Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cần 15 năm để tắt lún hoàn toàn

Hạ tầng - Ngày đăng : 09:13, 26/04/2022

(VLR) Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang sụt lún với tốc độ trung bình 1cm/năm, tại một số địa điểm lên tới 5,7cm/năm. Đây chính là một trong những thách thức lớn cho lĩnh vực xây dựng nói chung, trong đó có cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được đưa vào khai thác trong thời gian tới.

Ban điều hành Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, dự án có đến 45km/51,5km đường phải xử lý nền đất yếu. Theo TS. Nguyễn Thế Phùng, cố vấn chất lượng của dự án, nếu để lún tự nhiên có thể phải mất đến 20 năm để nền đất lún chặt hoàn toàn.

“Nền đất yếu nói chung của ĐBSCL là nền sét, bùn sét. Nước thoát từ bùn sét rất khó, không dễ như nền cát. Do đó, cần sử dụng phương pháp bấc thấm để thoát nước, kết hợp với gia tải để đẩy nhanh tốc độ cố kết của đất. Khi lún đến độ tương đối ổn định, tốc độ lún còn khoảng 5mm trong vòng 2 tháng thì nền đã tương đối chặt rồi. Nếu nền không lún hết thì không thể thi công mặt đường được”, ông Phùng cho biết thêm.

Trong bối cảnh cần gấp rút đưa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào khai thác vận hành phục vụ người dân, thách thức rất lớn được đặt ra cho chủ đầu tư và nhà thầu khi vừa phải chạy đua tiến độ song song với giải bài toán về chất lượng.

Trước tình hình đó, công ty đã đưa ra rất nhiều biện pháp xử lý nhằm rút ngắn thời gian chờ lún của nền đường như tăng mật độ bấc thấm, giảm khoảng cách cắm bấc thấm từ 2m xuống còn 1,2 - 1,5m. Phương pháp này giúp nền đất cố kết sớm hơn, rút ngắn thời gian chờ lún xuống còn 210 - 220 ngày thay vì 554 ngày như phương án ban đầu. Ban điều hành cũng đã sử dụng biện pháp tăng tải để rút ngắn tối đa thời gian chờ lún.

Theo đại diện Ban điều hành dự án, ngoài các biện pháp xử lý nền đất yếu, một vấn đề rất quan trọng được đặt ra là quan trắc lún. Đối với một dự án đặc thù như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, việc xác định bài toán giữa lý thuyết và thực tiễn vô cùng quan trọng nhằm kịp thời điều chỉnh phương án thực hiện. Chủ đầu tư đã có gói thầu độc lập về quan trắc lún do Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải thực hiện, theo dõi tốc độ lún, độ ổn định và cố kết của nền đường, từ đó so sánh với phương án tư vấn thiết kế với độ lún thực tế.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm cũng đang làm trầm trọng hơn hiện tượng sụt lún. Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng độ cố kết, tuy nhiên địa chất của khu vực ĐBSCL đang không ngừng lún tác động rất nhiều đến chất lượng của tuyến đường huyết mạch này.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu trường Đại học Cần Thơ cho biết, vùng ĐBSCL là một trong những đồng bằng bị những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng rõ rệt nhất. Ngoài ra, đồng bằng này cũng bị nhiều tác động liên quan đến lún, sụt, sạt lở và mặn xâm nhập sâu gây khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng như duy trì, bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng.

Theo báo cáo của Ban điều hành dự án, hiện nay dự án đã hoàn thành được khoảng 98%, các hạng mục còn lại chủ yếu là đường gom, trạm thu phí… Thách thức lớn nhất của dự án hiện nay là nền đất yếu và tình trạng lún không đều. Ông Cao Văn Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, theo tiêu chuẩn thiết kế đường qua nền đất yếu, dự kiến thời gian tắt lún hoàn toàn là 15 năm kể từ thời điểm đưa vào sử dụng với độ lún cho phép còn lại là 30cm.

“Khi đưa vào vận hành khai thác, nền đường có thể tiếp tục lún do kết cấu nền đất yếu và phức tạp của khu vực ĐBSCL. Điều này hoàn toàn nằm trong dự kiến và chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ độ lún để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa nhất ảnh hưởng đến công trình”, ông Cao Văn Nghĩa cho biết.

Với nền địa chất như vùng ĐBSCL, để có thể đầu tư, xây dựng công trình nói chung và các dự án hạ tầng giao thông nói riêng, việc xử lý nền đất yếu là không thể bỏ qua.Có rất nhiều phương pháp xử lý nền đất yếu khác nhau như: cắm bấc thấm, cọc bê tông cốt thép, cọc xi măng đất, giếng cát, bơm hút chân không… chưa kể, dù đã xử lý nền đất yếu, nguy cơ đứt gãy do những biến động phức tạp của địa chất do dòng chảy, do biến đổi khí hậu cũng hoàn toàn có thể xảy ra.

Và dù phương pháp nào, việc xử lý nền đất yếu cũng sẽ kéo dài quá trình xử lý nền, điều này khiến cho việc đầu tư xây dựng dự án tại vùng đất yếu như ĐBSCL cũng sẽ mất nhiều thời gian và chi phí hơn so với những vùng khác.

Dự kiến đến năm 2030, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 640km đường cao tốc. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách cho đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông trên nền đất yếu của vùng ĐBSCL.

Nga Nguyễn