Kể chuyện thăm Đập Thủy Điện Sông Tranh 2

Hạ tầng - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Chiều ngày 06/5/2012, Tôi rất may mắn là một trong những người được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đưa đi thăm Đập thủy điện Sông Tranh 2. Đoàn chúng tôi khoảng 40 người, có các Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo của một số Tỉnh có Thủy điện và các nhà Khoa học, những người ngày hôm sau (07/5/2012) sẽ dự Hội thảo về Thủy điện, do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức tại Thành phố Tam Kỳ.

Chiều ngày 06/5/2012, Tôi rất may mắn là một trong những người được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đưa đi thăm Đập thủy điện Sông Tranh 2. Đoàn chúng tôi khoảng 40 người, có các Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo của một số Tỉnh có Thủy điện và các nhà Khoa học, những người ngày hôm sau (07/5/2012) sẽ dự Hội thảo về Thủy điện, do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức tại Thành phố Tam Kỳ.

Ông Trần Văn Tân, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thay mặt TS Lê Phước Thanh, trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh, kiêm Chủ tịch Tỉnh, dẫn chúng tôi đi trên 3 xe ôtô, vượt quãng đường hơn 60 km từ TP Tam Kỳ đến Đập.

Quãng đường tuy không dài, nhưng đường hẹp và xấu, quanh co leo đèo vượt suối. Quãng đường và thời gian dường như được rút ngắn bớt nhờ sự săn sóc ân cần vui vẻ của ông Chánh Văn phòng. Chẳng hạn, mọi người có nước uống thoải mái và được ông Chánh Văn phòng chiêu đãi trái cây đặc sản của Quảng Nam trên suốt quãng đường đi và về.

Rời Tam Kỳ khoảng được 10 km, lòng Tôi nôn nao khi nhìn thấy phong cảnh núi đồi lúp xúp giống hệt quê hương tôi, nơi mà dăm bảy năm tôi mới có dịp một lần về thăm. Nhìn thấy nhà cửa và thấp thoáng một vài nét sinh hoạt của bà con nơi đây, tôi nhận ra rằng ở đây cũng gần giống quê tôi, cực nhọc, vất vả. Càng đi xa đường càng gập ghềnh quanh co, núi đồi càng heo hút. Tự nhiên tôi cảm thấy quý trọng công lao của những người xây đập, đã vất vả lặn lội đưa đến đây hàng triệu tấn vật liệu, đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt để dựng lên con đập nặng trên dưới chục triệu tấn. Tôi cũng tự hỏi, những thiết bị nặng hàng trăm tấn, không thể tháo rời, như tuốc-bin, như Máy biến thế đã được vân chuyển lên đây bằng đường nào? Chắc hẳn là đường sông? Sông có đủ rộng và đủ sâu không?... Tôi cũng chạnh lòng nghĩ đến sự hy sinh vất vả của những người đang ngày đêm săn sóc con đập và nhà máy thủy điện, xa vợ con gia đình, lẻ loi giữa rừng hoang núi thẳm.

Đoàn xe leo ngược lên đỉnh đập. Xuống xe, chúng tôi được Ông Trần Văn Hải, Giám đốc Ban quản lý dự án, kiêm Giám đốc nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 tươi cười niềm nở đón chào, ngay trước bót gác của lực lượng bảo vệ đập.

Chúng tôi được phổ biến nội quy thăm đập. Chỉ những người có thẻ do Đoàn Đại biểu Quốc hội cấp, đeo trước ngực, mới được tham quan, không được mang theo máy quay phim chụp ảnh, được giao một mũ bảo hiểm loại xịn của công trường.

Ông Hải giới thiệu, trong thân đập có 3 hành lang gom nước thấm, tổng chiều dài chừng 2km, nếu đi xem hết cả 3 hành lang sẽ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, đề nghị mọi người quyết định, đi xem mấy hành lang?. Hầu hết chúng tôi điều nhất trí đề nghị cho xem hành lang trên cùng và hành lang dưới cùng.

Đoàn được chia làm 3 nhóm, các nhóm cách nhau từ 5 đến 10 phút. Ông Hải dẫn nhóm I gồm các Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các Tỉnh. Tôi thuộc nhóm III, đa số là các nhà Khoa học, được Ông Trưởng phòng kỹ thuật hướng dẫn.

