Dự án hầm Đèo Cả: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:12, 24/07/2018
Một dự án trọng điểm quốc gia
Dự án hầm Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân), do Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư. Trong đó, hạng mục hầm Đèo Cả được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 47/QĐ-BGTVT, ngày 06.01.2012, khởi công tháng 11.2012, đã hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (HĐNTNN) nghiệm thu đưa vào khai thác từ ngày 21.8.2017. Hạng mục hầm Cù Mông được đầu tư bổ sung vào dự án tại Quyết định số 2907/ QĐ-BGTVT ngày 12.8.2015, khởi công tháng 9.2015, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào quý I 2019; Hạng mục hầm Hải Vân được bổ sung vào dự án tại Quyết định số 396/QĐ-BGTVT ngày 03.02.2016, đã hoàn thành các hạng mục giai đoạn 1, được HĐNTNN nghiệm thu ngày 29.8.2017. Đối với giai đoạn 2, bắt đầu thi công từ tháng 12.2016, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2020.
Theo Quyết định số 3107/QĐ-BGTVT, ngày 05.10.2016 của Bộ GTVT về việc phê duyệt phương án tài chính dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, dự án này có tổng vốn đầu tư 26.154 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn BOT 21.106 tỷ đồng; nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 5.048 tỷ đồng (gồm vốn Ngân sách 90 tỷ đồng, vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) 4.958 tỷ đồng).
Ngày 12.01.2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 70/TTg-KTN. Qua đó, dự án hầm Đèo Cả có 7 trạm thu phí (TTP) hoàn vốn gồm, TTP Đèo Cả, TTP An Dân (Bàn Thạch cũ), TTP Cù Mông, TTP Nam Hải Vân, TTP La Sơn – Túy Loan, TTP Phước Tượng – Phú Gia và TTP Ninh An. Thời gian thu phí là 28 năm.
Trạm BOT Phước Tượng – Phú Gia
Những bất cập trong phương án tài chính
Theo ông Phan Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, trong quá trình thực thi, dự án hầm Đèo Cả đã bộc lộ một số bất cập làm ảnh hưởng đến PATC mà Bộ GTVT phê duyệt.
Trong đó, về nguồn vốn, ngày 02.4.2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 368/QĐ-TTg, thu hồi 1.180 tỷ đồng vốn TPCP, đưa nguồn vốn TPCP cam kết hỗ trợ cho dự án này từ chỗ 4.958 tỷ đồng xuống còn 3.836 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại văn bản 2455/TCĐBVN-TC, ngày 03.5.2018, qua kiểm tra xác định, lưu lượng xe thực tế qua TTP An Dân và TTP Đèo Cả thấp hơn so với dự báo trong PATC. Điều này đã dẫn đến doanh thu ở TTP An Dân năm 2016 giảm 26,2%, năm 2017 giảm 15% so với PATC. Riêng tại TTP Đèo Cả, doanh thu thực tế chỉ đạt 59,31% so với PATC.
TTP Nam Hải Vân (hoàn vốn hạng mục sửa chữa hầm Hải Vân 1) không thực hiện được do vướng mắc vị trí đặt trạm với TTP đặt ở đầu hầm Bắc Hải Vân thu hoàn vốn cho hầm Phước Tượng – Phú Gia. Mặc dù, Bộ GTVT đã tiến hành điều chỉnh “chia sẻ” một phần doanh thu TTP Phước Tượng – Phú Gia cho dự án hầm Đèo Cả, tuy nhiên mức chia sẻ này không đủ bù đắp cho TTP Nam Hải Vân theo PATC.
Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan đặt trên đường cao tốc La Sơn – Túy Loan đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là một trong các Trạm thu phí hoàn vốn của Dự án trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT. Hiện nay, việc Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh không thu phí tại Trạm thu phí này có ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án.
Trạm BOT Ninh An
Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15.11.2016 của Bộ GTVT hiện nay không quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng hầm đường bộ, là loại hình công trình có suất vốn đầu tư cao hơn rất nhiều so với các loại hình công trình giao thông khác, người dân có quyền lựa chọn (đi qua hầm đường bộ thì trả phí, đi qua đường đèo thì không mất phí). Do đó, việc tính toán PATC của Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân) đang tạm áp dụng mức giá tối đa của dịch vụ sử dụng đường bộ (đường Quốc lộ với suất vốn đầu tư thấp hơn rất nhiều so với công trình hầm đường bộ), mức giá bị khống chế mức trần không hợp lý và không có cơ sở để áp dụng.
Cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng
Ngày 10/02/2018 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án hầm Đèo Cả. Qua đó, “cần đánh giá lại tổng thể dự án trong bối cảnh khó khăn về thu phí và hệ quả của việc thu hồi nguồn vốn TPCP; sự khác biệt về tính chất, quy mô đầu tư cúa hầm so với đường để xác định giá thu hợp lý”.
Ông Phan Văn Thắng, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, Công ty đã kiến nghị Bộ GTVT, hiện Bộ GTVT đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các bất cập, có giải pháp tháo gỡ trên cơ sở các phương án cân đối điều chỉnh giá vé, kết hợp bổ sung nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.