Hiện đại hóa đường sắt quốc gia

Hạ tầng - Ngày đăng : 09:40, 19/05/2015

(VLR) Hệ thống vận tải quốc gia là sự tổng hợp và phối hợp của các phương thức vận tải của quốc gia đó. Mỗi phương thức vận tải có những ưu nhược điểm riêng. Trong phạm vi bài báo này chúng tôi chỉ xin đề cập một số vấn đề về vai trò của ngành đường sắt trong hệ thống vận tải của nước ta.

Ngành đường sắt trong hệ thống vận tải VN

Vận tải đường sắt luôn là xương sống của hệ thống vận tải của nhiều nước và nước ta. Đường sắt vận chuyển một khối lượng hàng hóa chiếm tỉ trọng khá lớn, nhưng ngày nay vai trò của đường sắt nước ta giảm sút, chỉ tham gia vận chuyển chưa tới 1% lượng hàng hóa cả nước. Đâu là nguyên nhân đưa tới sự sa sút này là câu hỏi làm băn khoăn các nhà quản lý.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, vận chuyển hành khách, tình hình giảm thị phần của đường sắt trong tổng lượng khách vận chuyển qua các năm (1995 là 1.6%, 2013 giảm còn 0.4%), cũng giảm tương tự như hàng hóa (Từ 3.2% 1995, giảm còn 0.6% vào 2013).

Có mấy nguyên nhân chính:

1. Hiện nay sự phát triển kinh tế đều diễn ra ở khắp các tỉnh, đưa đến nhu cầu vận chuyển từ khắp các vùng miền đất nước, rất nhiều vùng kinh tế không có đường sắt, điển hình như các tỉnh miền Tây Nam bộ chỉ có đường thủy và đường bộ, hàng không; hay vùng Tây Nguyên chỉ có đường bộ, hàng không…. Cần Thơ, trung tâm kinh tế ĐBSCL mới chỉ có định hướng làm đường sắt nối với TP.HCM. Hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu mới chỉ là dự kiến từ nhiều năm nay,...

2. Hệ thống đường sắt không được nối với các cảng biển, ngay cảng lớn Sài Gòn, hay cụm cảng Cái Mép - Thị Vải không có đường sắt nối tới. Hiện tại còn rất nhiều cảng không có đường sắt.

3. Nhiều khu công nghiệp hình thành và phát triển, nhưng không đường sắt tới, như các khu công nghiệp ở TP.HCM, Long An, Cần Thơ, BR - VT….

4. Đường sắt tham gia vận chuyển hàng bằng container còn quá ít.

5. Việc đầu tư và quản lý phương tiện vận chuyển, chủ yếu là toa xe đường sắt còn nhiều vấn đề bất cập, nhất là việc quản lý, điều động toa xe rỗng (logistics toa xe).

6. Sự chuyển biến về tổ chức quản lý trong ngành đường sắt, hướng theo kinh tế thị trường chậm hơn so các ngành khác. Chủ trương xã hội hóa trong GTVT đường sắt đi sau các ngành vận tải khác nhiều năm.

Nếu không đầu tư, mở rộng ngành đường sắt thì hệ thống vận tải chúng ta sẽ ngày càng mất cân đối. Hệ lụy trực tiếp là đường bộ sẽ phải tham gia quá mức, chạy đường dài, chở hàng nặng, và đường bộ sẽbị khai thác quá mức gây hư hại đường sá, cầu,...

Một thời gian dài vừa qua, các ban ngành tập trung vào việc hoàn thiện tổ chức vận tải hành khách bằng đường sắt. Đây là một việc làm tích cực đáng ghi nhận. Nhưng với sự phát triển hàng không giá rẻ, chắc chắn thị phần vận chuyển hành khách giành cho đường sắt sẽ bị ảnh hưởng. Đây là xu hướng trên toàn thế giới, ngay cả đường sắt tốc độ cao của Nhật Bản cũng bị sức ép nặng nề từ hàng không giá rẻ.

Vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đáng tiếc là, nhiều năm qua, chưa thực sự được quan tâm một cách đầy đủ.

Hiện đại hóa ngành đường sắt

Đã tới lúc ta cần chú trọng đến phát triển đường sắt, để phát huy được vai trò quan trọng của đường sắt trong kinh tế - xã hội - quốc phòng của đất nước. Việc làm này cần tiến hành theo hai hướng.

Một là - Xây dựng mở rộng hạ tầng cơ sở - mạng lưới đường sắt khu vực phía Nam:

- Kéo dài, nối hệ thống đường sắt với các vùng kinh tế lớn của đất nước, nhất là miền Tây Nam bộ - ĐBSCL, và phía Đông Nam bộ - phía BR -VT.

- Đường sắt không thể thu hút hàng hóa nếu không kết nối trực tiếp với các cảng, các khu công nghiệp, mỏ, nhà máy. Hiện nay một số cảng lớn như cụm cảng Phú Mỹ - Thị Vải - Cái Mép, cảng Sài Gòn Hiệp Phước, không có đường sắt nối kết, phải chuyên chở ra vào cảng chỉ bằng đường bộ, đường sông… dẫn đến hiệu quả không cao.

Hai là - Phát triển toa xe hàng, nâng cao khả năng khai thác quản lý toa xe và các đoàn tàu hàng.

- Toa xe hàng cần đầu tư các chủng loại với số lượng thích hợp. Để tham gia vào việc vận chuyển container cần có loại toa xe mặt bằng có kích thước và kết cấu phù hợp với các loại container tiêu chuẩn (20", 40") thường dùng trong vận tải quốc tế, nhất là đường biển. Ngoài ra các loại toa xe hàng rời,...

- Việc quản lý và khai thác toa xe là một vấn đề lớn, quyết định việc khai thác một cách hiệu quả. Trong logistics người ta đề cập tới 3 dòng logistics, trong đó có dòng tái sử dụng. Việc áp dụng logistics trong việc quản lý, điều phối các vỏ container trong hàng hải một cách hiệu quả trong mạng lưới vận chuyển toàn thế giới đã rất hiệu quả. Dòng các toa xe cũng thuộc dòng tái sử dụng, nên cần thiết kế một hệ thống logistics quản lý các toa xe.

Ba là – Phát triển các dịch vụ Logistics trong các ga đường sắt, nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm thời gian cho các thủ tục và tác nghiệp xếp dỡ, lưu kho, giao nhận, chuyên chở…

Với mong muốn xây dựng một hệ thống vận tải quốc gia cân đối, hài hòa và hiệu quả, cần phải triển khai việc xây dựng và mở rộng hệ thống vận tải hàng hóa bằng đường sắt. Việc làm này góp phần phát triển kinh tế quốc gia, giảm tải cho hệ thống đường bộ do vận chuyển hàng hóa quá mức.

Đầu tư xây dựng đường sắt cần có một quy hoạch tổng thể, và đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài. Các dự kiến phát triển đường sắt khu vực phía Nam đã được nêu trong các văn bản nhà nước từ nhiều năm, như Chiến lược phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Phê duyệt theo QĐ số 1686/QĐ-TTg năm 2008; Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sắt VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phê duyệt theo QĐ số 1436/QĐ-TTg năm 2009, hoặc Quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Phê duyệt theo QĐ số 06/2011/QĐ-TTG năm 2011... Nhưng các tuyến đường sắt khu vực này chưa được triển khai trong
thực tế…

Nên chăng, cần phải triển khai mạnh mẽ xã hội hóa, trước hết từ trong ngành đường sắt, để thu hút các nguồn lực đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là từ các người hưởng lợi từ sự phát triển này?

Lý Bách Chấn, Trịnh Văn Chính