Điểm hẹn kết nối đô thị thông minh khu vực ASEAN
Hạ tầng - Ngày đăng : 10:41, 18/11/2019
Trên lộ trình xây dựng thành phố thông minh
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, hiện nay thành phố tập trung vào 3 trụ cột kinh tế chính đó là Công nghệ cao; Du lịch và dịch vụ chất lượng cao; Kinh tế biển. Định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ trở thành một đô thị lớn, thành phố thông minh (TPTM) và sinh thái, là thành phố biển đáng sống đẳng cấp trong khu vực châu Á.
Từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã chính thức triển khai xây dựng TPTM qua việc ban hành kiến trúc tổng thể TPTM và phê duyệt đề án Xây dựng TPTM tại Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến 2030 là hoàn thành xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) kết nối và đồng bộ với mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN.
Ngoài việc kế thừa các cơ sở hạ tầng dữ liệu của Chính phủ điện tử, thành phố tiếp tục vận hành các ứng dụng thông minh đã áp dụng từ 2014. Đến nay, thành phố đã và đang triển khai 53 dự án chính về TPTM đến năm 2025. “Chúng tôi xác định xây dựng TPTM không chỉ chuyển quản lý, điều hành từ truyền thống qua dạng dữ liệu dựa trên các nền tảng công nghệ, mà còn là một trong các dự án động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới”, ông Thơ nhấn mạnh.
Theo đề án Xây dựng TPTM của TP. Đà Nẵng được công bố vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Đà Nẵng sẽ chia làm 3 giai đoạn phát triển TPTM với chi phí đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng. Bao gồm: Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020) thực hiện sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh. Tổng kinh phí thực hiện 939 tỷ đồng. Trong đó, thu hút đầu tư từ hình thức hợp tác công - tư (PPP) chiếm 550 tỷ đồng, doanh
nghiệp đầu tư 46 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (2021 - 2025) thực hiện thông minh hóa các ứng dụng với tổng kinh phí 1.191 tỷ đồng. Trong đó, vốn PPP chiếm 700 tỷ đồng, vốn vay ODA chiếm 150 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 36 tỷ đồng; Giai đoạn 3 (2026 - 2030) thực hiện thông minh hóa các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên cơ sở tổng kết hoạt động giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, giai đoạn 2026 - 2030 thành phố sẽ đầu tư tiếp tục các dự án nhằm phổ biến các ứng dụng thông minh đến cộng đồng, doanh nghiệp, chính thức trở thành TPTM.
Hợp tác Việt - Nhật: Thúc đẩy chuyển đổi số
Ông David Wong - Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trong một buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng vào ngày 22/10 vừa rồi đã đánh giá cao sự phát triển năng động của Đà Nẵng, thành phố liên tục dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT. Đặc biệt, năm 2019, Đà Nẵng đã được ASOCIO trao giải thưởng Thành phố thông minh. Ông David Wong hy vọng rằng, việc đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng ĐTTM sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng phát triển ĐTTM tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khu vực nói chung, thông qua việc triển khai các ứng dụng trên nền tảng công nghệ mới. Ông David Wong cũng cho biết, ASOCIO đã đề cập về xu hướng xây dựng TPTM là chủ đạo trong quá trình chuyển đổi số ở châu Á và khẳng định ASOCIO sẽ hỗ trợ TP. Đà Nẵng đẩy mạnh các hoạt động, hợp tác, thúc đẩy quan hệ kết nối với các TPTM khác.
Đặc biệt, Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh 2019 (Smart City Summit - 2019) và Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản ( Japan ICT Day 2019) diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong 2 ngày 22-23/10 vừa rồi đã tạo sức lan tỏa các tri thức, kinh nghiệm về phát triển TPTM trong cả nước và các nước trong khu vực ASEAN.
Tại Japan ICT Day 2019, với chủ đề “Hợp tác Việt - Nhật thúc đẩy chuyển đổi số”, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài với số dự án FDI lớn, lên đến 177 dự án, với tổng đầu tư trên 800 triệu USD, là đối tác đầu tư FDI lớn nhất tại Đà Nẵng, chiếm 25% tổng số vốn đầu tư FDI của thành phố. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất của các doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng, với trên 36% thị phần xuất khẩu. “Với chuỗi các hoạt động quan trọng vừa qua, TP. Đà Nẵng bắt đầu khẳng định vị thế một “điểm hẹn công nghệ”, nơi triển khai, hấp thu các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào việc phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”, ông Chinh nói.