Trạm dừng chân: giải pháp hữu hiệu đối với vận tải đường bộ
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Trạm dừng chân được hiểu ngắn gọn là khu vực nghỉ ngơi của lái xe, hành khách sau mỗi một chặng đường. Tuy nhiên ở VN để xây dựng một trạm dừng chân phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của xã hội, vẫn còn là vấn đề quan tâm của nhiều người.
TRẠM DỪNG CHÂN THẾ GIỚI VÀ MÔ HÌNH TẠI VN?
Đối với các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Canada, Nhật Bản hay các quốc gia châu Âu thì trạm dừng chân rất phổ biến, nó được quy hoạch cùng với hệ thống giao thông đường bộ.
Do giao thông đường hàng không, đường sắt và đường thủy rất phát triển nên trạm dừng chân chỉ đơn thuần là một khu vực nghỉ ngơi, điểm du lịch mua sắm, hoặc là một khu vực dịch vụ là cơ sở công cộng, nơi mà lái xe và hành khách có thể nghỉ ngơi, ăn uống, ngắm cảnh hay đổ xăng cho phương tiện. Xu hướng trạm dừng chân có đầy đủ dịch vụ như trạm xăng dầu, trung tâm mua sắm, trò chơi giải trí, nhà hàng ăn nhanh, cà phê, hộp đêm, dịch vụ thương mại, dịch vụ văn phòng, internet. Trong cùng một tiểu bang hay tuyến quốc lộ, dịch vụ trên các trạm dừng chân được phục vụ theo chuỗi, cùng một nhà cung cấp, đặc biệt là đồng nhất về chất lượng dịch vụ và giá cả. Mô hình trạm dừng chân của Nhật lại được xây dựng theo các tiêu chuẩn nhằm đảm bảo phát triển kinh tế, thương mại và xã hội, tạo ra cơ hội kinh doanh, việc làm và các hoạt động văn hóa, giáo dục... cho cư dân địa phương.
Còn tại VN, trạm dừng chân (hay còn gọi là trạm dừng nghỉ) là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ người và phương tiện dừng, nghỉ trong quá trình tham gia giao thông trên các tuyến vận tải đường bộ. Và phải có đầy đủ tiêu chí như: diện tích tối thiểu, có các phân khu ăn uống, vệ sinh riêng biệt, trạm cung cấp nhiên liệu, phòng cung cấp thông tin, khu vực giới thiệu và bán các sản phẩm địa phương, hệ thống cứu hỏa, vệ sinh môi trường đạt tiêu chuẩn và nhiều hạng mục khác… Trạm dừng nghỉ được kinh doanh dịch vụ phục vụ hành khách và phương tiện khi dừng nghỉ; kinh doanh các dịch vụ khác có liên quan đến hành khách và ô tô theo quy định của pháp luật. Đây cũng là cơ sở để Tổng cục Đường bộ công nhận và xếp hạng các trạm dừng chân có đủ chuẩn để đưa và khai thác?
Trên thực tế vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ trong nước chiếm trên 70%, vì vậy mô hình trạm dừng chân tích hợp nhiều chức năng tổng hợp bao gồm cả bến xe, trạm dừng nghỉ, dịch vụ hàng hóa, kho bãi, trung tâm phân phối… sẽ là một giải pháp hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế.
THỰC TRẠNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ TRẠM DỪNG CHÂN TẠI VN
Trong nhiều năm trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, bộ mặt giao thông của VN đã được cải thiện đáng kể thể hiện qua tốc độ tăng trưởng của phương tiện giao thông, vận tải hàng hóa và khách du lịch tăng. Tuy nhiên hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ cho giao thông đường bộ còn nhiều bất cập.
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2012 của Bộ GTVT, công tác vận tải hành khách và hàng hóa bị ảnh hưởng trực tiếp từ khủng hoảng kinh tế, sản lượng vận tải hàng hóa nói chung và đặc biệt là vận tải hàng hóa bằng đường biển đã sụt giảm gần 14%. Nhưng đáng mừng là vận tải đường bộ duy trì mức tăng cao, đạt 341,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 12,6% và 18,3 tỷ tấn.km, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng vận tải hành khách đạt 1,5 tỷ lượt khách, tăng 14% và 52,4 tỷ lượt khách.km, tăng 12,1% so với cùng kỳ 2011.
Xét trung bình năm thì tốc độ tăng trưởng về phương tiện vẫn tăng đáng kể, nhưng số phương tiện vận tải đang mất cân đối do nhu cầu vận tải ít hơn năng lực của các phương tiện. Số lượng xe cũ, thậm chí không đạt chuẩn, chủng loại xuất xứ không đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đảm bảo an toàn khi khai thác cùng với công tác tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là những bất cập của bộ mặt vận tải VN. Hiện VN có trên 1.000 doanh nghiệp vận tải ôtô nhưng có hàng chục ngàn hộ cá thể có ôtô tham gia vận tải. Trong đó hơn 30% doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chỉ có một vài xe. Một số loại hình vận tải ôtô như: vận tải container, vận tải nặng siêu trường siêu trọng chủ yếu do tư nhân nắm giữ thị phần, nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu khi hội nhập với các nước lân cận và trong khu vực.
