Chỉ nên chỉ định thầu đối với một số gói thầu cấp bách

Hạ tầng - Ngày đăng : 10:34, 06/04/2020

(VLR) PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, việc Chính phủ chi vốn đầu tư công cho một số dự án hạ tầng giao thông có khả năng kích hoạt được cầu của nền kinh tế, giải quyết được một phần khó khăn về vốn của các nhà đầu tư, nhưng nên chọn một số dự án chứ không phải toàn bộ các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam.

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI)

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI)

Dù Bộ Giao thông vận tải đã hủy bỏ đấu thầu quốc tế 8 dự án và chuyển sang đấu thầu trong nước nhưng việc tìm kiếm nhà đầu tư cũng khá khó khăn. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Sau khi Bộ Giao thông vận tải hủy đấu thầu quốc tế, điều chỉnh và mời sơ tuyển đấu thầu trong nước, tôi cho rằng đây là cơ hội cho nhà đầu tư trong nước thể hiện lòng tự tôn dân tộc và niềm tự hào khi được tham gia xây dựng công trình quan trọng Quốc gia. Nhưng ngay tại thời điểm đó, tôi đã nêu hai thách thức lớn đối với các nhà đầu tư trong nước là thể chế về phương thức đối tác công tư chưa hoàn chỉnh và khó khăn về huy động vốn tín dụng.

Về mặt thể chế, văn bản pháp luật cao nhất điều chỉnh hoạt động này hiện đang có hiệu lực mới ở cấp Nghị định. Chúng ta đang tập trung xây dựng Luật về phương thức đối tác công-tư (PPP) tạo hành lang pháp lý an toàn, thể hiện sự cam kết của Nhà nước trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Một trong những vấn đề pháp lý rất quan trọng đối với nhà đầu tư là nhà đầu tư có những quyền gì đối với công trình mà mình đã đầu tư tiền bạc và công sức để tạo nên. Nhà đầu tư được bảo hộ đến đâu và như thế nào là phụ thuộc vào việc xác định nội dung và tính chất của quyền mà luật quy định cho các chủ thể này. Đây là vấn đề rất quan trọng mà Luật PPP phải giải quyết.

Thách thức lớn thứ hai đối với các nhà đầu tư trong nước khi tham gia dự án này là vấn đề huy động vốn tín dụng. Hệ thống ngân hàng thương mại nhiều lần lên tiếng không ưu tiên cho vay dài hạn. Họ cũng phát đi thông điệp rằng hạn mức cho vay trong lĩnh vực BOT đã chạm ngưỡng tối thiểu về hệ số an toàn vốn. Như vậy, nếu không có mô hình đa dạng trong việc huy động vốn thì bài toán huy động vốn để triển khai 8 dự án cao tốc Bắc Nam đang là thách thức mấu chốt nhất. Tuy nhiên, bài toán khó này đã được lời giải thông qua hình thức hợp vốn liên ngân hàng tại dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận khi Nhà nước có chính sách cụ thể để các Ngân hàng tham gia hợp vốn. Trong tương lai, để có thể huy động nguồn vốn xã hội, chúng ta nên thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng kỹ thuật như một số nước đã thành công tạo thành kênh tín dụng mới cho các dự án đầu tư theo phương thức PPP.

Hiện có ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi sang đầu tư công hoàn toàn với 8 dự án PPP sẽ giải được 2 bài toán khó là vốn và nhà đầu tư. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, giải pháp đó chỉ đúng một phần. Tôi đồng ý với đề xuất của Chính phủ chi vốn đầu tư công cho một số dự án hạ tầng giao thông có khả năng kích hoạt được cầu của nền kinh tế, giải quyết được một phần khó khăn về vốn của các nhà đầu tư, nhưng nên chọn một số dự án chứ không phải toàn bộ các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, vốn ngân sách cũng đang cần cho nhiều nhiệm vụ mới xuất hiện từ đại dịch Covid 19 và hướng tới giảm nợ công thì đầu tư theo phương thức đối tác công-tư vẫn là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển đất nước. Thực tế vừa qua, đã có nhiều nhà đầu tư hợp lực và đã vượt qua sơ tuyển một số dự án cao tốc Bắc Nam. Tôi đã nhận được các đề xuất của các nhà đầu tư cho tiếp tục triển khai theo phương thức PPP đối với các dự án thành phần như: Mỹ Thuận-Cần Thơ, Dầu Giây-Phan Thiết, Nghi Sơn-Diễn Châu và Diễn Châu-Bãi Vọt. Và vì vậy, thay mặt Hiệp hội các nhà đầu tư công trình hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam, tôi kiến nghị các dự án trên nên tiếp tục thực hiện theo phương thức PPP và các dự án còn lại, do lý do về an ninh quốc gia, an ninh môi trường hoặc lý do kinh tế khác, Nhà nước chuyển qua hình thức đầu tư công.

