Đưa thương hiệu gạo Việt ra thế giới
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 00:42, 28/01/2020
Thua trên sân nhà
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019, gạo Việt Nam xuất khẩu đạt 5,87 triệu tấn, thu về 2,58 tỷ USD, tăng 4,1% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Dù luôn đứng trong top đầu các nước xuất khẩu gạo, song gạo Việt Nam vẫn chưa ghi được dấu ấn đối với người tiêu dùng thế giới. Dường như thế giới chỉ nhắc đến gạo Thái Lan, gạo Campuchia trong khi nhiều quốc gia nhập khẩu rất lớn gạo từ Việt Nam. Điều này cho thấy, việc xuất khẩu chủ yếu chạy theo sản lượng mà không coi trọng việc tạo dựng thương hiệu đã khiến cho gạo Việt không thể định vị thương hiệu trên thị trường thế giới.
Ngay tại thị trường trong nước, gạo Việt cũng mất dần vị thế khi người dân cũng chuộng các loại gạo Thái Lan, gạo Campuchia, gạo Đài Loan vì sạch hơn, thơm hơn, ít thuốc trừ sâu, phân bón hơn.
Xây dựng thương hiệu cần bắt đầu bằng thị trường nội địa. Không để tự thua ngay trên sân nhà trong khi các yêu cầu về chất lượng chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được. Phát triển những loại gạo chất lượng cao cho người dân trong nước thông qua các phương pháp sản xuất sạch, hữu cơ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bởi vì dù xuất khẩu gạo là động lực quan trọng cho sự phát triển ngành lúa gạo nhưng một phần gạo sản xuất ra là để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Nỗ lực phát triển ngành lúa gạo
Ngày 21/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.
Nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu gạo Việt Nam thông qua tổ chức hoạt động đồng bộ nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam đến doanh nghiệp, người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế…; Xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác chung giữa các cơ quan xúc tiến thương mại với doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, chất lượng gạo Việt Nam trên thị trường thế giới; Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam...
Ngày 18/12/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công bố logo Thương hiệu gạo Việt Nam với hình ảnh bông lúa cách điệu, các lá lúa được biến tấu tạo hình chim Lạc Việt đang tung cánh. Nền logo màu xanh lá mang thông điệp về Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam có được logo thương hiệu gạo quốc gia, để từ đó có thể gia tăng tính nhận biết và lan tỏa cho sản phẩm gạo Việt Nam.
Cùng với các cấp, các ngành, nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu áp dụng công nghệ cao, đầu tư hệ thống xay xát, đóng gói hiện đại để sản xuất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường cao cấp.
Gạo ngon nhất thế giới và định vị thương hiệu gạo Việt
Sở dĩ gạo Thái Lan, Campuchia có giá cao là do họ làm thương hiệu tốt, tạo được niềm tin về chất lượng với khách hàng. Trong khi đó, gạo xuất khẩu của Việt Nam cho dù chất lượng cao nhưng không ai biết nên luôn có giá thấp, dẫn đến dù đã chuyển qua xuất khẩu gạo chất lượng cao nhưng giá trị thu về cũng không thay đổi nhiều so với thời kỳ xuất khẩu gạo thường.
Tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 được tổ chức tại Philippines (từ ngày 11 - 13/11/2019), vượt qua các đối thủ đến từ Thái Lan, Campuchia, gạo ST25 của Việt Nam được vinh danh là “Gạo ngon nhất thế giới”. Sau hàng chục năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, gạo Việt lần đầu tiên đã có thể định vị được tên của mình trên thị trường quốc tế, khẳng định vị thế, chất lượng của sản phẩm gạo Việt.
Gạo ST25 của Việt Nam được vinh danh phần nào đã làm thay đổi cách nhìn của thế giới đối với sản phẩm gạo Việt. Sự kiện này không chỉ góp phần nâng uy tín của gạo Việt mà còn là động lực để các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đầu tư vào sản xuất gạo chất lượng cao trong thời gian tới.
Xu hướng của thế giới hiện nay là tiêu dùng các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, đồng nghĩa với việc hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, trừ cỏ độc hại. Ngành lúa gạo Việt Nam cần mạnh dạn loại bỏ tiêu chí tăng năng suất bằng mọi giá, không chạy đua xuất khẩu về số lượng, thay vào đó tập trung cho chất lượng và giá trị.
Từ giải thưởng của một cuộc thi đến việc đưa thương hiệu gạo Việt ra thế giới vẫn còn là một quãng đường dài hạn. Chính vì vậy, các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp và kể cả nông dân - người trực tiếp tạo ra sản phẩm gạo Việt đã đến lúc cần một hoạch định chiến lược phát triển hạt gạo Việt bài bản hơn, khác hẳn những gì đã làm trong hơn 30 năm qua.