Thông tư 35/2016/TT-BGTVT đánh đồng đối tượng, nhà đầu tư tổn thất nặng
Hạ tầng - Ngày đăng : 16:08, 23/04/2018
“Đánh đồng” các nhóm đối tượng
Theo ông Trần Văn Thể, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, qua thực tiễn áp dụng Thông tư 35/2016/TT-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành ngày 15.11.2016 “Quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý” đã cho thấy một số bất cập. Thông tư này đã bỏ sót phạm vi và đối tượng áp dụng đối với các loại hình dự án giao thông. Cụ thể tại Điều 1, Thông tư chỉ quy định việc áp dụng đối với các dự án đường bộ (ĐB) bao gồm đường quốc lộ, đường cao tốc. Tuy nhiên, các dự án ĐB ngoài đường quốc lộ, đường cao tốc còn có các dự án, công trình giao thông khác như các hầm ĐB, cầu vượt biển... Chi phí đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành nhóm đối tượng này cao hơn nhiều so với các dự án quốc lộ, cao tốc nhưng vẫn áp dụng cùng biểu giá thu phí đã gây tổn thất lớn cho nhà đầu tư và làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Việc quy định biểu giá của Thông tư 35 lại không đúng nguyên tắc của Luật giá. Nguyên tắc quản lý giá trong Luật giá, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật... Nguyên tắc, phương pháp xác định giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. “Mặc dù vậy, tại Thông tư 35 của Bộ GTVT thì việc quy định khung giá tối đa (tại Điều 6) đã không tính đến các yếu tố thị trường, với các nhân tố chi phối và vận động của thị trường”. Do vậy đã xảy ra trường hợp các dự án có các mức vốn đầu tư khác nhau, lưu lượng phương tiện khác nhau, nguồn thu khác nhau... nhưng lại đang sử dụng chung một mức giá thu phí. Điều này, vô tình tạo khó khăn cho chính Bộ GTVT trong công tác quản lý và gây phức tạp trong xã hội khi nảy sinh sự “so đo” về giá thu phí giữa các dự án có mức đầu tư thấp với các dự án có mức đầu tư cao nhưng lại đang thu như nhau”, ông Thể nói.
Trong Luật giá có các quy định về Đăng ký giá - Thẩm định giá - Công bố giá. Tiến trình này đảm bảo các quyền của Bên Bán hàng hóa/dịch vụ có sự quản lý của Nhà nước, nhưng cũng đảm bảo quyền lựa chọn của Bên mua hàng hóa/dịch vụ. Việc Thông tư 35 chưa xét đến các dự án, công trình giao thông mà ở đó người tham gia giao thông có quyền lựa chọn trên cơ sở các lợi ích mà họ đạt được là một thiếu sót gây khó khăn cho việc đảm bảo tính khả thi cho phương án tài chính (PATC) của các dự án thuộc diện này. Cụ thể tại Đèo Cả, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn đi hầm (tốn phí) hoặc đi đèo (không tốn phí).
Nhà đầu tư thiệt hại – Nhà nước thất thu
Cũng theo ông Trần Văn Thể, dự án hầm ĐB Đèo Cả có suất đầu tư rất lớn. Chỉ riêng hạng mục hầm đã hơn 12.000 tỷ đồng. Khi triển khai dự án này, Công ty Đèo Cả đã ký Hợp đồng số 26/HĐXDĐEOCA, ngày 08.11.2012 với Bộ GTVT. Việc thu giá hoàn vốn cho dự án, mức giá đã được quy định trong hợp đồng dự án. Tiếp đó, ngày 05.10.2016 Bộ GTVT ban hành Quyết định số 3107/ QĐ-BGTVT, phê duyệt phương án tài chính của dự án. Trong đó cũng có quy định rất rõ về việc thu giá hoàn vốn cho dự án, mức giá đã được quy định trong hợp đồng dự án. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà tại Thông tư số 35 của Bộ GTVT ban hành sau đó (ngày 15.11.2016) lại không có quy định đối tượng điều chỉnh là các công trình hầm ĐB, cầu vượt biển?
Để thực hiện việc thu giá hoàn vốn cho dự án hầm ĐB Đèo Cả tại các trạm thu giá An Dân, Đèo Cả, hiện Bộ GTVT không thực hiện theo mức giá quy định trong hợp đồng dự án và Quyết định số 3107 mà áp dụng theo biểu giá tại Thông tư 35 (đánh đồng các công trình hầm theo công trình đường).
Việc bỏ sót đối tượng điều chỉnh đã trực tiếp gây thiệt hại cho dự án, đồng thời làm thất thoát nguồn vốn của Nhà nước khi bị bỏ sót nguồn thu (do đang thu giá thấp) dẫn đến Nhà nước phải cấp bù ngân sách cho dự án.
Ngoài bất cập từ Thông tư 35, dự án hầm ĐB Đèo Cả cũng đang chịu nhiều tổn thất khác do nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ cho dự án bị cắt giảm 1.180 tỷ đồng, nhưng Bộ GTVT chưa có hướng bố trí nguồn thay thế; lưu lượng phương tiện giao thông qua hầm thực tế sau khi đưa vào khai thác thấp hơn so với dự kiến trong PATC... làm cho doanh thu sụt giảm. “Những điều này chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh, tuy nhiên đến nay các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT vẫn đang đùn đẩy việc giải quyết cho nhau, đồng thời chưa rõ việc Bộ GTVT sẽ giải quyết trách nhiệm liên quan như thế nào khi đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư, cho nguồn vốn Nhà nước?”, ông Trần Văn Thể nói.
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ GTVT và Nhà đầu tư BOT Đèo Cả diễn ra tại Hà Nội ngày 13.3.2018, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã lên tiếng phê bình Ban QLDA 85 và các Cục, Vụ của Bộ đã không đồng bộ và kịp thời trong việc giải quyết các vướng mắc, để nhà đầu tư phải nhiều lần đi kêu. Thứ trưởng yêu cầu Ban 85 cần phát huy vai trò cơ quan đại diện có thẩm quyền của Nhà nước về dự án Đèo Cả, cần làm tốt vai trò “ông chủ”, đứng ra tập hợp giải quyết các vướng mắc. “Làm hết đi, hết sức đi, không được thì báo cáo... Từng bước tháo gỡ, đừng bức xúc đừng có trình bày nhiều”, ông Lê Đình Thọ nói.