Trong lúc chờ đợi, tôi tranh thủ đi loanh quanh quan sát mặt đỉnh đập, mặt thượng lưu, và mặt hạ lưu của đập. Đọc báo thấy nói EVN đang tranh thủ sửa chữa đập để kịp hoàn thành trước mùa mưa lũ, tôi cứ nghĩ công việc sửa chữa đang rất nhộn nhịp. Không ngờ tất cả chỉ vắng hoe, không hề có một bóng người làm việc, không hề có bóng dáng một thiết bị nào.

Đó là ngạc nhiên đầu tiên của tôi.

Trên đường từ đỉnh đập men theo mặt hạ lưu đập đến cửa vào thân đập (đường dài chừng 30 – 40 mét), chúng tôi nhìn thấy hai vị trí ngay sát đường đi, trên mặt hạ lưu đập vừa được trám bê tông, một chỗ có thể đoán mới trám cách đây 1 – 2 ngày, chỗ thứ hai mới trám cách khoảng 1 – 2 giờ, vữa xi măng còn chưa khô.

Hóa ra ở đây vẫn tiếp tục bịt mặt hạ lưu thân đập, là điều tối kỵ, bởi như vậy sẽ giữ nước lại trong thân đập, sẽ làm hư hỏng thân đập, là phá hoại đập, điều mà dư luận đã nói đến rất nhiều. Sự việc này có thể dẫn đến nhiều câu hỏi khó trả lời.

Đây là ngạc nhiên thứ hai của tôi.

Đến trước cửa vào thân đập, lực lượng bảo vệ kiểm tra lại một lần nữa, yêu cầu mọi người không mang máy ảnh, máy quay phim vào, các Bà các Cô có mang theo ví đầm đều được thu gom kiểm tra kỹ càng, một Cô có cái ví bằng nắm tay cũng được yêu cầu mở ra xem có máy ảnh không. Có một chuyện buồn cười là chính tôi đeo bên thắt lưng chiếc máy ảnh nhỏ, nhưng bảo vệ không hỏi đến, tôi nghĩ họ tưởng tôi chỉ đeo điện thoại di động, hoặc có thể họ thấy tôi hiền lành vui vẻ và dự đoán tôi sẽ không chụp lén! Sau này nhiều người hỏi tôi sao không chụp lén vài kiểu, tôi trả lời tôi không muốn phụ niềm tin của họ!

Nhân đây nói thêm một chút, có người hỏi tôi về tin “Đại biểu Quốc hội bị cấm mang máy ảnh vào đập Sông Tranh 2” của một số báo chí, tôi trả lời rằng tất cả chúng tôi được phổ biến nội quy tham quan, trong đó nói người tham quan không mang theo máy ảnh, chứ không nói “cấm Đại biểu Quốc hội mang máy ảnh vào đập”. Còn tại cửa vào đập, các Đại biểu Quốc hội có được kiểm tra lại chặt chẽ như ở nhóm chúng tôi không, thì thực tình tôi không biết. Lại có người hỏi tôi về ý kiến “cấm Đại biểu Quốc hội mang máy ảnh vào đập Sông Tranh 2 là phạm luật” đăng trên một số báo chí, tôi không trả lời được, vì tôi không phải là Luật sư.

Trước khi kể chuyện vào thăm trong lòng đập, tôi xin đề nghị những độc giả chưa có khái niệm về Hệ thống thu gom nước thấm của đập hãy đọc phần Ghi chú ở cuối bài này, trong đó giới thiệu ngắn gọn, dễ hiểu, giúp mọi người nắm sơ lược về cấu tạo, vận hành, và tầm quan trọng của Hệ thống này, Hệ thống mà chúng tôi sắp được tham quan.

Đi trong hành lang thứ nhất, cảm giác rất thanh thản, đường đi rộng rãi, sạch, yên tĩnh, ánh sáng điện êm dịu vừa phải, tuy ở độ sâu khoảng 30 mét so với đỉnh đập và dài hun hút tới 600mét, nhưng không cảm thấy ngột ngạt, có lẽ hệ thống thông gió rất tốt. Thú vị nhất là tất cả các lỗ thoát nước thấm sắp hàng trên đỉnh đầu người tham quan đều khô rang, không một giọt nước nhỏ, hai con mương 2 bên đường đi cũng khô rang. Như vậy là tại thời điểm này, hành lang thứ nhất không thu gom được giọt nước thấm nào. Điều này hết sức dễ hiểu: theo ước lượng của chúng tôi thì mực nước thượng lưu hồ đang thấp hơn hành lang này, nước không thể thấm ngược lên hành lang này được.

