Nhộn nhịp xuất khẩu đầu năm
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:26, 21/02/2022
Ngành nông nghiệp ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) đã "mở hàng" xuất khẩu với các đơn hàng lớn, giá cao.
Nông sản "được mùa được giá"
Chiều 20/02, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ), phấn khởi thông tin công ty vừa xuất khẩu 5 đơn hàng gạo thơm tới thị trường Đức, Malaysia, Qatar… với tổng sản lượng gần 1.000 tấn.
"Do xuất gạo chất lượng cao nên giá rất tốt, khoảng 650 - 1.000 USD/tấn, tùy thị trường. Dự kiến năm nay, ngành gạo sẽ "được mùa được giá", xuất khẩu gạo có cơ hội tăng trưởng tốt hơn năm trước nhờ nhiều thị trường nhập khẩu trên thế giới bắt đầu hồi phục sau dịch COVID-19" - ông Bình hào hứng.
Công ty CP Nông sản Lộc Trời (thành viên của Tập đoàn Lộc Trời) cũng vừa hoàn tất giao đợt hàng đầu năm với khối lượng hơn 4.500 tấn, trị giá hơn 3 triệu USD (khoảng 80 tỉ đồng) cho nhiều thị trường lâu năm ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Lô hàng xuất khẩu gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp - đều là sản phẩm của quá trình tổ chức sản xuất, canh tác khoa học từ hạt giống đến hạt gạo với chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), cho biết ước tính 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ xuất khẩu của DN này tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với 2 sản phẩm chính là nha đam và thạch dừa, công ty đã ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu với các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á từ cuối năm 2021.
"Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu nông sản. GC Food dự kiến xuất khẩu gần 2.000 tấn sản phẩm nha đam, thạch dừa và một số loại trái cây khác vào châu Âu trong năm nay, tăng gấp 2 lần so với năm ngoái" - ông Thứ lạc quan.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 01/2022, xuất khẩu rau quả vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Úc, Hà Lan, Mỹ… đều tăng trưởng 2 con số, từ 12% - 69%. Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu rau quả Việt Nam của các thị trường vẫn tăng, bất chấp dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn. Mặt khác, DN, nhà vườn đã biết cách sản xuất đáp ứng yêu cầu khắt khe của bên mua nên sản lượng xuất khẩu tăng đáng kể.
"Trong tháng 1, xuất khẩu rau quả vào Hà Lan - cửa ngõ của thị trường châu Âu - đạt 7,7 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu rau quả sang Mỹ trong tháng đầu năm nay cũng tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu cho thấy dư địa tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng rau quả vẫn tốt" - ông Nguyên nhìn nhận.
Trong ngành công nghiệp, nhiều DN xuất khẩu cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan. Ông Trần Ngọc Ân, Phó Phòng Kinh doanh Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (thuộc Tập đoàn Hòa Phát), cho biết từ ngày 15 đến 20/02, công ty đã xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng đầu tiên tới Ý với khối lượng 35.000 tấn.
Trong lĩnh vực dệt may, đại diện Tổng Công ty CP May 10 cho biết đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết đến hết quý II/2022, đạt hơn 80% năng lực sản xuất của công ty. Với lĩnh vực da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), nhìn nhận đơn hàng xuất khẩu được ký đến hết quý II/2022 là cơ sở tốt cho các DN đẩy nhanh sản xuất; nắm bắt cơ hội khi một số thương hiệu lớn như Nike, Adidas bày tỏ mong muốn gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam; từ đó lấy lại đà tăng trưởng.
Còn nhiều thách thức
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, GC Food đạt kết quả xuất khẩu như trên là nhờ công ty chủ động tìm hiểu, theo dõi sát sao diễn biến dịch trên thế giới, dự báo đúng tình hình và có sự chuẩn bị sớm.
"Dự báo năm 2022, dịch COVID-19 được kiểm soát triệt để và nền kinh tế các nước sẽ phục hồi. Như vậy, sức tiêu thụ của các thị trường sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Để đón đầu cơ hội, từ đầu tháng 10/2021, GC Food đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền hiện đại để nâng tổng công suất các nhà máy lên 35.000 tấn sản phẩm/năm, gấp 2 lần so với trước đó" - ông Thứ thông tin.
Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên nhìn nhận với tỉ trọng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc hiện rất cao, DN khó tránh việc đối diện rủi ro nếu đường xuất khẩu tiểu ngạch bị hạn chế. Thực tế, việc ách tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc do phía Trung Quốc tạm ngưng nhập hàng đã ảnh hưởng lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
"Trong tháng 2, xuất khẩu rau quả cả nước chỉ đạt hơn 153 triệu USD, giảm 39,8% so với cùng kỳ năm 2021. Lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc là mục tiêu quan trọng trong năm 2022. Tuy dự báo năm 2022 xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tiếp tục gặp khó bởi chính sách "zero Covid" của nước này song các DN đang nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 trong quy trình sản xuất" - ông Nguyên nhấn mạnh.
Một trong những thách thức lớn của DN xuất khẩu trong năm nay là chi phí logistics tăng phi mã, đặc biệt là cước tàu biển. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, nhiều DN hội viên phản ánh DN xuất khẩu không chỉ phải đối mặt với vấn đề giá cước tăng, khó đặt chỗ mà còn phải trả tiền trước nếu muốn thuê container lạnh và cam kết không đòi bồi thường thiệt hại nếu hàng hóa hư hỏng.
Lãnh đạo Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cho hay giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng thời gian qua đã khiến chi phí vận chuyển container nội địa tăng đến 40% - mức tăng kỷ lục trong 3 năm nay. Bên cạnh đó, chi phí tàu biển tiếp tục là mối lo của DN xuất khẩu Việt Nam, nhất là khi chính phủ một số nước đã có động thái can thiệp. Chẳng hạn, Thái Lan đã làm việc với các hãng tàu để thỏa thuận đưa cước tàu biển về mức hợp lý. Điều này vô tình tạo thêm áp lực cạnh tranh cho DN Việt bởi Việt Nam và Thái Lan cùng cung cấp nông sản sang các thị trường Đông Á, châu Âu, Mỹ.
"DN Việt mong Chính phủ, bộ - ngành sẽ có chính sách hợp lý để giảm áp lực tăng chi phí vận chuyển trong nước và đàm phán với hãng tàu thế giới để có cước vận chuyển quốc tế hợp lý hơn, tránh việc đứt gãy chuỗi cung ứng" - lãnh đạo AFT kiến nghị.