Thêm cầu, đường có giảm ùn tắc khu vực cảng Cát Lái?
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:37, 04/04/2020
Hàng trăm xe container xếp hàng trên đường Đồng Văn Cống (Chụp trưa ngày 25/3)
Doanh nghiệp, tài xế ngán ngẩm
Đáng nói, đây là mùa thấp điểm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên tuyến đường này vẫn nườm nượp xe container ra vào. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của thành phố, nơi giao nhau của nhiều hướng chính ra - vào khu vực cảng Cát Lái. Trong đó, mật độ đông nhất là hướng từ đường Đồng Văn Cống đến vòng xoay Mỹ Thủy, đường Nguyễn Thị Định, hướng về đường Võ Chí Công, Mai Chí Thọ…
Anh Mai Văn Hào, tài xế container của Công ty Trường Sơn cho biết, ngày nào tuyến đường cũng bị ùn ứ ở đoạn cầu Giồng Ông Tố và vòng xoay Mỹ Thủy. Khi đường này bị tắc, các tuyến đường xung quanh cũng bị ảnh hưởng theo. “Có những ngày ùn tắc 5 - 6 tiếng, kéo dài đến tận đường Nguyễn Thị Định, Mai Chí Thọ, thậm chí đến cả Xa lộ Hà Nội. Nhiều tài xế ngán ngẩm nằm ngủ trong khi chờ các lực lượng chức năng giải tỏa”, anh Hào nói.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công ty Vận tải Trường Thành cho biết, đơn vị có 10 đầu kéo container chuyên chở hàng hóa từ cảng Cát Lái. Việc ùn tắc kéo dài tại khu vực đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công khiến doanh nghiệp xoay tài chậm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận chuyển hàng hóa cho các đối tác. “Ngày thường không ùn tắc, mỗi đầu xe có thể ra - vào cảng Cát Lái từ 3 - 4 lượt. Còn hôm gặp tắc đường, từ sáng đến chiều mới vào lấy được một chuyến”, ông Toản bức xúc.
Để hạn chế ùn tắc giao thông, UBND TP đã chỉ đạo thành lập một tổ liên ngành để giải quyết ùn tắc khu vực cảng Cát Lái. Thời gian qua tổ này hoạt động khá hiệu quả, xử lý những trường hợp dừng đỗ sai quy định, điều tiết giao thông tại khu vực nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy và đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống… Tuy nhiên, do tuyến đường Đồng Văn Cống đi vào cảng quá hẹp, mỗi bên chỉ có 3 làn xe, trong đó 2 làn cho xe ô tô nên nhiều lúc quá tải.
Thiếu quy hoạch chung sẽ khó
Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM cho biết, để kéo giảm ùn tắc khu vực ra - vào cảng Cát Lái, thành phố đã triển khai nhiều dự án.
Cầu Mỹ Thủy được rào chắn để mở rộng đường Đồng Văn Cống - Ảnh: Đỗ Loan
Trong đó, dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) đã khởi công từ cuối tháng 2/2020, vốn đầu tư gần 42 tỷ đồng, không phải GPMB và sẽ hoàn thành trong 180 ngày. Dự án cũng mở rộng mặt đường thêm 7m, tăng thêm 2 làn xe lưu thông mỗi bên. Khi hoàn thành đường Đồng Văn Cống sẽ có 10 làn xe ô tô và 2 làn xe máy lưu thông.
Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM cũng cho biết, đang thi công xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 dài 124m, rộng 6 làn xe trên đường Đồng Văn Cống. Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thủy 3 sẽ cùng với cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2 với tổng bề rộng 60m cho 10 làn xe ô tô và 2 làn xe máy lưu thông, thay vì mỗi cầu chỉ cho 2 làn xe ô tô và 1 làn xe máy như hiện nay. Công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Đây là hai công trình trọng điểm được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ giúp xóa “điểm đen” ùn tắc và TNGT khu vực Cát Lái.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc giải quyết ùn tắc thiếu quy hoạch chung sẽ khó đảm bảo bền vững. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, các giải pháp hiện nay chỉ nhằm giảm ùn tắc trước mắt. Về lâu dài cần quy hoạch và sớm xây tuyến đường dành riêng cho xe đầu kéo container, không thể dùng chung đường đô thị. “Cần tách đường cho loại xe này để giảm chồng lấn giao thông và TNGT. Đơn cử như đường Xa lộ Hà Nội là đường giao thông nội đô, hiện xe đầu kéo container vẫn lưu thông chung với các phương tiện khác, vừa ùn tắc, vừa không an toàn”, KTS Sơn nói.
PGS.TS. Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông TP. HCM cũng cho rằng, việc cảng Cát Lái - một cảng hàng hóa lớn nhất nước nằm ngay trong đô thị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giao thông nội đô. Về lâu dài cần giảm tải hàng hóa vào cảng, chuyển sang các cảng xung quanh hoặc có thể di dời đến địa điểm phù hợp hơn. “Trong quy hoạch cảng biển cần gắn với tuyến đường sắt từ cảng vào hệ thống đường sắt quốc gia. Đây là loại vận tải hàng hóa rất tiết kiệm, giảm chi phí vận chuyển, giảm kẹt xe và TNGT”, ông Mai nói.