Sau kết thúc êm ả ở hành lang thứ nhất, mọi người leo bộ xuống hành lang thứ 3, nằm dưới đáy đập, sâu gần 100 mét so với đỉnh đập, với nông nỗi của Thúy Kiều khi theo Sở Khanh chạy trốn Tú Bà: “dặm đường bước thấp bước cao hãi hùng”. Số là mấy trăm bậc tam cấp ở đây không giống như cầu thang trong nhà ở, không có bậc nào giống bậc nào, cái cao cái thấp, cái rộng cái hẹp, lại không có lan can vịn. Mọi người phải thận trọng dò từng bước. Riêng tôi lớn tuổi nhất đoàn, cũng cố hết sức bình sinh mong sao theo kịp mọi người. Nhưng khi xuống được khoảng 3/4 khoảng đường, tôi bị tụt lại sau đoàn chừng 20 bậc thang. May mà sau lưng tôi vẫn còn chú bảo vệ áp hậu đoàn, tôi đành đề nghị chú cho tôi vịn vào cánh tay, chú đồng ý, và nhờ đó tôi đã có thể nhanh chân theo kịp mọi người.

Sau chuyến thăm, Tôi có dịp hỏi một vài chuyên gia thiết kế và thi công đập, họ đều nói rằng ở những đập mà họ đã thiết kế và thi công thì không “bước thấp bước cao” như thế. Nếu các chuyên gia này nói đúng, thì hóa ra đập Sông Tranh 2 là đặc biệt khác người. Lại thêm một ngạc nhiên nữa!

Ngạc nhiên thứ 3.

Khi xuống gần đến hành lang thứ ba Tôi nghe thấy tiếng động ầm ầm như một cỗ máy nào rất lớn đang chạy, bèn hỏi chú Bảo vệ. Chú Bảo vệ vừa dắt Tôi vừa trả lời: Không có máy nào cả, chỉ là tiếng nước chảy thôi. Tôi hỏi: nước gì ở trong này mà chảy ghê thế. Chú trả lời ngay: Nước thấm!. Tôi vô cùng ngỡ ngàng, không thể tưởng tượng được nước thấm mà lại chảy ầm ầm như thế. Càng đi xuống tiếng nước càng to. Khi xuống chớm đến hành lang đập, tiếng nước nghe dữ dội hơn nhiều so với tiếng thác đổ từ trên núi xuống sau một cơn mưa ở những con suối quê tôi. Càng đi sâu vào hành lang tiếng nước càng dữ dội, đến mức, trao đổi với người bên cạnh phải ghé sát vào tai và nói thật to mới nghe thấy.

Đây có lẽ là ngạc nhiên thứ tư.

Trước khi vào tham quan lòng Đập, từ phải sang: Ông Trần Văn Tân, Chánh Văn phòng Đoàn ĐB QH tỉnh QN, Ông Trần Văn Hải, Giám đốc Ban QLDA kiêm GĐ Nhà máy TĐ Sông Tranh 2, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn KHCN & QL HASCON, Thạc sĩ Lâm thị Thu Sửu, GĐ Trung tâm nghiên cứ phát triển xã hội Huế.

Ở hành lang này hoàn toàn khác hành lang thứ nhất, hầu hết các lỗ thoát trên đầu chúng tôi đều tuôn chảy nước. Người ta phải làm phễu hứng nước, truyền nước từ phễu qua ống nhựa, đường kính khoảng 10cm, xuống 2 con mương 2 bên hành lang. Ống nào nước cũng chảy ào ào.