Trước đó Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất 2 phương án trong đó có phương án chuyển đổi đầu tư công 8 dự án PPP, cả 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công và sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác với 8 dự án để thu hồi vốn nộp ngân sách nhà nước. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Nhượng quyền khai thác 8 dự án để thu hồi vốn nộp ngân sách nhà nước từ các dự án cao tốc chuyển sang đầu tư công như đề xuất của Bộ GTVT đó là kỳ vọng của Bộ. Mô hình nhượng quyền khai thác cũng là một loại hợp đồng của phương thức đối tác công tư (PPP). Nhưng để thu hút nhà đầu tư vào các đối tượng này cũng cần có các điều kiện hấp dẫn. Nhà đầu tư phải nhìn thấy có lợi ích thông qua phương án tài chính để sẵn sàng đầu tư nguồn vốn, nhân lực, thiết bị, kỹ năng quản trị để ngoài viêc tập trung cho công tác quản lý vận hành an toàn tuyến cao tốc theo các tiêu chuẩn khắt khe, họ còn có nhiệm vụ rất quan trọng là bảo trì để tuyến đường không bị xuống cấp trong suốt thời gian của hợp đồng. Vì vậy các tiêu chí sẽ được xem xét thận trọng. Ngoài tiêu chí quan trọng là lưu lượng xe, dự báo kinh tế phát triển khả quan của vùng, khu vực,... điều các nhà đầu tư quan tâm là tính đồng bộ, liên thông của toàn tuyến cao tốc và đặc biệt là chất lượng của công trình đường cao tốc. Tôi nghĩ, yếu tố chất lượng phải được đặc biệt quan tâm bởi đây vẫn là một khuyết tật lớn của nhiều dự án đầu tư công nói chung và các công trình đường bộ nói riêng. Khi các tuyến đường này đạt chuẩn chất lượng đường cao tốc, tôi hy vọng, các con đường cao tốc sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư để tham gia đấu thầu khai thác.

Có ý kiến cho rằng, các dự án cao tốc Bắc - Nam có rất nhiều gói thầu xây lắp, nên áp dụng đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn, thay vì chỉ định thầu tất cả các dự án. Xin ông cho biết thêm về nhận định này?

Việc lựa chọn nhà thầu trong thi công xây dựng có thể thông qua hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Mục đích cuối cùng là chọn được nhà thầu thi công có đầy đủ năng lực về con người, thiết bị và kinh nghiệm để có thể làm ra một sản phẩm xây dựng đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ với giá cả phù hợp.

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 tại Điều 22 đã qui định về Chỉ định thầu đối với các gói thầu cấp bách. Các dự án cấp bách của tuyến cao tốc này mà Chính phủ nhận thấy cần triển khai nhanh góp phần kích hoạt sự phát triển nền kinh tế nhất là tại thời điểm này sẽ mất cơ hội khi phải giành quá nhiều thời gian cho những công tác chuẩn bị trong đó mất nhiều thời gian nhất là công việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án. Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn đã thiết lập qui trình đấu thầu rất bài bản, chặt chẽ và đương nhiên cần thời gian. Có lẽ bị “dị ứng” nhiều năm với công tác đấu thầu theo phương thức “đấu giá” hay “quân xanh, quân đỏ”, trong tâm thế của một chuyên gia về lĩnh vực chất lượng công trình xây dựng, tôi ủng hộ phương thức: Chỉ định thầu đối với một số gói thầu cấp bách vì các mục tiêu an ninh và các mục tiêu kinh tế nhất là giai đoạn hiện nay.

Chỉ định thầu trong các trường hợp này, không chỉ tiết kiệm được thời gian, kinh phí, nhân lực cho công tác đấu thầu mà các nhà thầu được chọn, ngoài việc đủ điều kiện họ còn phải chịu áp lực trước sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, cộng đồng và của chính các đối thủ phương thức đấu thầu. Vì vậy quá trình này cần công khai, minh bạch.

Còn nếu tiếp tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu để tạo sự cạnh tranh bình đẳng, thì phải kiểm soát được tình trạng “đấu giá”, “ép giá”, “ép tiến độ”. Hậu quả của thực trạng này là chất lượng công trình kém. Vì vậy, việc quan trọng cần khắc phục đó là việc quản lý sau đấu thầu. Phải gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tổ chức lựa chọn nhà thầu cả trong giai đoạn sau đấu thầu, chúng ta mới hy vọng căn bệnh “nan y” này của các dự án đầu tư công mới có khả năng “cắt bệnh”.

Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả:

Đối với dự án cao tốc Bắc Nam, Tập đoàn Đèo Cả cũng xác định đây là một dự án trọng điểm quốc gia, tạo hạ tầng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Tập đoàn Đèo Cả hiện đang đầu tư và thực hiện các dự án rất lớn, chúng tôi chỉ xác định tham gia đấu thầu dự án cao tốc Bắc Nam khi những bất cập được giải quyết.

Theo đó, các bất cập về pháp lý đầu tư theo hình thức PPP cần được hoàn thiện và chờ đợi sự ra đời của Luật PPP đã tiếp thu, hoàn thiện trên cơ sở những hạn chế của các văn bản trước đó. Chúng tôi cần một cam kết từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc đảm bảo những quyền lợi cho nhà đầu tư khi ký kết hợp đồng dự án. Trong trường hợp vì một lý do nào đó thay đổi chính sách thì phía cơ quan nhà nước phải có giải pháp bù đắp lại cho nhà đầu tư để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư…

PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):

Việc chuyển đổi 8 dự án thành phần từ hình thức PPP sang đầu tư công là rất đúng đắn và rất cần thiết khi vốn để thực hiện các dự án PPP giao thông chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại, và các doanh nghiệp sẽ rất khó đáp ứng được nguồn lực về vốn để thực hiện các dự án này. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong bối cảnh hiện nay sẽ là giải pháp thiết thực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Báo Hải Quan Online