Công ty chứng khoán ngân hàng: cần một cuộc “đại phẫu”

Hạ tầng - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định đưa Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (mã SBS) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong sáu tháng, đến hết ngày 28.2.2013. Điều này đã được dự báo từ nhiều tháng trước, khi mà SBS liên tục không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Trên thực tế, đây cũng là hồi còi thúc giục các công ty chứng khoán ngân hàng (CTCKNH) sớm tái cấu trúc, nhằm thoát cảnh thân phận long đong như thời gian vừa qua.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định đưa Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (mã SBS) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong sáu tháng, đến hết ngày 28.2.2013. Điều này đã được dự báo từ nhiều tháng trước, khi mà SBS liên tục không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Trên thực tế, đây cũng là hồi còi thúc giục các công ty chứng khoán ngân hàng (CTCKNH) sớm tái cấu trúc, nhằm thoát cảnh thân phận long đong như thời gian vừa qua.

PHẬN SỐ LONG ĐONG!

Thời gian qua, CTCK Ngân hàng Phương Nam (PNS) nổi lên như một hiện tượng trong thời kỳ các CTCK hoạt động “cầm hơi”, nhiều công ty thua lỗ nặng nề, do thị trường chứng khoán đang tuột dốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, PNS khó duy trì được sự thành công này. Bởi việc thâu tóm các ngân hàng lớn khác như trước đây PNS từng làm cơ hội hầu như không có. Trong khi đó, nhiều CTCKNH của một số ngân hàng bị thua lỗ lớn. Điển hình là CTCKNH Sài Gòn Thương Tín (SBS). Tính tới hết quý I.2012, CTCK này thua lỗ lũy kế lên tới hơn 1.400 tỷ. Sau đó, tình hình vẫn không có gì sáng sủa. Do vậy, từ ngày 23.7, cổ phiếu SBS đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào diện bị kiểm soát, chỉ được giao dịch 15 phút trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa của mỗi ngày giao dịch. Tiếp đó, vì không đáp ứng về chỉ tiêu an toàn tài chính nên cuối tháng 8.2012, SBS đã bị đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong sáu tháng, đến hết ngày 28.2.2013.

Liên quan đến tình hình hoạt động của SBS, từ một công ty luôn có mức lãi "khủng" giai đoạn 2007-2010, đứng thứ 3 về thị phần môi giới, năm 2011, SBS đã bất ngờ làm giới đầu tư bị sửng sốt khi công bố lỗ tới 788 tỉ đồng từ mức lãi 98,25 tỉ đồng năm 2010. Sang quý I năm nay, SBS tiếp tục thua lỗ 660 tỉ đồng, đưa lỗ lũy kế lên 1.424,14 tỷ đồng, vượt quá vốn đầu tư chủ sở hữu (tính đến 31.3). SBS cho biết, trong tháng 3, công ty đã phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và sẽ xúc tiến thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu để tăng vốn khả dụng. Tại thời điểm đó, SBS thông báo, công ty đã thanh toán hết nợ và còn hơn 500 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng. Cổ phiếu SBS chào sàn ngày 5.7.2010 với khối lượng 110 triệu đơn vị, giá tham chiếu 38.000 đồng, đã từng có giá 42.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm mới phát hành. Sau một thời gian ngắn giảm điểm, tăng trở lại vào cuối năm 2010, đạt 36.800 đồng/cổ phiếu hồi tháng 12.2010 và liên tục lao dốc xuống mức hiện tại. Cổ phiếu SBS hiện dưới mức 3.800 đồng/cổ phiếu. Và nếu không có 800 tỷ đồng - nguồn vốn trái phiếu chuyển đổi mới phát hành - SBS có thể gặp khó khăn để duy trì hoạt động.

