Tăng cường hợp tác doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thương mại VN đang là đòi hỏi cấp bách trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng; ASEAN hình thành Cộng đồng kinh tế (AEC) vào năm 2015 với lộ trình tự do hóa dịch vụ logistics vào 2013 và đặc biệt là VN sẽ sớm tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Kim ngạch xuất nhập khẩu của VN đang tăng nhanh, năm 2012 đã đạt 228,3 tỷ USD, tăng 12,1% so với 2011.
Quyết định Số 175/QĐ-TTg ngày 27.1.2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của VN đến năm 2020 đã “coi dịch vụ logistics là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu”. “Hình thành dịch vụ trọn gói 3PL; phát triển logistics điện tử (e-logistics) cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả và thân thiện. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics đạt 20-25% năm. Tỉ lệ thuê ngoài đến năm 2020 là 40%”.
Để ngành logistics thực sự là chìa khóa cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị của thương mại, nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp (DN) logistics và xuất nhập khẩu (XNK), cần phải có những giải pháp:
1, Tái cơ cấu chuỗi cung ứng nhằm nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của thương mại VN, đặc biệt là xuất khẩu và chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết các DN kinh doanh các mặt hàng XNK như may mặc, da giày, điện tử… cần phải tái cơ cấu chuỗi cung ứng của mình. Chủ động nguyên vật liệu thay vì nhập khẩu, tạo ra các giá trị gia tăng thay vì chỉ gia công, lắp ráp.
Các chuỗi cung ứng nông sản và thủy hải sản… cũng cần được tái cơ cấu theo xu hướng tăng hàm lượng chế biến có giá trị gia tăng cao, tạo ra tính linh hoạt nhằm đáp ứng các thay đổi nhanh trên thị trường thế giới. Việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các DN XNK sẽ gắn kết, tạo điều kiện và thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển dịch vụ logistics. Các DN dịch vụ logistics VN hiện nay có đủ năng lực và chuyên nghiệp để tư vấn cho khách hàng các giải pháp logistics tốt nhất phù hợp với đặc thù chuỗi cung ứng của từng khách hàng.
Bên cạnh đó, các DN XNK cần thay đổi tập quán mua bán hàng hóa, chuyển từ phương thức bán FOB (FCA đối với hàng container) sang CIF, hoặc mua FOB sang CIF (CIP) hoặc linh hoạt lựa chọn áp dụng các phương thức Incoterms 2010 trong đó DN XNK có thể đàm phán và giành quyền vận tải và logistics về mình, từ đó tăng thêm các lợi thế về chi phí và tránh được các thiệt hại rủi ro.
Tại các nước phát triển, ngay cả trong khu vực, các nhà xuất khẩu luôn đàm phán và sử dụng các phương thức mua bán hàng hóa mà người bán tìm mọi cách để đưa hàng hóa đến tận cửa người mua kể cả việc trả thuế quan nhập khẩu… tạo ra chuỗi cung ứng ổn định và bền vững mà người mua sẵn sàng chấp nhận trong khi đó các chủ hàng VN thì làm ngược lại (!)
Cần nói thêm rằng, đại bộ phận các DN XNK VN hiện nay đã tích lũy kinh nghiệm trong đàm phán, lại có sẵn các bộ phận thương vụ vì thế việc giành lại quyền vận tải và logistics, sử dụng các quy tắc Incoterms 2010 có lợi là trong tầm tay. Mặt khác, trong điều kiện ngoại thương hiện nay chúng ta có thể tận dụng các Hiệp định thương mại song phương và đa phương (FTA) với các ưu đãi thuế quan về xuất xứ… từ đó vị trí nhà XNK VN trong đàm phán không phải lúc nào cũng là bên yếu thế và lệ thuộc.
2, Chủ hàng VN cần chủ động và tận dụng lợi ích của việc thuê ngoài logistics cũng giúp các DN thương mại, XNK cắt giảm chi phí, tiết kiệm các khoản đầu tư, nhân lực không cần thiết nhằm có điều kiện tập trung vào kinh doanh lõi của mình.
Chủ hàng vẫn có thể kiểm soát hàng hóa của mình bất kỳ thời điểm nào (thời gian thực) thông qua công nghệ thông tin hiện đại và sự kết nối chặt chẽ với các DN logistics 3PL. Với sự trưởng thành của DN logistics, chủ hàng VN hoàn toàn có thể tin cậy và giao phó được kể cả hàng hóa nhập khẩu tại khắp các quốc gia trên thế giới nơi mà DN logistics có mạng lưới đại lý.
3, Hiện đại hóa hệ thống hải quan, thực hiện hải quan một cửa, hải quan điện tử, trong đó có việc phát triển mạnh mẽ hình thức đại lý hải quan bằng việc gia tăng số lượng đại lý hải quan và xây dựng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan cho các lô hàng XNK do đại lý hải quan đứng tên khai, như miễn kiểm hồ sơ và miễn kiểm hóa đối với các tờ khai do đại lý hải quan đứng tên, đóng dấu. Hiện nay, mới chỉ có 180 đại lý hải quan trong cả nước, chủ yếu là các hội viên của VLA và số lượng tờ khai hải quan còn quá khiêm tốn, các DN XNK cần tăng cường ủy thác làm thủ tục hải quan qua các đại lý hải quan, qua đó thúc đẩy mạnh việc thuê ngoài logistics.
4, Đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và nhất quán các quy định pháp luật điều chỉnh kinh doanh dịch vụ logistics để phục vụ tốt cho việc tạo thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại.
Cần bổ sung các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực logistics để thu hút đầu tư nước ngoài hoặc trong nước vào cơ sở hạ tầng, bến bãi, giao thông, công nghệ thông tin. Nghiên cứu thay đổi quy định các DN FDI khi tham gia vào các hiệp hội ngành nghề chỉ được là hội viên liên kết như hiện nay làm (Nghị định 45/2010-NĐ/CP). Nghiên cứu ban hành các chính sách khuyến khích các chủ hàng thuê ngoài logistics (như tại Trung Quốc ), các chính sách nhà nước hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics và quản trị chuỗi cung ứng (thí dụ như ở Thái Lan và một số nước khác).
Trong khi chờ sửa đổi Luật Thương mại 2005, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 5.9.2007 Quy định chi tiết Luật Thương mại về Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Trong đó tập trung vào các vấn đề chính: Điều 4: Cần phân loại dịch vụ logistics sao cho phù hợp với thực tiễn kinh doanh cũng như phân loại tại các nước phát triển (phân loại theo 1PL, 2PL, 3PL, 4PL...), Điều 5, Điều 6 và Điều 7 về Điều kiện kinh doanh đối với thương nhân kinh doanh các dịch logistics cần quy định các điều kiện kinh doanh cụ thể phù hợp từng loại, thí dụ các DN thực hiện dịch vu logistics 3PL (integtated logistics) trở đi, hoặc vận tải đa phương thức phải có tài sản tối thiểu, mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, và phải được cơ quan quản lý chuyên ngành cấp phép, tránh tình trạng hiện nay việc quy định điều kiện này khá thoáng tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và manh mún. Điều 8 về Giới hạn trách nhiệm cần nhất quán trong quy định mức giới hạn trách nhiệm, phù hợp với thực tiễn kinh doanh từng loại hình dịch vụ và phù hợp với các quy định khu vực và quốc tế. Điều 9 về mặt quản lý nhà nước ngành dịch vụ logistics hiện nay cũng cần phải nghiên cứu tránh sự chồng chéo nhưng đồng thời tăng cường sự quản lý hơn nữa phù hợp tầm vóc một ngành kinh tế quan trọng như trên.
Ngoài ra, cũng cần bổ sung các khái niệm, các định chế trong ngành logistics như người vận tải không tàu (NVOCC), người gom hàng, dịch vụ Cross-docking, dịch vụ quản lý kho của nhà cung cấp (VMI); dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng… nhằm làm phong phú, đa dạng các hoạt động dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu của các DN XNK hiện nay trong giao thương quốc tế.
Các nội dung trên đây nếu được sửa đổi bổ sung hợp lý sẽ giúp cho DN ngành dịch vụ logistics nâng cao được năng lực kinh doanh của mình và uy tín đối với các DN XNK tin tưởng thuê ngoài các dịch vụ logistics của DN VN.
5- Thiết lập cơ chế liên kết hữu hiệu giữa các DN XNK và logistics. Để có sự liên kết thường xuyên và hữu hiệu, các DN logistics cần chủ động nắm vững nghiệp vụ chuyên ngành thương mại, thí dụ các quy tắc Incoterms 2010, UCP 600 - thanh toán tiền hàng và ICC - quy tắc bảo hiểm hàng hóa XNK, các thông tin về tình hình thực hiện các ưu đãi thuế quan của các FTA… Và ngược lại, các DN XNK cũng cần nắm vững các nghiệp vụ về giao nhận, vận tải, logistics kể cả thấu hiểu về chuỗi cung ứng của mình, các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà VN đã ký kết. Qua đó sẽ hỗ trợ nhau trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và thực thi có hiệu quả các thao tác nghiệp vụ tăng lợi thế cạnh tranh.
Thường xuyên trao đổi thông tin có liên quan để giúp cho các DN XNK và logistics nắm bắt tình hình, hỗ trợ nghiệp vụ tiến tới xây dựng cổng thông tin giao dịch logistics tại mỗi khu vực phục vụ. Trước mắt, thông qua các hiệp hội ngành hàng và Hiệp hội VLA tạo các link trên trang web để trao đổi, cung cấp các thông tin từ phía các DN ngành hàng cũng như thông tin các dịch vụ của DN cung cấp dịch vụ logistics.
Để việc liên kết có hiệu quả thiết thực và phát triển trong thời gian tới, cần thành lập Diễn đàn liên kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics, hoạt động hàng năm, chúng tôi cho rằng, Diễn đàn Logistics Việt Nam - VLF là tiền đề cho việc thành lập diễn đàn này.
Ngoài ra, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động của DN thì cần thiết phải có một tổ chức cấp nhà nước quản lý, chỉ đạo thống nhất các hoạt động của ngành logistics phục vụ thương mại trong cả nước bao gồm cả DN VN và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đó là hình thành Ủy ban Quốc gia Logistics. Tổ chức này thực sự là cầu nối giữa DN và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược, chính sách và các chương trình hành động phát triển ngành logistics của nước ta gắn liền với phát triển sản xuất, thương mại và XNK.