Vận tải đường sắt: Những tín hiệu khởi sắc
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:40, 30/11/2017
Theo số liệu báo cáo của Bộ GTVT năm 2015, vận tải hàng hóa bằng đường bộ Bắc - Nam chiếm tỷ trọng 77,08%, đường sắt 0,59%, đường thủy nội địa 17,16%, hàng hải 5,156%, hàng không 0,02%. Có thể nói, với hạ tầng còn nhiều yếu kém, độ tin cậy chưa cao đã làm “nản lòng” những chủ hàng muốn chuyển hàng hóa qua vận tải ở tuyến đường sắt. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp logistics có quyết tâm đầu tư vào mảng vận tải đường sắt để khai thác đúng tiềm năng của ngành đường sắt, điển hình là Công ty Cổ phần Giao nhận & Vận chuyển Indo Trần (ITL) và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG).
Tiềm năng thị trường
Hiệp định thương mại tự do VN - khu vực liên kinh tế Á Âu (EAEU) gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga, và Kyrgyzstan có hiệu lực từ ngày 5.10.2016, đi vào triển khai thực thi được kỳ vọng sẽ đưa kim ngạch XK của VN sang EAEU tăng đáng kể so với hiện nay. Kim ngạch XNK giữa VN và khu vực EAEU năm 2016 đang khoảng 3 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng nhanh khi phần lớn các mặt hàng giao dịch được bỏ hoặc giảm thuế NK. Để phục vụ nhu cầu vận tải giữa VN và EAEU, TCT ĐSVN và Đường sắt Kazakhstan và Đường sắt Nga cũng đang trong quá trình thống nhất các hành trình chạy tàu và các điều kiện lập các đoàn tàu container, xác định các ga tác nghiệp container; xác định các dịch vụ liên quan đến việc tổ chức chuyên chở container trên các hành trình được xem xét; xác định người khai thác có trách nhiệm tổ chức chuyên chở container trên các hành trình.
Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt giữa VN và Trung Quốc là rất lớn, chẳng hạn nhu cầu NK hàng nặng như than cốc, thép, hóa chất... từ Trung Quốc lên đến hàng trăm nghìn tấn/năm cho mỗi nhóm hàng và nhu cầu XK trái cây, thủy hải sản, nông sản sang Trung Quốc. Phát biểu tại hội thảo “Giới thiệu thị trường các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu và cơ hội thúc đẩy XK thông qua VN – EAEU FTA” ngày 25.8.2017, ông Vũ Bá Tùng, Tổng Giám đốc ĐSVN dự kiến khối lượng XNK hàng hóa năm 2017 qua đường sắt sẽ đạt khoảng 890 ngàn tấn, tăng gấp rưỡi so với năm 2016. Khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu này chủ yếu từ Trung Quốc, được chuyên chở trên các hành lang vận tải đường sắt như hành lang đường sắt khổ đường 1.000mm: Côn Minh - Sơn Yên (Trung Quốc) - Lào Cai (VN) - Hải Phòng; hành lang đường sắt 1.435mm chuyên chở hàng hóa nhập chủ yếu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Bằng Tường (Trung Quốc) - Đồng Đăng (VN) đến ga Yên Viên.
Đón đầu xu hướng giao thương, thương mại toàn cầu, ông Tăng Văn Dũng, Phó trưởng ban Hợp tác quốc tế - Khoa học công nghệ (TCT ĐSVN) nhận định: “Sang năm 2018, khi chính sách thuế biên mậu VN – Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (đi đường bộ qua cửa khẩu) và theo đường chính ngạch (bằng đường sắt) không quá chênh lệch như hiện nay, doanh nghiệp sẽ hướng tới phương thức vận tải an toàn, đi xa, khối lượng lớn, giá cước rẻ như đường sắt”.
Khi nhà logistics tham gia ngành đường sắt
Tháng 9.2015, TCT ĐSVN và ITL Corp đã ký kết thực hiện Dự án xã hội hóa đầu tiên của ngành đường sắt - Trung tâm Logistics ga Yên Viên (Hà Nội). Dự án này bao gồm 02 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 01 ấn định hoàn thiện trong tháng 9.2016 với tổng vốn đầu tư là 90 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, ga Yên Viên sẽ là cánh tay nối dài của các cảng biển quan trọng như Hải Phòng, Cái Lân giúp rút ngắn thời gian làm hàng, giảm chi phí logistics cho khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận. Không chỉ vậy, từ Yên Viên sẽ là cảng kết nối quan trọng ở khu vực miền Bắc cho tuyến hàng hóa đi Trung Quốc và các nước khu vực Kazakhstan - Liên bang Nga – EU.
Sơ đồ tuyến đường sắt Việt Nam kết nối với Trung Quốc
Mới đây, tháng 10.2017, chuyến tàu container đầu tiên của TCT TCSG đã chính thức đi vào vận hành chuyên chở hàng trái cây tươi bảo quản lạnh đi từ Sóng Thần đến Lào Cai, góp phần giảm chi phí vận tải hàng hóa đáng kể so với đi đường bộ. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của cán bộ nhân viên Tân Cảng Sài Gòn trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ quản lý vào vận tải (có thiết bị kết nối mạng với trung tâm điều hành để thông báo tình trạng container như: nhiệt độ, container đang đóng, niêm phong hay đã mở, vị trí toa tàu), cụ thể thỏa thuận hợp tác giữa hai Tổng công ty hồi tháng 4.2017. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kho bãi, thiết bị xếp dỡ, phát triển dịch vụ logistics đường sắt tại các ga hàng hóa hiện hữu của ĐSVN tại các khu ga: Sóng Thần, Yên Viên và Đông Anh; sau đó từng bước mở rộng đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các ga hàng hóa trên toàn mạng đường sắt.
Ngày 13.6.2017, Tổng công ty ĐSVN và các đối tác cũng đã tiến hành chạy thử đoàn tàu container chuyên tuyến Côn Minh - Sơn Yêu (Trung Quốc) - Lào Cai (VN) - Hải Phòng (hành trình 854km) và ngày 10.8.2017 đã tiến hành chạy thử đoàn tàu container chuyên tuyến Quảng Châu - Nam Ninh - Bằng Tường (Trung Quốc) - Đồng Đăng (VN) - Yên Viên (hành trình gần 1.000km) và sẽ vận hành ổn định theo nhu cầu thị trường.
Rõ ràng, với sự kiên trì theo đuổi và chuẩn bị của doanh nghiệp ngành đường sắt, các doanh nghiệp logistics có tầm nhìn, chúng ta có thể tin tưởng vào sự phát triển của ngành vận tải đường sắt trong tương lai không xa.