Xây dựng PPP mới dựa trên khả năng thanh toán
Hạ tầng - Ngày đăng : 23:37, 09/03/2020
Từ cách làm PPP của người Nhật
Trong không khí cởi mở ngày 11/02/2020 tại Hà Nội, PGS.TS. Trần Chủng - Chủ tịch VARSI đã đặt ra nhiều vấn đề đối với ông Kazuo Ueda – Chủ tịch Hiệp hội JPPA, thành viên Ban PPP Nhật Bản.
Trong cuộc làm việc, VARSI đã chủ động đặt ra các vấn đề trong hợp tác PPP có rất nhiều hợp đồng được thực hiện dưới nhiều hình thức, vậy ở Nhật Bản, các loại hình thức hợp tác trên được điều chỉnh trong một đạo luật hay trong các đạo luật tương ứng, và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước (Chính phủ, Bộ Tài chính, ngân hàng, chính quyền địa phương,…) trong việc thực hiện hợp tác PPP như thế nào? Và đâu là nguyên tắc và quy định cụ thể về việc chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư, quyền và nghĩa vụ của chủ thể là phía Nhà nước trong quan hệ hợp đồng với nhà đầu tư để đảm bảo tính bình đẳng giữa các bên trong hợp đồng. Kinh nghiệm xử lý vi phạm hợp đồng đối với chủ thể là cơ quan Nhà nước khi vi phạm hợp đồng ra sao?
Tiếp đó, PGS.TS. Trần Chủng cũng đặt câu hỏi trực tiếp với ông Kazuo Ueda rằng, tại Nhật Bản trách nhiệm của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp dự án trong trường hợp doanh nghiệp này vi phạm hợp đồng; cũng như trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân trong quá trình xây dựng vận hành khai thác dự án; và kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thu hút nguồn vốn tín dụng, vốn nhàn rỗi trong xã hội như thế nào?
Ông Hồ Minh Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Tư vấn Hiệp hội VARSI phát biểu tại buổi làm việc
Nhiều vấn đề, câu hỏi trong lĩnh vực hợp tác PPP mà các thành viên VARSI đưa ra đã được phía JPPA giải đáp khá đầy đủ trong buổi tiếp đoàn tại Tokyo, ngày 19/02/2020.
Ông Kazuo Ueda - Chủ tịch JPPA đã khái quát sự hình thành phát triển của hình thức PPP tại Nhật Bản và trao đổi
những kiến thức, kinh nghiệm mà ông đã nghiên cứu, tích lũy trong suốt hơn 20 năm kể từ khi Hiệp hội JPPA Nhật Bản được thành lập.
Tại Nhật Bản, hình thức PPP phát triển mạnh mẽ và được người dân hết lòng ủng hộ bởi tính hiệu quả và thiết thực mà nó mang lại. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng tạo sự khách quan, minh bạch để người dân có niềm tin tuyệt đối. Đặc biệt, Chính phủ luôn đồng hành với các nhà đầu tư để cùng xây dựng nên những công trình thiết thực cho đất nước, mang lại giá trị cao về kinh tế - chính trị cho toàn xã hội và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình xây dựng và vận hành dự án.
Trong năm 2019, Nhật Bản có 823 dự án hợp tác công - tư trên tổng số 2.000 dự án lớn, nhỏ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ trương đưa thành phần tư nhân vào khu vực công nhằm loại bỏ sự trì trệ, giảm chi phí, tăng tiến độ và đặc biệt hướng tới dịch vụ tiện ích tốt nhất. Khi mâu thuẫn giữa việc tính toán lợi nhuận cũng như rủi ro của các dự án, các công ty tư nhân khi tham gia PPP là họ đã phải lập phải có kế hoạch, các dự báo về phương án tài chính tổng thể để thực hiện nhưng chắc chắn luôn có sự bảo lãnh của Chính quyền và Ngân hàng. Nhật Bản có phiên bản mô hình PFI khác với PPP của châu Âu khi xét đến nền văn hóa, các yếu tố ảnh hưởng khác.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - với tư cách là nhà đầu tư sáng lập và hiện nay là Phó Chủ tịch thường trực
Hội đồng tư vấn Hiệp hội VARSI chia sẻ: “Qua trao đổi, thực tiễn, chúng ta có cái nhìn khách quan để nhận định và so sánh thực trạng của hình thức PPP tại Việt Nam với các nước trên thế giới, đồng thời học hỏi, tiếp thu những mặt tích cực để áp dụng một cách hiệu quả tại Việt Nam. Cách thức loại bỏ các nhà đầu tư yếu và các chính sách ưu tiên cho nhà đầu tư trong nước của Nhật Bản cũng là những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể học hỏi, nhằm phát triển hiệu quả và bền vững”.