Thấy nước chảy quá nhiều, nhất là tiếng nước chảy như sấm rền, bất giác tôi cảm thấy hoảng sợ: chẳng may chính lúc này con đập sập xuống, thì ôi thôi!... Nhưng rồi bình tĩnh suy nghĩ lại, tiếng “sấm rền” này chắc chỉ vì hành lang dài và kín như một hang sâu, âm thanh bị phản xạ vang dội nhiều lần, nước chảy không nhiều như thác đổ, nhưng tiếng nước ầm ầm dữ dội hơn thác đổ, nhờ vậy tôi lại thấy vững tâm.

Sau này về nhà, nhiều vị đi cùng tôi thổ lộ, đã hết sức sợ hãi lúc vào hành lang thứ 3, chỉ tội đã lỡ vào rồi, đành phải chấp nhận!

Lâu nay Báo chí và nhiều người nói ra rất nhiều con số khác nhau về lưu lượng nước thấm. Lúc thì 30lít/giây, lúc thì 75lit/giây, lúc thì bảo đã giảm xuống còn 1,5 lít/giây, v.v… Thực ra, con số quan trọng nhất là lưu lượng nước thấm tối đa cho phép theo thiết kế. EVN chưa hề công bố con số này.. Chỉ có một lần, một tờ báo nào đó đăng tin một vị Lãnh đạo của EVN nói rằng 500lít/giây vẫn an toàn! Đi bên cạnh tôi là Kỹ sư Trần Đình Sính, chuyên gia thiết kế thủy điện của Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1, người đã tham gia thiết kế đập thủy điện Sông Tranh 2 này. Tôi hỏi lưu lượng nước thấm tối đa cho phép theo thiết kế là bao nhiêu? Kỹ sư Sính trả lời là không nhớ, và Kỹ sư Sính nói tiếp: “Thường thì nước thấm chỉ là thấm từng giọt, chứ không chảy ào ào như thế này, thế này là đập có vấn đề!”

Đến chính giữa hành lang, mọi người dừng lại bên hố gom nước. Ở đấy có hai Cán bộ của đập trông coi. Họ cho chúng tôi xem cách đo lưu lượng toàn dòng nước thấm đã thu gom được: họ cắm cái thước dài chừng 30 cm vào một vị trí nào đó giữa dòng nước chảy, dùng ngón tay để đánh dấu độ sâu trên thước, đưa lên chỉ cho mọi người xem độ sâu là bao nhiêu cm, rồi đưa ra một Bảng tra cứu được in sẵn bằng máy tính. Bảng này giúp tra cứu: giá trị lưu lượng nước thấm toàn đập (lít/giây) tương ứng với độ sâu vừa đo được (cm). Hoàn thành xong thao tác và tra cứu theo kiểu này, họ công bố với chúng tôi là lưu lượng nước thấm của toàn đập hiện nay là 75lít/giây.

Tôi cứ băn khoăn: một công trình đầu tư trên năm ngàn tỉ đồng, mà lại “tiết kiệm” chi phí cho thiết bị đo đạc, đến nỗi phải thực hiện phép đo rất thô sơ và rất thủ công như thế này sao?, nhất là đối với phép đo này, một phép đo rất hệ trọng, đánh giá an toàn của đập.

Đây là ngạc nhiên thứ năm của tôi.

Riêng cá nhân tôi thấy không có cơ sở gì để tin vào phép đo và Bảng tra cứu của họ nên tôi đành phải tiến hành bí mật một phép đo trong chớp nhoáng. Ngồi xuống bên mương nước, dùng gang tay đo chiều rộng của mương, được 30cm (3dm), đo chiều sâu của dòng nước chảy, được khoảng 15cm (1,5dm), xé một miếng giấy nhỏ chừng 1cm2, thả vào dòng nước và đếm thời gian bằng hai tiếng “tích tắc”, sau một tích tắc (sau 1 giây) thấy mảnh giấy trôi được khoảng 1m (10dm). Từ kết quả này có thể nhanh chóng tính ra lưu lượng nước là:
3,0dm x 1,5dm x 10dm/giây = 45dm3/giây = 45lít/giây

Đó là lưu lượng của con mương trên nửa bên phải của đập. Lưu lượng của con mương bên trái cũng gần giống như thế. Cho nên phép đo chớp nhoáng của tôi cho kết quả Lưu lượng nước thấm của toàn đập là:

45lít/giây x 2 = 90lít/giây

Nếu cho rằng sai số của phép đo của tôi tối đa là ±15% thì giá trị thật của lưu lượng sẽ nằm trong khoảng: 90lít/giây ±15% = 76,5lít/giây đến 103,5lít/giây

Với cách kiểm tra này tôi thấy có thể chấp nhận con số 75 lít/giây của họ.

