Đầu tư công trong ngành giao thông vận tải
Hạ tầng - Ngày đăng : 10:16, 01/11/2019
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam, cũng là dự án đầu tiên được khởi công. Đoạn cao tốc này được xây dựng trùng với đường Hồ Chí Minh hiện nay. Trong giai đoạn đầu, dự án có 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện cả nước có gần 1.000km đường cao tốc, đến năm 2021 sẽ có 2.000km cao tốc, con số này sẽ nâng lên gần 4.000km vào năm 2025, trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Việc hoàn thiện các tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Hệ thống đường cao tốc khi hoàn thiện sẽ góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại buổi làm việc về các dự án GTVT, trong đó thảo luận một số vấn đề trong lĩnh vực hàng không, cao tốc đường bộ, đường sắt đô thị,... Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT phải chủ động hơn nữa, tập trung hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục, vướng mắc; Tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt các dự án, chương trình, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc, sân bay và các lĩnh vực khác.
Nhiều dự án đầu tư công (ĐTC) trong lĩnh vực GTVT rơi vào tình trạng “có tiền” nhưng không “tiêu” được, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, chậm tiến độ hoàn thành của dự án, công trình và tốc độ tăng trưởng kinh tế... Thông thường, mỗi đồng vốn ĐTC được giải ngân sẽ thu hút thêm 5 đồng vốn từ xã hội.
Cho rằng có sự trì trệ trong xử lý một số lĩnh vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ GTVT cần phân công trách nhiệm rõ ràng hơn, giao công việc có thời hạn rõ hơn, tìm ra nguyên nhân chậm trễ để khắc phục, trên tinh thần “tiến công, làm hết sức mình, làm đúng pháp luật, nếu vướng mắc thì phối hợp xử lý, giải quyết đến nơi, đến chốn”. Cần phân biệt việc gì Nhà nước làm, việc gì xã hội hóa để phát huy nguồn lực tổng hợp, phát triển ngành GTVT, Thủ tướng cũng lưu ý huy động vốn tư nhân trong một số lĩnh vực.
Dường như có một nghịch lý, khi một mặt các cơ quan chức năng yêu cầu siết chặt ĐTC, mặt khác lại sốt ruột khi tốc độ giải ngân chậm. Còn các Bộ, ngành và địa phương thì cố gắng có được chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhưng giữa năm và cuối năm lại “chây ỳ” không chịu “tiêu” những đồng vốn dự án ĐTC.
Bên cạnh những vướng mắc do luật còn nhiều bất cập, thì một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định về quản lý ĐTC, còn tình trạng tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư vào các tháng cuối năm dẫn đến chất lượng công tác chuẩn bị dự án còn thấp. Việc chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án không sát thực tế, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng (thậm chí nhà thầu đòi phạt lại Nhà nước), nhà thầu không đủ năng lực thi công...
Một số Bộ, ngành, địa phương chưa khắc phục được tình trạng nội dung chuẩn bị dự án sơ sài, phê duyệt một cách hình thức để được ghi vốn kế hoạch, dẫn đến nhiều trường hợp khi triển khai kế hoạch gần như phải làm lại hồ sơ dự án...
Trước đây, một chuyên gia kinh tế đã từng phát biểu, phần lớn dự án ĐTC đều được phân cấp cho ngành và địa phương - hệ quả là việc quyết định ĐTC đã tách rời việc bố trí vốn. Các ngành và địa phương quyết định về dự án đầu tư, nhưng nguồn vốn cho nhiều dự án đều được ghi là “xin vốn từ ngân sách Trung ương”.
Hiện nay, việc phân cấp thực hiện ĐTC gắn với phân cấp về nguồn tài chính. Có hai nguồn, một là nguồn từ Trung ương, hai là nguồn khai thác tại chỗ ở địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đại đa số các tỉnh, thành phố chưa tự cân đối được ngân sách thì hầu hết các dự án đầu tư ở địa phương đều phải trông chờ vào nguồn từ trên xuống.
Thực tế hiện nay, trong nhiều trường hợp việc xin chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vẫn chưa thực sự xuất phát từ hiệu quả kinh tế. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy, từ cơ chế xin - cho đến việc triển khai dự án trước khi có quyết định đầu tư. Vì nhiều lý do khác nhau khi dự án không suôn sẻ, hiệu quả kinh tế không thực sự rõ ràng, năng lực của cơ quan thực hiện không xứng tầm dự án có thể bị đình trệ ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân. Luật ĐTC (Luật số 39/2019/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) hy vọng tạo một bước tiến lớn trong việc siết chặt hiệu quả ĐTC cũng như tiến tới chấm dứt cơ chế xin - cho, phòng ngừa “nhóm lợi ích”, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.