Luồng tàu lớn vào hệ thống cảng trên sông Hậu: Chỗ giậm chân, nơi bức bách
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Luồng tàu biển vào sông Hậu
Kênh tắt đang “tắc”
Cuối năm 2009, dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh tắt Quan Chánh Bố được khởi công xây dựng tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, với mục tiêu xây dựng luồng tàu biển ổn định cho tàu có trọng tải 10.000 DWT đầy tải và tàu 20.000 DWT giảm tải ra, vào các cảng trên sông Hậu. Dự kiến cuối năm 2011, luồng tàu này sẽ đi vào khai thác và đáp ứng năng lực thông qua khoảng 22 triệu tấn hàng hóa/năm, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của ĐBSCL.
Tuy nhiên, công trình hiện đã tạm ngưng sau một thời gian thi công. Bộ GTVT nhận thấy trong điều kiện các phương án phân kỳ đầu tư không đảm bảo mục tiêu khai thác luồng tàu theo dự án được duyệt, cũng như không đảm bảo hiệu quả đầu tư nên đang báo cáo Thủ tướng rà soát để điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 10.042 tỷ đồng và giãn tiến độ thực hiện sau năm 2015...
Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là hệ thống cảng hoạt động chưa tới 50% công suất và mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực ĐBSCL; 70% còn lại phải trung chuyển lên các cảng khu vực TPHCM, làm phát sinh chi phí lớn, gây ách tắc giao thông thủy-bộ; đặc biệt là mất lợi thế cạnh tranh. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, bình quân mỗi tấn hàng trung chuyển từ ĐBSCL lên TPHCM doanh nghiệp đội chi phí 7-10 USD. Rõ ràng có sự lãng phí rất lớn năng lực của hệ thống cảng trên sông Hậu (đã và đang được đầu tư nguồn vốn, quy mô lớn).
Ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Cần Thơ, khẳng định: “Nguyên nhân chính là độ sâu luồng Định An bị bồi lắng, không tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn, từ đó không đáp ứng nhu cầu phát triển khu vực. Đây là một trong những lý do khiến TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL khó đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, mặc dù các địa phương có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chỉ số năng lực canh tranh”.
Ông Lê Minh Kháng xác định luồng Định An có vai trò rất quan trọng, nhất là trong điều kiện hiện nay và ngay cả khi kênh tắt Quan Chánh Bố đưa vào sử dụng. Hiện luồng Định An bị bồi lắng nhưng không có nghĩa không xử lý được. Bằng chứng từ năm 2011 đến nay, nhờ điều chỉnh chọn tuyến phù hợp nên việc nạo vét đạt hiệu quả khá cao. Cụ thể năm 2011, sau khi nạo vét đạt cốt luồng (âm) 4 - 4,2m. Đến nay sau hơn 1 năm thì cốt luồng chỉ bị bồi lắng khoảng 50 - 60cm, tàu 5.000 tấn đầy tải vẫn lưu thông an toàn.
Hiện nay, việc nạo vét tốt luồng Định An, duy trì độ sâu khoảng -5m, đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải và tàu có tải trọng lớn hơn, giảm tải ra vào được các cảng biển trên sông Hậu là vấn đề có tính quyết định. Để làm được điều này, cần đầu tư nguồn vốn lớn khoảng 300 tỷ đồng, nạo vét trên quy mô lớn (dài khoảng 7km, rộng 200m, độ sâu cốt luồng khoảng - 5,5m và duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Rất cần trang bị tàu nạo vét lớn, công suất cao, khoảng 5.000m³/giờ, chịu được điều kiện sóng to gió lớn nơi cửa biển…
Mới đây, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ GTVT xem xét phương án nạo vét luồng Định An có nghiên cứu đến vấn đề nguồn vốn từ bán cát tận thu. Hiện một đơn vị của nước ngoài đang khảo sát, đặt vấn đề mua cát của luồng Định An với khối lượng khoảng 1 triệu m3/năm. Nếu dùng kinh phí từ nguồn bán cát tận thu và một số nguồn khác thì nhiều khả năng luồng Định An được khơi thông tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập vào ĐBSCL.