Loạt dự án giao thông lớn xóa điểm nghẽn về miền Tây

Hạ tầng - Ngày đăng : 08:34, 04/09/2019

(VLR) Hàng loạt dự án giao thông lớn đang và sắp triển khai đầu tư, xây dựng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng cho khu vực ĐBSCL.

Sau khi các dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, rút ngắn khoảng 50km và tiết kiệm khoảng 2 giờ đi lại giữa TP HCM và Cần Thơ so với tuyến QL1. Đồ họa: Nguyễn Tường

Sau khi các dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, rút ngắn khoảng 50km và tiết kiệm khoảng 2 giờ đi lại giữa TP HCM và Cần Thơ so với tuyến QL1. Đồ họa: Nguyễn Tường

Dù được tập trung nhiều nguồn lực, nhưng thời điểm hiện tại hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là điểm yếu so với các khu vực khác, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả khu vực. Trong bối cảnh đó, việc hàng loạt dự án giao thông lớn đang và sắp triển khai đầu tư, xây dựng tại đây được kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng cho khu vực tiềm năng này.

Cuối năm 2019, khởi công 4 dự án quan trọng, cấp bách

Ghi nhận của PV Báo Giao thông đầu tháng 9/2019, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đi xuyên 4 tỉnh Tây Nam bộ (Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Mặt đường nhiều đoạn đầy rẫy ổ voi, ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn.

Chỉ tay về đoạn đường ngay trước nhà, ông Lâm nói: “Đoạn này hư hỏng hơn một tháng nay rồi nhưng chưa thấy ai dặm vá, sửa chữa. Nhiều hôm trời mưa, người đi đường ngã liên tục vì sụp ổ gà. Người dân chúng tôi chỉ mong làm sao tuyến đường này sớm được nâng cấp, cải tạo, mặt đường được thảm nhựa thay cho lớp cấp phối đá dăm hiện tại để mọi người đi lại thuận tiện, an toàn”.

Được biết, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp là một trong 14 công trình giao thông quan trọng, cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018. Hiện nay, dự án này đã được Bộ GTVT giao Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư để triển khai xây dựng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng với mục tiêu cải tạo, tăng cường kết cấu mặt đường toàn bộ 112km bằng bê tông nhựa nóng, đầu tư thêm một đơn nguyên cầu Cái Nhúc đoạn qua nội đô TP Cà Mau thay cho mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa đang xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng nhu cầu vận tải và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

“Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp rất cấp bách. Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư từ tháng 3/2019 với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng và đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật. Dự kiến, trong quý IV/2019, dự án sẽ khởi công xây dựng và hoàn thành trong năm 2020”, ông Khánh nói.

Một dự án giao thông quan trọng cấp bách khác tại miền Tây cũng do Ban QLDA 7 làm đại diện chủ đầu tư là công trình cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn dài 52km, tổng mức đầu tư 1.202 tỷ đồng. “Dự án đang trong giai đoạn thiết kế, công tác GPMB cũng đã được tích cực triển khai, hiện chỉ còn vướng mắc một vài km. Dự kiến, trong tháng 9, chúng tôi sẽ tiến hành đấu thầu xây lắp để khởi công dự án trong tháng 10/2019”, ông Khánh chia sẻ.

Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, ngoài hai tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp và QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn, từ nay đến cuối năm 2019, Bộ GTVT còn triển khai xây dựng hai dự án giao thông quan trọng, cấp bách khác tại khu vực Tây Nam bộ là công trình nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (TMĐT: 800 tỷ đồng) và dự án cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long (TMĐT 875 tỷ đồng).

“Cả 4 dự án giao thông đường bộ quan trọng, cấp bách tại khu vực Tây Nam bộ sẽ được khởi công vào cuối năm 2019 và hoàn thành vào năm 2020”, đại diện Vụ KH-ĐT thông tin.

