Bà Rịa – Vũng Tàu từng bước hoàn thiện phần cứng và phần mềm logistics

Hạ tầng - Ngày đăng : 09:03, 17/02/2014

(VLR) Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng toàn diện về cả đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không để phát triển phương án vận chuyển đa phương thức trong những năm tới đối với các hệ thống logistics có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã được hình thành. Song song đó, các chính sách, đề án về phát triển loại hình dịch vụ này cũng đã và đang được UBND BR-VT tích cực triển khai.

Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng toàn diện về cả đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không để phát triển phương án vận chuyển đa phương thức trong những năm tới đối với các hệ thống logistics có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã được hình thành. Song song đó, các chính sách, đề án về phát triển loại hình dịch vụ này cũng đã và đang được UBND BR-VT tích cực triển khai.

ĐÃ CÓ CẢNG

Hiện nay, hệ thống cảng vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng và đã đưa vào khai thác được 26 dự án cảng biển, công suất khoảng 76,5 triệu tấn/năm. Các bến cảng này đã tiếp nhận thành công các tàu trọng tải trên 100.000 tấn. Trong những năm qua, có thời điểm đã có 16 tuyến vận tải trực tiếp đi châu Mỹ và châu Âu từ khu vực Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng 9 dự án và chuẩn bị đầu tư 18 dự án cảng khác.

TẠO TUYẾN KẾT NỐI CẢNG

Để phát triển hệ thống logistics, cần tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là then chốt. Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, phấn đấu đến năm 2020, xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng biển Thị Vải – Vũng Tàu theo Quy hoạch tổng thể cụm cảng Cái Mép, Sao Mai - Bến Đình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, tỉnh BR-VT đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương bố trí đủ nguồn vốn đầu tư để thực hiện các tuyến giao thông trọng yếu, kết nối liên vùng và kết nối với hệ thống cảng biển như: đường liên cảng Thị Vải – Cái Mép, tuyến đường Phước Hòa - Cái Mép, đường 991B trong kế hoạch năm 2011-2015. Khẩn trương khởi công xây dựng các tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 4 và tuyến đường sắt Biên hòa - Vũng Tàu theo đúng tiến độ phê duyệt.

HÌNH THÀNH TRUNG TÂM LOGISTICS

Về quy hoạch trung tâm logistics, hiện nay tỉnh BR-VT đang phân tích lựa chọn các vị trí, địa điểm để quy hoạch xây dựng các Trung tâm phân phối hàng hóa (Trung tâm logistics). Quan điểm phát triển Trung tâm phân phối hàng hóa sẽ nghiên cứu theo mô hình Làng vận tải ở Đức, với mục tiêu phát triển các Trung tâm phân phối hàng hóa tập trung, là nơi mà nhiều tập đoàn, công ty logistics hoạt động, nhằm tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng dùng chung, dễ dàng áp dụng phương thức vận tải đường sắt và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững trên nền tảng của logistics xanh và hiệu quả.

Đến nay, Sở Giao thông vận tải đã hoàn tất gửi brochure giới thiệu đầu tư tỉnh BR-VT và bản đồ vị trí khu trung tâm logistics Cái Mép Hạ cho đơn vị phối hợp là Hiệp hội Nhịp cầu kinh doanh Nhật – Việt (JVBB) thực hiện xúc tiến quy hoạch tại các đơn vị tư vấn và các nhà đầu tư tại Nhật Bản. Tiếp tục làm việc với JVBB để đánh giá năng lực thực hiện cũng như thảo luận chi tiết về các điều kiện ràng buộc và thời hạn thực hiện công tác quy hoạch này. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải BR-VT cũng phối hợp với Sở Công thương và Sở Xây dựng rà soát Quy hoạch khu vực dành cho phát triển logistics, thỏa thuận địa điểm lập Quy hoạch xây dựng khu trung tâm Logistics Cái Mép Hạ và thủ tục về Quy hoạch xây dựng.

CHUYỂN BIẾN TRONG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tại các cơ quan hải quan đã triển khai thủ tục hải quan điện tử (HQĐT), thời gian thông quan hàng hóa phân vào luồng xanh từ 3- 5 phút và luồng vàng từ 10-20 phút. Từ năm 2014, Cục Hải quan sẽ triển khai hệ thống thông quan tự động và tình báo hải quan theo dự án VNACCS/VCIS (Vietnamese Nippon Automatic Customs Clerance System/Vietnamese Customs Inteligence System) do chính phủ Nhật Bản tài trợ. Bên cạnh đó, toàn ngành Hải quan đang tích cực triển khai Đề án một cửa quốc gia (Nation single window) và Đề án một cửa ASEAN (Asean single window). Đây là các dự án mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã đưa vào hoạt động điểm triển khai làm thủ tục một cửa cho tàu thuyền nước ngoài vào, rời cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải. Văn phòng đại diện của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đặt tại Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT). Theo đó, các doanh nghiệp tham gia hoạt động hàng hải trong khu vực, khi làm thủ tục cho tàu thuyền nước ngoài vào, rời các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải làm thủ tục ngay tại Văn phòng đại diện Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đặt tại cảng CMIT.

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

Về đào tạo nguồn nhân lực, trong giai đoạn trước mắt, có thể đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics và cảng biển bằng cách gửi học viên đi tu nghiệp theo modul 3 tháng hoặc hợp tác đào tạo. Tuy nhiên về lâu dài, đối với một khu vực cảng, một thành phố cảng biển, để phát triển bền vững thì việc thành lập một Viện hoặc Trường đào tạo nhân lực cho cảng biển và logistics là tất yếu.

Trên cở sở đó, Đề cương chi tiết đề án phát triển nguồn nhân lực dịch vụ logistics tỉnh BR-VT giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội BR-VT nghiên cứu hoàn thiện Đề án.

Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, BR-VT sẽ hoàn thiện và có một hệ thống logistics quy mô đủ đáp ứng với nhu cầu và tiềm năng phát triển của Tỉnh, phục vụ công cuộc hội nhập logistics khu vực và thế giới.

CHÚ THÍCH:

1. Đưa hàng vào cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép;

2. Triển khai gấp rút đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải. Trong ảnh: Xây dựng cầu Rạch Mương