Khởi công xây dựng tuyến đường 3.700 tỷ đồng kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:06, 17/05/2022
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thực hiện nghi thức nhấn núi khởi công Dự án.
Dự án đường liên kết, kết nối Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt từ ngày 12/11/2021, là dự án nhóm A, công trình trình giao thông cấp 1 sử dụng vốn đầu tư công; tổng mức đầu tư 3.781 tỷ đồng.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư; nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP Đầu tư năng lượng, xây dựng, thương mại Hoàng Sơn, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng và Công ty TNHH MTV Minh Đăng. Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021- 2025.
Dự án có tổng chiều dài 42,55 km, gồm tuyến chính dài 36,51 km, đoạn nối với tỉnh Vĩnh Phúc và đường tỉnh 216 dài 6,04 km. Đây là tuyến đường được xây dựng mới, có điểm đầu là cầu Hòa Sơn, nối với huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, điểm cuối là đường tỉnh 261 tại vị trí giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuyến đường có quy mô thiết kế từ 2 đến 8 làn xe, nền đường rộng 12 đến 47m (tùy đoạn), công trình trên tuyến gồm 11 cầu và 25 hầm chui dân sinh. Tuyến đường chạy qua địa bàn 8 xã, phường của TP Phổ Yên với gần 2,5 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 300 hộ bị giải tỏa hoàn toàn.
Tuyến đường cũng chạy qua các xã Cát Nê, Ký Phú và thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ với hơn 41 ha đất được thu hồi, 245 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, đã có hơn 187ha (đạt gần 100% diện tích) được GPMB, bàn giao, 13 khu tái định cư đã được hoàn thành để triển khai dự án.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm liên kết, kết nối các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang thông qua 5 tuyến đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội và Tuyên Quang - Phú Thọ; Kết nối trực tiếp đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc và Khu du lịch Quốc gia ATK Định Hóa.
Tuyến đường được kỳ vọng tạo thế và lực, tạo quỹ đất, khơi gậy tiềm năng phát triển giao thông, công nghiệp và đô thị, tạo thuận lợi trong lưu thông, phát triển KT-XH; góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm của vùng kinh tế trung du và miền núi phía Bắc trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.