Trường hợp khác là CTCK Ngân hàng Hàng Hải (MSBS) nợ ngân hàng hơn 420 tỷ đồng, theo công bố báo cáo tình hình tài sản trong quý II.2012. Đến cuối quý II, tiền mặt của MBS chỉ còn 39,97 tỷ đồng gửi tại ngân hàng. Tổng nguồn vốn của MSBS là 1.303 tỷ đồng, trong đó, vay các tổ chức tín dụng 424,39 tỷ đồng, trái phiếu phát hành là 470 tỷ đồng. Được biết, tại đại hội cổ đông năm 2012, MSBS đặt mục tiêu doanh thu trên 222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 43 tỷ đồng. Các khoản đầu tư ngắn hạn là 124,53 tỷ đồng, đầu tư dài hạn là 172,56 tỷ đồng; trong đó, đầu tư vào các tổ chức tín dụng và tài chính trong nước chiếm hơn 99%. Qua báo cáo trên của MSBS có thể thấy, bức tranh màu xám đang bao phủ công ty này.

RỦI RO LỚN

Nhớ lại năm 2007, khi thị trường chứng khoán “hoàng kim”, nhiều nhà đầu tư đã xem thị trường chứng khoán như một “canh bạc” lớn, đổ xô đầu tư chứng khoán. Bước sang 2008, thị trường chứng khoán đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, sự đi xuống chỉ là nhất thời, thị trường chứng khoán sẽ sớm trở lại thời hoàng kim. Vì thế, số lượng nhà đầu tư và các CTCK vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, thị trường chứng khoán tuột dốc không phanh, bất chấp các nhận định thị trường sẽ sớm khởi sắc.

Thực tế cho thấy, sự đi xuống của thị trường là tất yếu, khi việc làm giá và báo cáo tài chính của các DN niêm yết phần lớn là ảo. Chưa kể, tình hình kinh tế khó khăn đã kéo các DN niêm yết rơi vào khó khăn, nợ nần chồng chất. Hệ quả sự tăng trưởng nóng của tín dụng do sự cho vay dễ dãi, cùng với sự suy yếu của kinh tế đã làm thị trường chứng khoán liên tục đỏ sàn. Rõ ràng, thị trường chứng khoán tuy hoạt động 12 năm nhưng vẫn là ngành kinh doanh mới, chứa đựng nhiều khó khăn, rủi ro.

Theo đó, các CTCKNH cũng gánh chịu nhiều rủi ro từ hoạt động của mình. Chuyện khởi nguồn từ năm 2010, thời điểm thăng hoa của các hoạt động cho vay tiền đầu tư chứng khoán (margin). Trong khi pháp luật cấm thì khi đó hầu như CTCK nào có nghiệp vụ môi giới đều thực hiện dịch vụ này vì nếu không thì nhà đầu tư sẽ chuyển sang CTCK khác. Câu hỏi đặt ra là CTCK đã lấy tiền ở đâu để làm dịch vụ margin? Thời điểm năm 2010 thị trường rất “nóng” với quy mô giao dịch hàng ngàn tỷ đồng/phiên và tỷ lệ margin lên tới 80% hay 100% thì không CTCK nào có đủ vốn lưu động để hỗ trợ nhà đầu tư. Đứng danh nghĩa CTCK ra vay thì cũng rất khó, vì nếu vay thì đâu là tài sản đảm bảo? Như vậy, CTCKNH lúc đó như là một điểm sáng thu hút rất nhiều nhà đầu tư và cổ phiếu của các CTCKNH liên tục tăng so với ngày đầu lên sàn. Đây chính là điểm mấu chốt của sự ra đời ồ ạt các CTCKNH.

Hiện nay có 20 CTCKNH trong tổng số 105 CTCK. Tuy nhiên chỉ có một CTCKNH nằm trong top 10 công ty dẫn đầu về thị phần môi giới.Và 10 CTCK này nắm gần 60% thị phần. 40% còn lại chia đều cho 95 công ty còn lại nên số thu của mỗi công ty cực kỳ khiêm tốn. Đặc biệt, những công ty nhỏ, sống nhờ vào hai hoạt động là môi giới và lưu ký chứng khoán thì số thu càng còm cỏi. Tình hình nguy hiểm hiện nay là có rất nhiều CTCKNH rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi.

Vấn đề đáng nói là, 9 tháng đầu năm nay, biến động trên thị trường chứng khoán tích cực hơn so với năm trước. Thanh khoản được cải thiện đáng kể, nhưng nhiều CTCKNH vẫn sống lay lất? Đây chính là hậu quả của việc thành lập CTCKNH ồ ạt những năm trước.