Cước phí leo thang doanh nghiệp mất đơn hàng
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:28, 23/02/2022
Theo các DN, nếu không kiểm soát được đà tăng phí logistics, việc phục hồi của DN trong năm 2022 sẽ rất chật vật
Chia sẻ với PV Tiền Phong, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Banana Brother Farm cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, hoạt động xuất khẩu của công ty còn gặp khó khăn hơn giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” năm ngoái. Hàng loạt cước phí vận chuyển không giảm mà tiếp tục tăng chóng mặt khiến DN trở tay không kịp.
Hiện các cửa khẩu phía Bắc vẫn trong tình trạng “thập thò”, đóng mở thất thường nên nhiều container chuối của DN đi từ Đồng Nai lên biên giới lại phải quay về, chuyển sang cảng Hải Phòng hoặc cảng Cát Lái (TPHCM) để vận chuyển bằng đường biển.
“Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, chi phí vận chuyển của DN từ vùng nguyên liệu lên cửa khẩu hay cảng biển đội thêm 3-4 triệu đồng/xe. Chưa kể, nhiều lô hàng đưa về cảng nhưng không tìm được tàu phải quay trở lại. DN vừa mất phí, vừa bị hỏng hàng hóa”, bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, từ sau Tết, cảng Cát Lái bắt đầu thu phí dịch vụ vào cảng với mỗi lượt container là 1-1,5 triệu đồng. Còn các hãng tàu cũng vin vào lý do giá xăng dầu lập mức kỷ lục để tiếp tục tăng giá khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép.
Hiện, giá cước vận chuyển sang Trung Quốc tăng từ khoảng 170 triệu đồng lên 200 triệu đồng mỗi container, thậm chí cao hơn. “Cũng vì lý do này, theo kế hoạch, trong tháng 2 công ty sẽ xuất 40 container chuối nhưng đến nay, chúng tôi mới chỉ xuất được 12 container, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và uy tín của công ty. Cuối năm ngoái, các bộ, ngành vào cuộc cam kết tìm giải pháp giảm cước phí logistics cho đường bộ lẫn đường biển nhưng đến giờ DN chỉ thấy giá cước tăng thêm từng ngày”, bà Hạnh cho hay.
Hủy đơn hàng xa
Bà Ngô Thị Hồng Thu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, hiện cước phí logistics đã vượt ngoài tầm kiểm soát của DN. Từ đầu năm đến nay, DN nhận được rất nhiều đơn hàng xuất khẩu cà rốt, cải bắp…đi các thị trường như Hàn Quốc, châu Âu, Úc, Mỹ… Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm container lạnh và giá cước phí tiếp tục tăng cao khiến DN phải hủy một số đơn hàng xa.
“DN đang phải gồng mình sản xuất để bù đắp các chi phí. Nhưng với giá cước như hiện nay, không chỉ DN bị ảnh hưởng, mà giá thu mua nông sản của người dân cũng sẽ bị giảm theo”, bà Thu cho hay.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, sau Tết Nguyên đán, chi phí logistics tăng cao tác động lớn đến khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam. Việc thiếu hụt container đang dẫn đến ách tắc cả đầu ra (các lô hàng xuất khẩu) lẫn đầu vào (các lô nguyên liệu nhập khẩu) của DN.
“Tình trạng này diễn ra suốt hơn 2 năm nay. Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn để các bộ, ngành và kiến nghị các cơ quan có giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay cước phí vận tải tàu biển vẫn tiếp tục tăng cao và tình trạng thiếu container ngày càng nghiêm trọng. Nếu không được giải quyết sớm, trong năm 2022 DN thủy sản vẫn còn rất chật vật mới phục hồi được”, ông Hòe cho hay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Văn Nhật Tùng, Giám đốc Marketing Công ty CP CMA-CGM Việt Nam (một hãng tàu có thị phần lớn thứ nhì thị trường) cho biết, công ty hiện có 250 - 300 containter rỗng trong một tuần (chủ yếu nằm ở TPHCM).
Riêng hàng nông sản, thủy sản, đến thời điểm này, hãng không nhận thêm khách cho chuyến đi từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Còn với chuyến đi châu Âu, hãng đã đầy chỗ. Hiện tại, giá cước đang tăng từ 13.000-14.000 USD lên khoảng 16.000 USD/container (đầu năm 2021-giá khoảng 5.000 USD/container - PV).
“Sang tháng 3, chúng tôi chưa cam kết về mức giá sẽ ra sao vì còn phụ thuộc vào tình hình khách đặt chỗ. Khả năng giá sẽ còn tăng thêm”, ông Tùng cho hay.
Lý giải về việc vì sao giá tàu biển đầu năm 2022 tiếp tục tăng, ông Tùng cho biết, đây là tình trạng phổ biến trên thế giới khi các chi phí đầu vào như xăng dầu đang tăng cao, ngoài ra hãng tàu đang đầy đơn, lâu lâu mới có chỗ trống.