Thêm nhiều công trình quy mô lớn

Không chỉ được đầu tư nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến quốc lộ quan trọng, hiện nay, tại khu vực Tây Nam bộ đang và sắp triển khai nhiều dự án cao tốc, công trình cầu quy mô lớn. Đáng kể nhất là hai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.

Tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đoạn qua địa phận phường Tân Thành (TP Cà Mau, Cà Mau) khu vực giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu xuất hiện nhiều “ổ gà”, đá dăm vương vãi trên đường - Ảnh: Gia Minh

Tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đoạn qua địa phận phường Tân Thành (TP Cà Mau, Cà Mau) khu vực giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu xuất hiện nhiều “ổ gà”, đá dăm vương vãi trên đường - Ảnh: Gia Minh

Trong đó, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51,1km, TMĐT: 12.668 tỷ đồng) đang được thực hiện rốt ráo nhất. Đây là dự án đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan vào cuộc rất quyết liệt trong thời gian qua để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến nguồn vốn góp của Nhà nước và vốn tín dụng từ phía các ngân hàng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án sẽ phải thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021.

Tiếp nối tuyến cao tốc này, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư xây dựng dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu. Đây là công trình nằm trong đại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Ông Đinh Công Minh, Phó giám đốc Ban QLDA7 cho biết, dự án đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, đền bù GPMB, tiến tới đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp.

“Dự kiến, cuối năm 2019, một số gói thầu của dự án sẽ khởi công xây dựng. Riêng phần cầu chính dây văng do yếu tố kỹ thuật phức tạp sẽ khởi công vào năm 2020 và sẽ hoàn thành trong 43 tháng thi công, kết thúc vào năm 2023”, ông Minh nói.

Một dự án khác nằm ở cuối tuyến đường kết nối TP HCM - Cần Thơ là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài 23,6km, TMĐT khoảng 5.000 tỷ đồng) cũng đang được Bộ GTVT giao Ban QLDA Thăng Long đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự kiến cuối năm 2019, dự án sẽ thực hiện xong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự án khởi công xây dựng dự kiến đầu năm 2020 và hoàn thành trong 36 tháng thi công, cuối năm 2022.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng:

Động lực phát triển kinh tế nhiều tỉnh miền Tây

Sóc Trăng là một trong 4 địa phương có tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua, việc nâng cấp, cải tạo mặt đường toàn tuyến này có ý nghĩa rất lớn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của riêng tỉnh Sóc Trăng mà cả các tỉnh lân cận như: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang.Theo ông Nghiệp, tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đoạn giáp ranh với huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho đến giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu được xem như là “điểm nghẽn” giao thông, là vấn đề bức xúc của bà con cử tri bấy lâu nay.

Tuyến đường được cải tạo sẽ giúp giao thông thông thoáng, giải quyết được sinh kế của người dân trên địa bàn, hạn chế ùn tắc giao thông, giao thương hàng hóa được thuận lợi. Khi hạ tầng giao thông tốt sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh hơn.

Ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau:

Có đường sẽ mời gọi nhà đầu tư vào làm bến xe

Cà Mau là điểm cuối của tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, từ khi tuyến đường này hoàn thành góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau, giúp giảm tải cho tuyến QL1, người dân cũng phấn khởi, vì việc đi lại được êm thuận. Bên cạnh đó, rút ngắn quãng đường cũng như thời gian từ Cà Mau đi TP Hồ Chí Minh.

“Khi tuyến đường được nâng cấp, cải tạo sẽ hạn chế tai nạn giao thông, bởi phần lớn các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn nằm trên các tuyến quốc lộ, trong đó có quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp. Đặc biệt, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương thành lập Bến xe Trung tâm Cà Mau nằm trên tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp (phường Tân Thành, TP Cà Mau). Vì vậy, khi tuyến đường được nâng cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi nhà đầu tư vào làm bến xe. Khi có bến xe sẽ giải quyết được tình trạng “xe dù, bến cóc” hiện nay”, ông Tất cho hay.

Báo Giao thông