Đưa vào sử dụng 2 công trình giao thông lớn
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Chiều 16/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Tấn Viên cho biết, ngày 24 và 25/12 tới, Nhà ga hành khách Cảng hàng không Buôn Ma Thuột và Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ được khánh thành.
Từ ngày 15/12, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã được đưa vào khai thác chuyến bay quốc tế đầu tiên.
Mặc dù tiến độ chậm so với dự kiến ban đầu, nhưng trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực tháo gỡ nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và các nhà thầu nên dự án đã được hoàn thành góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nhâm Thìn. Dự án đi vào vận hành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách khu vực miền Trung với 3 triệu lượt người mỗi năm.
Đối với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, đây là cảng hàng không hạng C, theo thiết kế nhà ga sẽ đáp ứng được 1 triệu hành khách/năm vào năm 2020.
Trong tương lai, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột sẽ phát triển các tuyến giao thông đường hàng không nối khu vực này với miền Nam, miền Bắc và các nước trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cũng như khai thác hơn nữa tiềm lực của thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung
Cũng theo Thứ trưởng Trương Tấn Viên, ngoài 2 dự án trên, dự án Quốc lộ 20 và dự án cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C sẽ được khởi công vào tuần tới.
Quốc lộ 20 là tuyến huyết mạch nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đà Lạt (Lâm Đồng), là một trong các trục giao thông chính của tỉnh Đồng Nai và phục vụ cho việc phát triển kinh tế, du lịch cho hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng. Qua 30 năm khai thác, tuyến đường này đã hư hỏng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội nơi đây.
Dự án đầu tư xây dựng công trình, khôi phục cải tạo tuyến Quốc lộ 20 có tổng chiều dài 227,9km được thực hiện với điểm đầu tại Ngã ba Dầu Giây giao QL1 tại Km 1833+400 thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại KM 268, giao QL 27 tại KM 220 thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Chất lượng đường theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng và cấp III miền núi, bề rộng mặt đường 12 m, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2014.
Cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2 được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, công trình có tổng mức đầu tư 137 triệu USD được đầu tư từ nguồn vốn ODA Hàn Quốc, cầu có chiều dài 5.487 m, mặt cầu thiết kế rộng cho 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h.
Khi hoàn thành cầu Vĩnh Thịnh sẽ kết nối hai trục hướng tâm (Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phú, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6 và Quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía nam và ngược lại.