Tôi vẫn rất băn khoăn, làm sao đánh giá được con số này, nếu không bình thường, thì mức độ nghiêm trọng đến đâu, trong khi chúng ta không biết trị số cho phép của thiết kế.

Trị số cho phép của thiết kế là kết quả của những bài tính phức tạp, chịu chi phối của nhiều yếu tố, chúng ta không thể đoán mò được...

Để đánh giá con số này, chúng ta thử tính thêm một chút như sau:

- Lượng nước thấm qua mặt thượng lưu của toàn con đập trong 1 giờ (3600 giây):
75 lit/giây x 3600 giây/giờ = 75x3600 lit/ giờ = 270.000 lít/ giờ

- Diện tích mặt thượng lưu đập đang tiếp xúc với nước: với Chiều rộng đập khoảng 600 mét, độ sâu của đập hôm đó khoảng 60 mét, Diện tích: 600 mét x 60 mét = 36.000 mét vuông.

- Lượng nước thấm bình quân qua 1 mét vuông trong 1 giờ là:
270.000 / 36000 = 7,5 lit / m2.giờ

Để có thể hiểu được con số này, xin đưa ra ví dụ như sau:

Một ngày nào đó trời mưa to, tại nhà ở của các ông lớn, những người đã tuyên bố Đập Sông Tranh 2 là an toàn, nước mưa thấm từ sân thượng xuống tầng dưới, với lưu lượng giống như ở đập Sông Tranh 2, là 7,5 lit/giờ cho mỗi mét vuông. Chúng ta không biết nhà ở của các ông ấy rộng lớn bao nhiêu, nhưng cứ khiêm tốn cho là có 100 mét vuông sân thượng, thì lượng nước thấm trong 1 giờ tổng cọng là:

7,5 lít/m2 x 100m2 = 750 lít.

Hãi chưa! 750 lít nước thấm từ sân thượng xuống nhà các ông, chỉ sau 1 giờ mưa, mà các ông vẫn hô “an toàn”!

Thực ra, có lẽ chỉ cần 1 lít nước mưa thấm vào nhà, là các ông đã lo sốt vó, chạy đôn đáo tìm thợ sửa chữa.

Xin hỏi, khi 750 lít nước thấm từ sân thượng xuống nhà các ông chỉ sau 1 giờ mưa, các ông có dám bảo vợ con là „nhà ta vẫn rất an toàn, cứ yên tâm mà ở nhé!“?

Chắc chắn là các ông không dám nói với vợ con các ông như thế.

Nhưng rất đáng tiếc, dù các ông biết ở Đập Sông Tranh 2, nước thấm như thế không chỉ trong 1 giờ như cơn mưa ở nhà các ông, mà thấm suốt ngày suốt tháng suốt năm, nhưng các ông vẫn sang sảng nói với đồng bào Quảng Nam như thế!

Đến đây, Tôi ngao ngán nhớ lại những lời tuyên bố hùng hồn của các vị lãnh đạo EVN, của ông Tiến sỹ Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, của Ông Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, rằng đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn.

Đó là ngạc nhiên thứ 6 của tôi.

Sau khi tham quan lòng Đập, từ thứ 3 bên phải: TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn KHCN & QL HASCON, Thạc sĩ Lâm thị Thu Sửu, GĐ Trung tâm nghiên cứ phát triển xã hội Huế, TS Đào Trọng Hưng, Viện Khoa học Công nghệ VN.

