Xe hàng ùn tắc giảm, doanh nghiệp đang thay đổi cách giao thương
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:51, 31/03/2022
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xuất khẩu nông sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Ảnh: VGP
Thông tin được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ ngày 30/3.
Nông sản đang được tiêu thụ rất tốt
Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, nhất là sản phẩm nông sản vào mùa vụ. Trong 3 tháng đầu năm 2022, tình hình tiêu thụ nông sản của Việt Nam rất tốt, xuất khẩu nông sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ, trong khi tăng trưởng xuất khẩu chung các nhóm hàng khác ở mức 10%.
“Tình hình chung là nông sản Việt Nam tiêu thụ rất tốt. Đặc biệt, gạo, cà phê, thủy sản còn có tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa, từ 38-50%”, ông Trần Thanh Hải cho hay.
Bên cạnh đó, số lượng xe còn ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn còn khoảng hơn 1.000 xe. Việc giảm này do một mặt, chính sách chống dịch của Trung Quốc chưa thay đổi làm khả năng thông quan giảm đi nhiều, doanh nghiệp hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu. Một mặt, các doanh nghiệp cũng nhận thức được cần thay đổi phương thức vận chuyển, phương thức giao hàng hóa.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cũng nhìn nhận, tình hình tiêu thụ nông sản vẫn gặp một số khó khăn ở một số nhóm hàng và một số thời điểm cụ thể. Gần đây là mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc.
Để tháo gỡ, Bộ Công Thương đã và đang trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch; thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban.
Ngoài ra, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong việc đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới; phối hợp với Bộ GTVT hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận và tận dụng các phương thức khác ngoài đường bộ như đường sắt, đường biển.
“Đặc biệt, chúng tôi đang phối hợp với các hiệp hội, địa phương tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng. Trong đó có việc biên soạn tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp tìm thị trường, bạn hàng, các điều cần lưu ý khi tham gia hoạt động xuất khẩu, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xuất bản cuốn Cẩm nang hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch”, ông Trần Thanh Hải thông tin.
Bộ Công Thương cũng huy động hệ thống các thương vụ tại nước ngoài đẩy mạnh mở rộng các thị trường khác, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU, Mỹ sang các khu vực thị trường khác như Mỹ la tinh, Trung Đông, Đông Bắc Á... Toàn bộ hệ thống thương vụ đã được huy động tham gia tìm kiếm, hỗ trợ, giúp các địa phương, doanh nghiệp kết nối.
Tại sao người dân không chọn xuất khẩu chính ngạch?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, mặc dù chúng ta đang khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, tuy nhiên hoạt động thương mại biên giới vẫn tồn tại với những ưu điểm riêng. Để cân đối tỷ lệ và phát huy hiệu quả của các phương thức này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp, trao đổi với các hiệp hội, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận: Xuất khẩu tiểu ngạch là một thực tế, bởi sự manh mún trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, nông dân… từ xưa đến nay còn nhiều bất cập.
Việt Nam là một trong những nước có xuất khẩu tăng trưởng cao, muốn tăng trưởng bền vững thì làm chính ngạch phải tốt. Nhưng vẫn còn tồn tại hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch. Đây là quá trình mà để giải quyết được, chúng ta vừa phải khuyến khích người dân, người sản xuất, nông dân, kể cả các doanh nghiệp hoạt động theo chính ngạch, nhưng mặt khác cũng phải tập trung tháo gỡ khó khăn nội tại hiện nay.
Chính phủ, Bộ Công Thương đã điện đàm trực tiếp, làm việc với các cấp lãnh đạo của Trung Quốc. Các địa phương ở biên giới cũng phải làm việc với nhau, vì quyền hạn của các địa phương mà có biên giới với Trung Quốc khác với địa phương của Việt Nam. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự quan hệ khăng khít, tốt, đảm bảo hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.
"Bản đồ nông sản Việt Nam" sẽ cung cấp thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương, và thông qua môi trường mạng. Ảnh minh họa