Ngày 21/02/2020, ngày thứ 4 làm việc tại Nhật Bản, đoàn công tác VARSI đã đến tỉnh Aichi tham quan các công trình giao thông và thảo luận các vấn đề xung quanh cách thức đấu thầu, tiếp nhận và quản lý vận hành những dự án đường cao tốc theo hình thức đối tác PPP với Công ty TNHH dự án đường bộ Aichi. Ông Hiroshi Tsuge – Tổng Giám đốc Công ty dự án đường bộ Aichi cho rằng, quá trình đấu thầu vận hành và quản lý những dự án đường cao tốc tại Aichi nói riêng và tại Nhật Bản nói chung diễn ra công khai, đảm bảo tính khách quan và minh bạch trong việc xét thầu.
Ông Hiroshi Tsuge cũng cho biết, tại Nhật Bản luôn có sự đồng hành xuyên suốt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kể từ khi nhà đầu tư trúng thầu, triển khai xây dựng và vận hành khai thác dự án. Cụ thể, trong hợp đồng BOT những thỏa thuận về chính sách chia sẻ các rủi ro được quy định một cách rõ ràng, chi tiết, đồng thời, lập kế hoạch và dự báo đến những vấn đề liên quan đến quy hoạch, những con đường thay thế tiếp nối dự án nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ của hệ thống giao thông cũng như đảm bảo sự phát triển của nhà đầu tư. Trong trường hợp hụt doanh thu thì khoản thâm hụt sẽ do Nhà nước chịu trách nhiệm.
Đến mô hình PPP của Việt Nam
Khi được tham vấn đề kinh nghiệm xây dựng mô hình PPP Việt Nam, ông Kazuo Ueda nhiều lần nhắc đến việc xây dựng luật phải phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá của mỗi quốc gia. Bản thân ông cũng đã nhiều lần được Chính phủ Thái Lan, Hàn Quốc mời sang tư vấn về triển khai PPP. Mới đây ông được Trung Quốc mời sang giảng bài về vấn đề này.
“Luật PPP của Việt Nam đang dự thảo nên chăng phải đặt vấn đề gắn kết với thực trạng kinh tế, con người và văn hoá Việt Nam. Chính vì vậy mỗi quốc gia cần có cơ chế PPP riêng của mình, không thể rập khuôn giống nước khác. Vì không tính toán đầy đủ yếu tố này, do đó Indonesia, Mailaysia khi ban hành Luật PPP sau 10 năm họ đã thất bại. Tại sao họ thất bại, đó là điều chúng ta cần học tập kinh nghiệm”, ông Ueda chia sẻ.
Ông Ueda cũng nhận định rằng, “Việt Nam cần đặt lại vấn đề chọn mô hình xây dựng PPP cho phù hợp với thực tiễn con người và điều kiện kinh tế của đất nước Việt Nam. Tại sao tôi nói vậy, vì khi nhìn và đánh giá phương pháp xây dựng PPP của châu Âu là ở chỗ để đảm bảo giá thành và giảm chất lượng”. Ông Ueda dẫn ra nhiều dự án PPP ở châu Âu về đường cao tốc thất bại, kể cả ở Mỹ…
Kinh nghiệm mà ông Ueda đề xuất là xây dựng PPP mới dựa trên khả năng thanh toán. Đây là một gợi ý cho các nhà làm luật Việt Nam cần quan tâm xây dựng dựa trên phương án tài chính dễ hoàn vốn nhất, giá thành công trình rẻ nhất.
Từ những bài học trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông ở Việt Nam, từ kinh nghiệm của các nước, hy vọng VARSI sẽ góp phần cải thiện, chung tay tháo gỡ vướng mắc trong môi trường đầu tư PPP hiện nay, tham gia phát triển hạ tầng giao thông, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.