Trên đường trở về, gần cuối hành lang, gặp 1 hộp bằng bê tông nằm bên lề hành lang, kích thước khoảng 60 cm x 60 cm x 60 cm. Người hướng dẫn nói với tôi: đây là Máy thăm dò địa chấn. Tôi chưa kịp trả lời, thì người đi bên canh tôi, PGS TS Cao Đình Triều, Tổng Thư ký Hội KHKT Địa Vật lý VN, Viện trưởng Viện Địa lý ứng dụng, đã phản bác ngay: Đây chỉ là Địa chấn kế, chứ không phải Máy thăm dò địa chấn. Thực ra Máy thăm dò địa chấn và Địa chấn kế là 2 thiết bị có chức năng nhiệm vụ khác nhau. Sau này tôi cứ phân vân mãi, sao họ lại nói riêng với tôi như thế? Chẳng lẽ họ không hiểu? Chẳng lẽ vì tôi đã nhiều lần yêu cầu dùng Máy thăm dò địa chấn để khám nghiệm thân đập và nền đập nhằm xác định nguyên nhân sự cố trước khi tiến hành sửa chữa?

Có thể xem là thêm một ngạc nhiên nữa của tôi, ngạc nhiên thứ 7.

Tôi lại cố hết sức bình sinh để leo ngược bước thấp bước cao theo mọi người, là người cuối cùng lạch bạch chui ra khỏi thân đập, ở cửa hầm phía mặt hạ lưu.

Vừa thấy tôi, lập tức 5 người tay cầm máy ghi âm chạy lại trước mặt tôi. Họ còn rất trẻ, rất nhiệt tình, tự giới thiệu là Phóng viên, không được phép vào tham quan, tôi nhớ không chính xác, có lẽ là của “Tuổi Trẻ”, “Thanh Niên”, “Tiền Phong”, “VNExpress”, “VietnamNet”. Tôi rất cảm kích, muốn đáp lại nhiệt tình của các bạn trẻ, ít nhất là đáp lại cái công họ chờ đợi trước cửa hầm, đáp lại cái mong muốn nhận được những thông tin “nóng hổi”, nhưng không thể được, tôi đành trả lời vào 5 chiếc máy ghi âm: “Tôi chỉ vừa mới tham quan, chỉ mới có những ghi nhận trực quan, tôi cần có thời gian suy nghĩ, xem xét, đánh giá trên cơ sở các luận cứ khoa học, rồi mới có thể phát biểu được.” Anh em PV còn cố gạn hỏi tôi một và câu nhưng tôi kiên quyết không trả lời. Sau này tôi cứ ân hận mãi, tại mình quá thận trọng, làm hụt hẫng nhiệt tình của các PV, lẽ ra có thể kể lại những ghi nhận trực quan, như nước thấm 75 lit/giây, tiếng nước như thác đổ sấm rền..…

Chúng tôi xúm nhau lại chụp ảnh kỷ niệm, những muốn lưu lại hình ảnh chuyến đi hiếm có nơi con đập tai tiếng. Lúc này Bảo vệ đập cho phép chúng tôi thoải mái chụp hình. Mọi người hồ hởi chen nhau đứng giăng hàng trước mặt hạ lưu con đập. Tất cả các máy ảnh đều được tung ra, tranh nhau bấm tí tách. Tôi cũng chụp được mấy tấm, sau lưng mọi người là con đập sừng sững.

Phút chia tay, tôi nhìn lại lần cuối con đập, không biết bao giờ sẽ được trở lại, bỗng nhiên thấy ngay trên mặt đập hạ lưu một dòng nước từ trong thân đập chảy ra. Lưu lượng rất nhỏ, ước khoảng 1,2 cc trong 1 giây, tức là khoảng 5,6 lít 1 giờ. Vị trí miệng nước chảy cao chừng 3 mét, ngay sau lưng chúng tôi khi đứng chụp ảnh. Dù lưu lượng rất nhỏ nhưng tôi vẫn rất băn khoăn: như vậy là nước vẫn tồn tại trong thân đập, nước vẫn chảy qua thân đập xuống hạ lưu, đó là điều không cho phép, trong khi theo báo chí thì EVN bảo rằng đã thu gom hết nước vào hệ thống thu gom rồi!

Và đây là ngạc nhiên cuối cùng của tôi, ngạc nhiên thứ 8.

HỆ THỐNG THU GOM NƯỚC CỦA ĐẬP

Dù đã có rất nhiều công nghệ để ngăn nước thấm từ mặt đập phía thượng lưu vào thân đập, nhưng thực tế không bao giờ có thể ngăn tuyệt đối, mọi con đập đều bị nước thấm, dù lượng rất nhỏ. Nếu không có cách thu gom lượng nước thấm này, dù rất ít, thì nước sẽ thấm dần vào toàn thân đập từ mặt thượng lưu đến tận mặt hạ lưu. Đó là điều không cho phép, vì nước đó sẽ làm hỏng toàn bộ thân đập.

