Tháo điểm nghẽn để xanh hóa toàn diện chuỗi cung ứng thời trang Việt
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:59, 28/03/2022
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các tiêu chí xanh khi chọn mua sản phẩm thời trang
Khi yêu cầu xanh là bắt buộc…
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện tại hầu hết các nhãn hàng thời trang tại Mỹ, Nhật Bản, EU,… thậm chí là Trung Quốc đều đòi hỏi khắt khe hơn về những sản phẩm may mặc. Cụ thể, nhà nhập khẩu yêu cầu đơn vị sản xuất phải tiết kiệm nguồn nước, không chấp nhận việc sử dụng than làm khí đốt vì nó ảnh hưởng môi trường.
Họ cũng đòi hỏi nhà bán hàng phải sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế để đáp ứng xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp sản xuất phải minh bạch trong sản xuất cũng như đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng đã không còn là tùy chọn nữa mà trở thành yêu cầu bắt buộc.
Theo ông Giang, việc các nhãn hàng may mặc trên thế giới đưa ra yêu cầu “xanh hóa” trong chuỗi sản xuất tuy không mới nhưng với sự xuất hiện của đại dịch Covid trong hơn 2 năm trở lại đây thì vấn đề này đang trở lên cấp bách. Đặc biệt, mới đây Chính phủ Việt Nam cam kết tại Hội nghị COP26 là sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ là tiền đề mang tính xuyên suốt để ngành may thời trang Việt Nam chuyển đổi, thích ứng.
“Chúng ta đã tham gia vào sân chơi toàn cầu và phải tuân thủ. Sự tuân thủ các cam kết với thế giới sẽ mang tới lợi thế khi chúng ta thực hiện những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký”- ông Giang nhìn nhận.
Và để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng, nhiều doanh nghiệp Việt cho biết, đối với hệ thống máy móc, dây chuyền hoạt động họ đang đầu tư chuyển đổi nhằm tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng mặt trời… Riêng đối với nguyên liệu, họ tìm đến những đơn vị cung ứng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế.
Là doanh nghiệp đang được các công ty sản xuất chọn làm đối tác cung cấp nguyên liệu, bà Trần Hoàng Phú Xuân - Tổng giám đốc Công ty CP Kết nối Thời trang (Faslink) cho biết, những sợi vải được Faslink nghiên cứu và sản xuất như sợi bạc hà, sợi cà phê, sợi từ vỏ hàu, xơ dừa… đang là lựa chọn hàng đầu của các nhãn hàng như Owen, Belluni, Ivy, Yody, Aristino, Routine, Gumac, Real Clothes, Yame. Trong đó, chỉ riêng năm 2021 Faslink đã cung ứng cho thị trường khoảng 8 triệu mét vải thành phẩm từ nguyên liệu xanh. “Hướng tới ngành thời trang bền vững, thân thiện với môi trường, từ những sợi vải xanh, chúng tôi kỳ vọng lan tỏa thông điệp sống xanh đến cộng đồng để người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường”- bà Xuân chia sẻ.
Còn thách thức trong phát triển nguyên liệu xanh
Theo đánh giá của VITAS, sự chuyển đổi tích cực của doanh nghiệp đang hình thành chuỗi cung ứng thời trang xanh, phù hợp với xu thế. Tuy vậy, việc phát triển chuỗi cung ứng này vẫn đang gặp một số thách thức khi 60% doanh nghiệp trong ngành mới dừng lại ở đầu tư máy móc hiện đại, sử năng lượng mặt trời trong nhà máy, đầu tư hệ thống nước thải… còn dụng việc nghiên cứu cũng như phát triển nguyên liệu xanh chưa nhiều.
Chỉ ra “điểm nghẽn” trong phát triển nguyên liệu xanh, đại diện Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh (Agtek) cho rằng, nội tại mà các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt chính là bài toán chi phí đầu tư, công nghệ cũng như giá thành sản xuất ra sản phẩm còn ở mức cao.
Phòng GLAB - nơi tập trung cho việc nghiên cứu và kết nối để tạo ra những sợi tự nhiên và ứng dụng công nghệ của Faslink
Cụ thể, theo bà Trần Hoàng Phú Xuân, phần lớn các sợi vải có nguồn gốc sinh học đều cần quy trình, công nghệ sản xuất cao để đảm bảo duy trì được các tính năng của sợi. Song song đó, quá trình sản xuất cũng phải đảm bảo môi trường thông qua việc dùng năng lượng tái tạo, tuần hoàn hoặc tiết kiệm nguồn nước, quản lý xử lý nước thải… Việc này làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để nguyên liệu thô thiên nhiên trở thành nguồn cung chất lượng, có tính ứng dụng cao cần phải có công nghệ và liên kết chuỗi thật vững mạnh. “Việt Nam được đánh giá nơi có nguồn nguyên liệu thô dồi dào (bã cà phê, sơ dừa, bạc hà, sen…) và có thể phát triển thành những loại sợi thiên nhiên có giá trị cao nếu được quan tâm đầu tư đúng mức. Liên kết chuỗi ở đây là sự liên kết giữa nơi đào tạo nhân lực cho ngành dệt may, sự đầu tư máy móc công nghệ hiện đại cũng như đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D)”- đại diện của Agtek chia sẻ.
Ở tầm vĩ mô, theo ông Vũ Đức Giang, chúng ta cần sớm hoàn thiện Luật môi trường (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu chung của Luật môi trường thế giới nhưng vẫn phải phù hợp với thực tế tại Việt Nam. Cùng với đó Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp dành riêng cho dệt may nhưng phải đạt các chuẩn mực về xử lý nước thải. Có như thế, ngành may thời trang Việt mới xanh hóa toàn diện và đáp ứng được các yêu cầu của nhà nhập khẩu.