Vận tải hàng hóa 2015 khởi đầu không thuận lợi
Hạ tầng - Ngày đăng : 16:10, 30/03/2015
(Vietnam Logistics Review) Ngành vận tải hàng hóa toàn cầu, nổi bật là vận tải biển và vận tải hàng không, đã kết thúc năm 2014 với những con số, những sự kiện “không mấy thuận lợi”. Kéo theo đó là sự mở đầu cho năm 2015 đầy khó khăn.
Vận tải biển: Tốn kém khôi phục hoạt động Bờ Tây Hoa Kỳ
Theo đại diện các hãng vận tải, sự tăng trưởng của vận tải biển trong dịp Tết Nguyên đán đã làm tăng các chi phí thiết bị, xử lý hàng hóa cùng các chi phí phát sinh khác.
Trong khi ảnh hưởng từ việc ùn tắc các cảng ở Bờ Tây Hoa Kỳ bởi cuộc tranh cãi giữa giới công nhân và giới chủ đang leo thang, thì các thành viên của Hiệp định Bình ổn giá cước xuyên Thái Bình Dương (TSA) vẫn đang tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận.
Ông Niels Erich, phát ngôn viên của TSA cho biết, các hãng tàu container đã bắt đầu điều chỉnh mạng lưới của mình để đối phó với các khó khăn đang diễn ra ở Bờ Tây Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, nhu cầu vận tải hàng hóa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần lễ ở châu Á đã hồi phục và tiếp tục tăng tốc.
Các hãng vận tải cũng dự báo về việc các dịch vụ vận tải đang hồi phục và tiếp tục tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu đang phát triển mạnh mẽ và bền vững, kéo theo đó cũng thúc đẩy các chi phí quan trọng khác.
Các thành viên TSA cho rằng cần phải nâng giá cước vận tải biển cao hơn các tuyến vận tải đường sắt, đường bộ, các chi phí quản lý thiết bị và chi phí xử lý hàng hóa như một điều “bình thường mới” trong hoạt động vận tải biển trong nước cũng như quốc tế, mới có thể vượt qua được những khó khăn gần đây đang diễn ra ở dọc bờ biển này. “Bình thường mới” tức là “bình thường” nhưng lại là sự kiện “mới” so với thực trạng hiện nay, điều đó có nghĩa trong điều kiện không có đột biến lớn, vấn đề Bờ Tây Hoa Kỳ sẽ sớm được giải quyết.
Với mục tiêu này, TSA đã thông báo sẽ tăng giá cước chung (GRI) với 600 USD/FEU cho tất cả các lô hàng từ châu Á đến Mỹ, kể từ ngày 09.3. Các hãng tàu khác cũng nhanh chóng đưa ra thông báo tăng giá cước chung, sẽ được công bố trước ngày 09.4 sắp tới.
Ông Brian Conrad, Giám đốc điều hành TSA cho biết, hầu hết các nhà vận tải đều đang quan tâm đến việc tất cả đang phải đối mặt với chi phí hoạt động cao hơn cũng như cơ hội thu nhập và kinh doanh bị mất trong bối cảnh tình hình hiện nay.
Các hãng vận chuyển đang phải đối đầu với môi trường cạnh tranh gay gắt. Một số hãng vận chuyển báo cáo kết quả đạt lợi nhuận nhưng kết quả đó hầu hết có được nhờ cắt giảm chi phí khi mà doanh thu chỉ cải thiện không đáng kể trong thời gian qua.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phục hồi bền vững và đồng USD vẫn đang có giá trị hơn so với các đồng tiền châu Á, các hãng cần phải mạnh dạn đối mặt với cuộc chơi, thay vì áp dụng cắt giảm biên chế như năm 2011, đồng thời cũng cần hoàn thành việc tích hợp dịch vụ cần thiết để đáp ứng quy mô cũng như các mục tiêu hiệu quả trên thị trường.
Việc tăng giá cước vận tải một cách hạn chế không giải quyết được các chi phí kể từ tháng Chín năm ngoái, cũng như không đáp ứng được việc phát triển mạng lưới vận tải cho đến năm 2016, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Vận tải hàng không: bùng nổ sáp nhập và mua lại
Giá dầu giảm dường như đã hình thành nên một năm 2015 của ngành vận tải hàng không với các hoạt động sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực vận tải và logistics.
Công ty Tư vấn toàn cầu PwC tin rằng một trong những động lực chính của phát triển các hoạt động sáp nhập và mua lại qua tình hình "có thể sẽ có sự suy giảm trong chi phí nhiên liệu trên toàn cầu, trong khi giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009”.
Công ty cho biết, họ mong đợi những con số này có thể nâng cao lợi nhuận và củng cố bảng kết toán của các công ty, từ đó tăng thêm vốn để đầu tư vào các yếu tố ngoại lai nhiều hơn thông qua các hoạt động sáp nhập và mua lại.
Năm 2014 đã kết thúc một cách yếu ớt cùng những con số “mờ nhạt”, với con số tăng trưởng của quý IV đạt giá trị thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước. Con số các hoạt động sáp nhập và mua lại cũng như giá trị của chúng vẫn ở mức rất thấp so với mười năm gần đây.
Dù vậy, năm 2015 đã được bắt đầu với hai giao dịch có tổng giá trị gần 8 tỷ USD, cả hai giao dịch này đều có liên quan với các công ty logistics Nhật Bản đang tìm cách cải thiện sức ảnh hưởng của mình trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Công ty logistics Đan Mạch DSV tiết lộ họ sẽ dành 1 tỷ USD cho hoạt động mua lại để phát triển hoạt động kinh doanh của công ty ra khỏi châu Âu. DSV đã thất bại trong việc đàm phán vào cuối năm ngoái để sở hữu cổ phần của công ty giao nhận UTi của Mỹ.
Ông Jens Bjoern Andersen, Giám đốc điều hành DSV cho biết: "Chúng tôi muốn khuếch trương hoạt động kinh doanh của mình để có mặt tại các thị trường lớn hơn tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Á".
Phát biểu này chỉ được tiết lộ vài ngày sau khi công ty logistics quốc tế lớn nhất của Úc, Toll Holdings, thông báo rằng công ty sẽ được mua lại bởi Tập đoàn Bưu chính – Tài Chính của Chính phủ Nhật Bản, với giá trị 8 tỷ đô Úc.
Ngoài ra, vấn đề đang được nhiều hãng hàng không quan tâm chính là vấn đề về Bầu trời mở rộng. Đặc biệt các thành viên Hiệp hội vận tải hàng hóa hàng không quốc tế
(TIACA) đang rất khẩn trương với đề tài này, nhất là trong tình hình các hãng hàng không đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Bầu trời mở rộng giúp các hãng vận tải hàng không thuận lợi để phát triển và gặt hái lợi nhuận hơn, đặc biệt trong thời kỳ giá dầu đang tuột dốc như hiện nay.
Dư thừa công suất cũng là một vấn đề dài hạn cần giải quyết, ước tính có đến 230 máy bay thân rộng hoạt động trong vòng bốn năm tới. Với tình hình này, mức tăng trưởng
khiêm tốn của thị trường vận tải hàng hóa hàng không có thể chỉ đạt 3% vào năm 2016.