Vì vậy, mỗi con đập đều có hệ thống thu gom nước thấm, đó là một dãy lỗ thoát nước thấm, mỗi lỗ xuyên suốt từ đỉnh đập đến đáy đập, đường kính khoảng 10 – 15 cm. Dãy lỗ này sắp hàng suốt chiều dài thân đập, nằm rất gần mặt thượng lưu của đập, chỉ cách mặt thượng lưu khoảng 3 mét. Khoảng cách giữa hai lỗ kề nhau là 2 đến 3 mét, ở đập Sông Tranh 2 là 3 mét. Với chiều dài con đập khoảng 600 m, dãy lỗ có tổng cọng khoảng 200 lỗ.

Với cách bố trí này, hầu hết nước thấm qua mặt thượng lưu sẽ tự tìm đến các lỗ, rồi chảy xuống dưới đáy theo các lỗ. Tại sao nước thấm lại ”biết” tự tìm đến các lỗ? Giải thích lý thuyết thì dài dòng, có thể hình dung trực quan, giống như chuyện nước thấm trong nhà ở của chúng ta: mọi thứ nước thấm, như nước mưa, nước sạch, nước thải, dù bắt đầu thấm ở đâu, trên mái, trên sân thựong, trong các bể nước, ống nước, trong toa-let, thì cuối cùng đều thoát ra ở mặt tường nhà, đúng là nước thấm ”biết” tự tìm đến các lỗ thoát!

Tất cả nước thấm sẽ tự chảy xuống đáy của các lỗ này, sẽ được gom lại và cho thoát ra phía hạ lưu của đập qua một đường ống đã được xây dựng sẵn. Như vậy, toàn bộ nước thấm qua mặt thượng lưu đã được thu gom hết, khiến phần thân đập từ dãy lỗ đến mặt hạ lưu không còn nước thấm, đảm bảo an toàn cho thân đập.

Để thuận tiện cho công việc gom nước, người ta xây dựng các hành lang gom nước, nằm trong thân đập, chạy suốt chiều dài đập, ngay tại vị trí của dãy lỗ thoát nước thấm (thực ra, hành lang gom nước còn phục vụ nhiều mục đích kỹ thuật khác). Đập Thủy điện Sông Tranh 2 có 3 hành lang gom nước, hành lang thứ 3 nằm ở đáy đập, còn 2 hành lang thứ 1 và thứ 2 ở lưng chừng phía trên. Mỗi hành lang rộng 3 mét, cao 3 mét, dài khoảng 600 mét. 200 lỗ thoát nước thấm xuyên qua chính giữa hành lang.

Mặt đáy hành lang rộng và phẳng như “đường ta rộng thênh thang 3 thước”, hơi dốc về phía chính giữa. Dọc theo hai bên lề của đường hành lang là hai con mương, nước thấm nhỏ giọt theo lỗ sẽ rơi xuống nền đường, rồi lan dần ra hai con mương hai bên, và tự chảy theo độ dốc xuống vị trí gom nước ở chính giữa đập. Nước gom được ở hành lang thứ nhất và hành lang thứ hai sẽ chuyển dần xuống hành lang thứ ba ở phía dưới đáy đập.

Tại điểm giữa của hành lang thứ ba người ta đã xây dựng sẵn một hố gom nước thấm, và một đường ống, xuất phát từ hố gom nước thấm, xuyên qua thân đập về phía hạ lưu, để cho toàn bộ nước thu gom được tự chảy ra hạ lưu. Ở đây còn đặt một máy bơm, đề phòng trường hợp mực nước hạ lưu dâng cao, cao hơn hố gom nước, thì phải dùng máy bơm để bơm nước thu gom ra hạ lưu.

Tại đây cũng có thể đo lưu lượng, chính là lưu lượng nước thấm mà Hệ thống này thu gom được.

Lưu ý rằng lưu lượng nước thấm mà Hệ thống này thu gom được hoàn toàn khác lưu lượng nước phun ra như suối ở mặt hạ lưu đập khi đập bị nứt hay bị sự cố.