Về vận tải hành khách, mặc dù đã có nhiều chuyển biến, tai nạn giao thông có giảm nhưng vẫn còn tình trạng phóng nhanh vượt ẩu để tranh giành khách, nhồi nhét khách trong các dịp lễ tết, bán khách, cơm tù dọc đường vẫn xảy ra. Số tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2012 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên số người chết và bị thương vẫn còn cao. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, toàn quốc đã xảy ra 17.886 vụ tại nạn giao thông, làm chết 4.953 người và bị thương 19.977 người; giảm 21,63% số vụ tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 16,69% số người chết và giảm 21,63% số người bị thương.
Bên cạnh những bất cập nêu trên thì trạm dừng nghỉ và dịch vụ kỹ thuật (dịch vụ và an toàn vận tải đường bộ) cũng là một vấn đề đang được quan tâm. Theo thống kê, VN hiện có khoảng 280.000km đường, riêng quốc lộ là trên 17.000km, trong khi đó số lượng trạm dừng nghỉ hầu như tự phát, trên dọc tuyến quốc lộ trong cả nước chỉ có các quán ăn tự phát dọc đường, các trạm cấp xăng dầu nằm độc lập.
Nếu căn cứ theo thông tư 24/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT thì số lượng đạt chuẩn chỉ tính trên đầu ngón tay. Có thể kể đến ba trạm dừng chân tại Bắc Giang, Ninh Bình, Hoà Bình do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ và một số trạm dừng do công ty Mai Linh, Tín Nghĩa, Phương Trang, Trung Thuỷ và một số doanh nghiệp khác. Số trạm dừng trên đều xây dựng với qui mô nhỏ, có dịch vụ phục vụ các nhu cầu tối thiểu cho khách đi xe chứ chưa kết hợp với các dịch vụ hàng hóa. Một số trạm dừng còn phải bù lỗ do không có khách sử dụng dịch vụ, một phần do tâm lý khách hàng, một phần do những vướng mắc về thủ tục, cộng thêm sự tuyên truyền còn hạn chế đã dẫn đến kết quả không như mong đợi tại các trạm dừng chân.
CƠ HỘI CÒN BỎ NGỎ
Năm 2008, hàng loạt các công ty công bố dự án đầu tư xây dựng trạm dừng chân, trong đó phải kể đến 106 trạm của Tập đoàn Mai Linh và đề án “Phát triển đồng bộ vận tải ôtô và dịch vụ kỹ thuật ôtô nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế” của Tổng Công ty Ôtô Việt Nam phối hợp với Công ty bảo hiểm AAA thực hiện với kế hoạch dự kiến xây dựng 38 trạm dừng chân phức hợp dọc các quốc lộ, 1, 6, 8, 91… Đề án này được xây dựng dựa trên nghiên cứu của Cục Đường bộ Việt Nam từ những năm 2003. Đây là dự án khả thi, có sự kết hợp những ưu điểm của trạm dừng chân tiên tiến với điều kiện thực tế tại VN. Theo đó mỗi trạm dừng chân là một trung tâm logistics tầm cỡ, có đầy đủ chức năng như bến bãi xe, nhà hàng, nhà nghỉ, trạm xăng dầu, showroom ôtô, trạm bảo dưỡng kỹ thuật, trung tâm bán lẻ, cung cấp thông tin, bệnh viện, dịch vụ cứu hộ, cứu nạn giao thông, sân bay trực thăng và kho bãi, chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa của vùng miền phục vụ cho nhu cầu vận tải trong nước và xuất nhập khẩu. Chỉ tiếc rằng các dự án vẫn chưa thực hiện được theo tiến độ mong đợi. Sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cùng với những khó khăn về chủ trương, chính sách là một nguyên nhân chính dẫn đến dự án chậm tiến độ.
Theo Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu phát triển phải đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, tiện lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; phát huy lợi thế của vận tải đường bộ có tính cơ động cao, hiệu quả trong phạm vi hoạt động đường ngắn, gom hàng, tạo chân hàng cho các phương thức vận tải khác với một số mục tiêu cụ thể như: Khối lượng khách vận chuyển đạt 5,5 tỷ hành khách với 165,5 tỷ hành khách luân chuyển, tăng bình quân 11,2%/năm về hành khách luân chuyển; Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 759,50 triệu tấn với 34,6 tỷ tấn luân chuyển, tăng bình quân 7,5%/năm về tấn luân chuyển; Phương tiện cơ giới đường bộ đáp ứng được tiêu chuẩn về môi trường tương đương EURO IV; Phương tiện ôtô các loại khoảng 2,8-3,0 triệu xe, trong đó xe con chiếm khoảng 50%, xe khách 17%, xe tải 33%.
Với tốc độ phát triển kinh tế xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại hóa trong môi trường hội nhập toàn cầu, VN cần có nhiều trung tâm dịch vụ tầm cỡ mới đáp thì nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, mà trạm dừng chân tích hợp logistics là một giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên nó là cơ hội còn bỏ ngỏ nếu chưa có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thống nhất của nhà nước, cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương về xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông quốc gia và từng địa phương; hỗ trợ thuê đất dự án, giải phóng mặt bằng, chính sách thuế, nhập khẩu thiết bị, đào tạo và truyền thông…