Năm 2022, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phấn đấu sản xuất kinh doanh tăng 6% so với năm 2021.

Không chỉ tấp nập hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cát Lái, những ngày đầu năm, các cảng biển phía Nam, đặc biệt là cụm cảng nước sâu Cái Mép- Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu) liên tục đón các chuyến tàu container xuất nhập khẩu hàng hóa. Tại cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), ngoài 4 chuyến tàu container cập cảng hàng tuần, còn thường xuyên đón thêm các tàu tăng cường.

Cảng Sài Gòn – SSA (cảng SSIT) cũng đã liên tiếp đón 2 tuyến tàu mới đi từ Bắc Mỹ, Canada sang trong những ngày đầu năm mới. Đây là tín hiệu tốt trong việc hồi phục hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và tạo động lực tích cực cho sản xuất kinh doanh của SSIT. Năm 2022, SSIT kỳ vọng tăng trưởng về hàng hóa xuất nhập khẩu, tốc độ hàng hóa thông qua cảng Cái Mép- Thị Vải sẽ tiếp tục đạt 2 con số.

Nhiều cảng khác nằm trong cụm cảng Cát Mép- Thị Vải liên tiếp đón nhiều chuyến tàu làm hàng trong năm mới, trong đó, cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) đón tổng số tuyến dịch vụ quốc tế với 8 - 12 tuyến/tuần, kết nối với Bắc Mỹ, Canada, các cảng chính đi châu Âu và nội Á. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các DN cảng biển đang nỗ lực đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin để gia tăng chất lượng dịch vụ, đảm nhận trọng trách kết nối hàng hóa XNK của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Triển vọng tích cực

Những đơn hàng đầu năm mới ra khơi mở ra nhiều triển vọng về tăng trưởng xuất khẩu, cũng như mang theo hy vọng khởi đầu một năm mới thuận buồm xuôi gió cho hoạt động kinh doanh của các DN tại TPHCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan, Công ty TNHH Techtronic Industries Vietnam Manufacturing cho biết, trong dịp Tết năm nay (từ ngày 29/1-5/2), công ty đã mở hàng xuất khẩu hơn 200 container dụng cụ điện cầm tay, thiết bị điện không dây… sang thị trường Mỹ. Cùng với đơn hàng xuất khẩu, công ty cũng đã mở tờ khai nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất ngay từ đầu năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu khẩu hàng hóa trong dịp Tết này đạt trên 40,4 triệu USD.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Đăng Khoa, Trưởng phòng XNK Công Ty TNHH HOYA LENS Việt Nam cho biết, trong ngày mùng 4 Tết, công ty đã xuất khẩu những lô hàng tròng mắt kính đầu tiên đi thị trường châu Âu một cách thuận lợi. Hiện công ty đang tích cực hoạt động sản xuất phục vụ để đáp ứng kịp tiến độ, song song với việc đảm bảo phòng chống dịch một cách chặt chẽ trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Tiếp đà năm 2021, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, ngay trong tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dệt may là một trong những ngành tăng trưởng xuất khẩu khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới dự báo tăng trở lại mạnh mẽ. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản cho ngành trong năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát trong quý I/2022 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 42,5 - 43,5 tỷ USD; kiểm soát vào giữa năm đạt 40 - 41 tỷ USD và vào cuối năm sẽ đạt 38 - 39 tỷ USD.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến tháng 5/2022. Theo ông Cẩm, tiến độ tiêm vắc-xin, kết quả phòng chống dịch và thích ứng trong điều kiện bình thường mới sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2022, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh, từ bài học rút ra trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, Vinatex đã chủ động trong việc làm chủ nguyên liệu để phát triển bền vững khi những dự báo về dịch bệnh còn kéo dài.

Báo Hải quan