Chính quyền cảng: Mô hình mới ưu việt

Hạ tầng - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nét mới trong Quy hoạch này chính là mô hình Chính quyền cảng.

Đây là mô hình tiên tiến, hiện đại đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, thống nhất về quản lý phát triển hệ thống cảng biển tại Việt Nam.

Xoay quanh mô hình mới này, ông Nguyễn Mạnh Ứng - Phó Tổng Giám đốc Portcoast cho biết mô hình Chính quyền cảng nhằm thống nhất quản lý các cảng trong khu vực, tránh tình trạng phát triển manh mún, tự phát, không đồng bộ. Chính quyền cảng không thay thế chính quyền địa phương, mà ngược lại trong Chính quyền cảng sẽ có nhân sự của chính quyền địa phương.

Chính quyền cảng chỉ điều phối hoạt động kinh doanh cảng và các hoạt động liên quan. Chính từ những ưu điểm này mà xây dựng Chính quyền cảng trở thành lựa chọn tốt nhất hiện nay đối với sự phát triển của hệ thống cảng biển Việt Nam.

Theo Phó Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) - ông Nguyễn Xuân Kỳ, mô hình Chính quyền cảng đã hoạt động thành công tại nhiều nước trên thế giới và nó đã giúp chính quyền địa phương điều phối một cách hiệu quả hoạt động cảng biển.

Mô hình hoạt động của Chính quyền cảng theo kiểu chủ cảng (Landlord Ports): Nhà nước sở hữu, đầu tư xây dựng cảng và các công trình hạ tầng phục vụ cảng (luồng hàng hải và hệ thống VTS, đường vào cảng,…); các công ty tư nhân đấu thầu khai thác quản lý cảng và đầu tư các công trình trên cảng.

Chính quyền cảng chịu trách nhiệm toàn bộ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật trong vùng cảng (trên bờ và dưới nước) bảo đảm cho hoạt động tiếp nhận tàu và vận chuyển hàng hóa; kết nối với mạng giao thông quốc gia và mạng hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm mọi vấn đề liên quan đến môi trường.

Ông Kỳ lấy ví dụ các Chính quyền cảng tại Đức và Hà Lan hoạt động rất hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh và mang lại lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cũng như thực hiện cơ chế “một cửa” trong cải cách thủ tục hành chính. Ở Mumbay (Ấn Độ), Chính quyền cảng của thành phố này đưa ra giá sàn cho tất cả các cảng. Các cảng chỉ được phép cạnh tranh về công nghệ, thiết bị… chứ không được phá giá.

Ngoài ra, Chính quyền cảng Bombay còn theo dõi công suất thiết kế của từng cảng để có những chế tài cụ thể như đánh thuế cao phần vượt công suất thiết kế, hoặc lượng hàng hoá đó cho cảng khác chưa hết công suất. Riêng tại Trung Quốc, Chính quyền cảng Quảng Đông đã buộc các hãng tàu phải tập trung hàng cho một cảng trung chuyển mới của tỉnh này. Điều này giúp cho trật tự cũng như luồng hàng được điều tiết một cách hợp lý hơn.

Qua những ví dụ trên có thể thấy, để tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ với các cảng trong khu vực và thế giới, các cụm cảng ở Việt Nam rất cần một Chính quyền cảng để có thể tập hợp sức mạnh của các cảng, đồng thời phân bổ luồng hàng phù hợp với chức năng của từng khu vực, từng cảng. Đặc biết, các cảng sẽ có được mức giá hợp lý hơn hiện nay.

Ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) cho biết điểm yếu của hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay là quy hoạch không đồng bộ, manh mún. Đặc biệt từ trước đến nay, việc quản lý cảng biển của Việt Nam khá khác biệt so với hầu hết các nước trên thế giới, dẫn đến hệ quả đầu tư, khai thác manh mún, vừa thừa vừa thiếu, gây lãng phí nhiều mặt.

Để xóa bỏ thực trạng này, tiến tới điều phối một cách hiệu quả đồng bộ các dự án cơ sở hạ tầng cảng biển và mạng lưới hạ tầng kết nối với cảng, rất cần vai trò điều tiết của Nhà nước, thông qua cơ chế Chính quyền cảng mới có đủ tư cách và thẩm quyền giải quyết rốt ráo những bất cập trong phát triển cảng biển hiện nay.

Theo đó cần có lộ trình cải tiến sang cơ chế Chính quyền cảng như thông lệ quốc tế, trong đó có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương và khối các doanh nghiệp cảng.

Trước yêu cầu cấp thiết phải thành lập một tổ chức đầu não trong việc quản lý mọi hoạt động của các cảng, Chính phủ đã chấp thuận cho phép Cục Hàng hải Việt Nam triển khai thí điểm mô hình Chính quyền cảng.

Cục Hàng hải đang nghiên cứu phương thức hoạt động của mô hình này một cách gấp rút và trước mắt sẽ nghiên cứu áp dụng thí điểm đối với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) cùng hai cảng trọng điểm là cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và cảng Vân Phong (Khánh Hòa). Sau đó sẽ triển khai thí điểm rộng hơn ở một số cảng có điều kiện để từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thực hiện đồng bộ trên toàn quốc; tạo môi trường thông thoáng trong thu hút đầu tư phát triển và kinh doanh khai thác cảng biển.

Đây có thể được xem như bước ngoặt quan trọng đưa cảng biển Việt Nam hội nhập sâu vào thông lệ ngành thương mại hàng hải thế giới, để cảng biển Việt Nam trở thành một trong những trung tâm cảng biển lớn không những của nước ta mà còn của các nước trong khu vực và thế giới, nhằm đưa đất nước trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.

VCCINews