Việt Nam đứng thứ 9 châu Á - Thái Bình Dương về cạnh tranh phát triển trung tâm dữ liệu
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:52, 21/08/2019
Việt Nam đứng thứ 9 châu Á - Thái Bình Dương về cạnh tranh phát triển trung tâm dữ liệu
Theo báo cáo Chỉ số cạnh tranh của Trung tâm dữ liệu của 2019 Cushman & Wakefield ra mắt ngày 19/8, Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất về các trung tâm dữ liệu trong 5 năm tới, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm dự kiến (CAGR) là 13% từ năm 2019 đến 2024.
Báo cáo cho biết, các công ty công nghệ lớn như Google, Tập đoàn Alibaba và Amazon Web Service đã mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng điện toán đám mây của họ tại ASEAN trong những năm gần đây.
Toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ có CAGR khoảng 12% so với cùng kỳ, nhanh hơn 6,4% của Bắc Mỹ và châu Âu, Trung Đông và châu Phi là 11,1%.
Đến đầu năm 2021, châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ vượt qua Bắc Mỹ trở thành khu vực trung tâm dữ liệu lớn nhất theo quy mô thị trường. Tổng thị trường cho các trung tâm dữ liệu đồng vị trí châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ở mức 28 tỷ USD vào năm 2024, so với 23,4 tỷ đô la Mỹ của Bắc Mỹ.
Đặc biệt, Singapore được xếp hạng thị trường trung tâm dữ liệu mạnh thứ 3 trên thế giới. Quốc gia này đã đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ năm 2017.
Malaysia cũng nằm trong top 20 toàn cầu, xếp thứ 18 năm 2019, tăng từ 24 năm 2017.
Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Malaysia đứng thứ 4, với các quốc gia ASEAN khác là Thái Lan, ở vị trí thứ 7, Việt Nam đứng thứ 9 và Indonesia đứng thứ 11.
"Lực lượng lao động trẻ và năng động của Indonesia và Việt Nam sẽ thúc đẩy công nghệ thông tin, bùng nổ thương mại điện tử và ngân hàng số. Nhu cầu lưu trữ dữ liệu trên khắp Đông Nam Á chính là tiềm năng to lớn cho các trung tâm dữ liệu"- giám đốc Lynus Pook của Cushman & Wakefield cho biết.
Nhưng ông cũng nói thêm: "Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở các thị trường này chưa được phát triển đầy đủ, đặt ra một số thách thức cho các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu. Do đó, các trung tâm dữ liệu có vị trí tốt được xây dựng cần phải dự phòng cho trường hợp sẽ thiếu hụt nguồn cung khi nhu cầu thì lại cao".
"Cho đến khi hệ thống cơ sở hạ tầng ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đủ hoàn thiện để hỗ trợ các trung tâm dữ liệu hoạt động một cách trơn tru, các nhà khai thác trung tâm dữ liệu sẽ tiếp tục tập trung vào Singapore và các thị trường mới nổi này", trưởng phòng nghiên cứu của Cushman & Wakefield cho Đông Nam Á - Christine Li cho biết. "Họ sẽ thiên về Singapore vì sự an toàn để lưu trữ dữ liệu quan trọng".
"Việc thiếu nguồn cung trung tâm dữ liệu trên toàn khu vực có nghĩa là nhu cầu vẫn còn, đặc biệt là ở Singapore. Các trung tâm dữ liệu sẽ hộ trợ quá trình chuyển đổi số, giúp chính phủ Singpapore sớm đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thông minh." - cô nói thêm.