Xây dựng 6 đề án quan trọng, tạo động lực phát triển giao thông
Hạ tầng - Ngày đăng : 11:33, 21/11/2018
Cầu Mỹ Thuận tại ĐBSCL là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập 4 đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Khu vực Đông Nam Bộ; Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Kết nối mạng giao thông các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
“Đề án cần phân tích, đánh giá toàn diện hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực; kết nối hạ tầng giao thông với các cảng biển, các khu công nghiệp, các cửa khẩu, các trung tâm chính trị, kinh tế của vùng”, Bộ trưởng yêu cầu.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam được yêu cầu xác định được nhu cầu vận tải, đánh giá tiềm năng, lợi thế của khu vực, xu thế phát triển ảnh hưởng đến phát triển kết cấu hạ tầng khu vực, kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải trong khu vực, đặc biệt kết nối các cảng biển, các khu công nghiệp, các cửa khẩu, các trung tâm chính trị, kinh tế của vùng. Nội dung đề án phải xây dựng lộ trình, thứ tự ưu tiên, phương án, hình thức đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Cục Hàng hải Việt Nam được yêu cầu lập đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển Hải Phòng, bao gồm các khu bến của cảng biển Hải Phòng hiện hữu và khu bến cảng Lạch Huyện. Đề án phải phân tích, đánh giá được toàn diện vai trò, thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết nối hạ tầng giao thông đối với cảng, khu vực xung quanh cảng. Đồng thời, đề án phải dự báo được nhu cầu hàng hóa (chủng loại, số lượng) thông qua, phân bổ và điều tiết lượng hàng hóa đối với cảng biển Hải Phòng, bao gồm các khu bến của cảng biển Hải Phòng hiện hữu và khu bến cảng Lạch Huyện.
“Phải xây dựng lộ trình, thứ tự ưu tiên, phương án đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối cảng để phát huy hiệu quả khai thác cảng quốc tế đồng thời xây dựng mô hình quản lý cảng biển tại khu bến cảng Lạch Huyện”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Đề án thứ 6 được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Cục Hàng không Việt Nam xây dựng là nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ phân tích, đánh giá toàn diện, thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực; hạ tầng giao thông kết nối đối với cảng, với hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực, đặc biệt kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam cần xác định nhu cầu vận tải, các cơ hội và thách thức đối với CHK quốc tế Long Thành; Phân bổ, cân đối cung cầu hành khách tới các cảng hàng không đã được đầu tư trong phạm vi ảnh hưởng của CHK quốc tế Long Thành; xây dựng giải pháp thu hút hành khách trung chuyển về cảng hàng không quốc tế, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
“Cục Hàng không Việt Nam phải xây dựng lộ trình, thứ tự ưu tiên, phương án đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối với cảng để khai thác hiệu quả Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (có xét đến CHK quốc tế Tân Sơn Nhất), đồng thời, xây dựng mô hình quản lý CHK quốc tế Long Thành đạt hiệu quả cao”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ.