Động lực "Hầm Đèo Cả"
Hạ tầng - Ngày đăng : 09:05, 01/07/2020
Có điều khác, địa điểm họp Ban chỉ đạo Dự án không phải tại tỉnh Cao Bằng như những lần trước mà nó được tổ chức tại Trung tâm điều hành TCM hầm đường bộ qua Đèo Cả, tỉnh Phú Yên.
Điều đó có gì đặc biệt? Có lẽ vì chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm (8/2017 - 01/2019) hai ngọn núi Cả, Cù Mông với địa hình hiểm trở lần lượt được chinh phục, những người đào hầm Việt Nam đã giúp Phú Yên phá thế bị kẹp trong “ốc đảo” từ cơn biến tạo của thiên nhiên, xứ Nẫu bừng tỉnh sau giấc ngủ dài là gợi ý, là động lực để lãnh đạo Cao Bằng cất công đến Phú Yên.
Điều kiện cần…
Trải nghiệm 13km công trình hầm đường bộ, gồm hầm Đèo Cả dài 4.125m - đường hầm dài thứ 2 ở Việt Nam, hệ thống đường dẫn nối kết với hầm Cổ Mã với chiều dài là 500m, quymô xây dựng với 2 ống hầm riêng biệt, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-199, hai hầm chạy song song với khoảng cách hai trục hầm là 30m, mỗi hầm thiết kế giao thông một chiều với hai làn xe lưu thông, đạt tốc độ 80km/giờ, có thể chịu được động đất cấp 7 đã gây ấn tượng đối với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
Thêm vào đó, Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu năm 2012 theo hình thức BOT và BT với tổng vốn đầu tư ban đầu là 15.603 tỷ đồng. Vào nửa cuối năm 2013, nhà đầu tư đã chỉ đạo việc khảo sát lựa chọn lại hướng tuyến của hầm Đèo Cả vừa tránh những đứt gãy, chồng lấn của địa hình và kiến tạo địa chất để trở nên hợp lý hơn, giảm chi phí xử lý gia cố nền và trần hầm, đã rút ngắn được chiều dài gần 1km và tiết kiệm được tới 28% vốn đầu tư. Toàn bộ vốn đầu tư cho Dự án khi hoàn thành chỉ còn là 11.378 tỷ đồng, giảm 4.225 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu.
Thường các dự án hạ tầng, khi tiến hành thi công đều phát sinh chi phí, dẫn đến “đội” vốn đầu tư, có khi rất cao so với dự kiến ban đầu, Dự án hầm đường bộ Đèo Cả hoàn toàn ngược lại. Một so sánh chỉ ra, nếu thời điểm hiện nay thực hiện dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả thì tổng mức đầu tư lên gấp 3 lần. Còn nữa, tỷ lệ vốn Ngân sách đầu tư vào Dự án chỉkhoảng 20%, trong khi đó các dự án cao tốc Bắc - Nam vốn ngân sách từ 40% - 70%. Đây chính là những điểm khác biệt trong thực tế đầu tư và xây dựng một công trình giao thông cụ thể khiến một tỉnh còn nhiều khó khăn như Cao Bằng không thể không lưu ý.
Sau khi tham quan công trình hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, xem phim giới thiệu về dự án, tại trung tâm điều hành TCM ngay dưới chân núi Cả - đại bản doanh điều hành hoạt động vận hành hệ thống hầm khu vực Trung Bộ, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng đã nhận định: “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không thấy bằng một sờ, hôm nay chúng tôi đã đến đây.Đây là công trình có công nghệ nổi trội nhất ở Việt Nam, sánh tầm quốc tế.Hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2 và các công trình khác không chỉ là công trình phát triển kinh tế xã hội mà còn phục vụ nhiệm vụ chính trị”. Ông Lại Xuân Môn cùng các lãnh đạo đã bày tỏ sự ngưỡng mộ về các công trình hầm Tập đoàn Đèo Cả đã, đang thi công.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho rằng chính sản phẩm của Tập đoàn Đèo Cả tạo nên trong bối cảnh còn thiếu sự ổn định về cơ chế, thiếu nguồn vốn và thiếu sự dấn thân vượt khó là động lực tinh thần lớn lao để Cao Bằng thêm quyết tâm thực hiện cho được dự án đường cao tốc nối từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh - một dự án nơi cội nguồn cách mạng, là niềm mong mỏi của đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống bao đời nơi đây, hiện dự án vẫn đang gặp nhiều khó khăn để triển khai thực hiện.
Cao Bằng đang đi tìm một nhà đầu tư làm việc dấn thân, trách nhiệm, hiệu quả… đó là điều kiện cần cho Đồng Đăng - Trà Lĩnh, nhưng chưa đủ.
… và đủ cho Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Trước khi “đi thực tế” công trình hầm Đèo Cả một ngày, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên bàn về phát triển hạ tầng giao thông. Điều đó thể hiện khát vọng thực hiện đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh lớn lao như thế nào và cho thấy những chia sẻ của lãnh đạo Cao Bằng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án khi đánh giá về công trình hầm Đèo Cả không phải là những ngôn từ mang tính ngoại giao.
Ngược lại thời gian từ những năm từ 2003 đến 2010, đầu tư về hạ tầng giao thông quốc gia chủ yếu sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á và ODA song phương, chủ yếu là Nhật Bản và sau này là Hàn Quốc. Nguồn thứ hai là từ nguồn vốn ngân sách, nhưng rất ít ỏi. Nguồn vốn thứ ba là trái phiếu. Ba nguồn vốn này bản chất là vốn Nhà nước. Vốn của tư nhân và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào hạ tầng giao thông rất ít trong thời điểm đó. Thực tế lúc đó, ngân hàng trong nước, doanh nghiệp trong nước chưa đủ khả năng để đầu tư vào dự án hạ tầng giao thông lớn.
Cũng vào thời điểm đó, ngành Giao thông vận tải đã thấy rõ rằng cần huy động khai thác tất cả các nguồn vốn của xã hội, chứ nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước thì những dự án như Hầm đường bộ qua đèo Đèo Cả và nhiều dự án khác nữa chưa biết bao giờ mới làm được. Chính vì thế việc VietinBank thu xếp, cung cấp đủ vốn cũng như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trọn gói cho nhà đầu tư thực hiện dự án, giải ngân đúng lộ trình và cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng ưu đãi nhất để dự án được thực hiện khẩn trương, hoàn thành đúng tiến độ, sớm đưa vào khai thác, phục vụ nhân dân, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên là ngọn cờ đầu trong hệ thống ngân hàng trong việc đầu tư cho tương lai đất nước.
Việc gánh trọng trách thực hiện các hầm đường bộ lớn nhất nước đã khẳng định vị thế, tiềm lực và uy tín của Đèo Cả trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cộng hưởng sức mạnh từ sự tin tưởng giao phó đến từ cơ quan nhà nước đến các đối tác lớn, trong đó có VietinBank để gia tăng vị thế và sức mạnh trong thực thi dự án.
Trở lại với Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, toàn bộ mỏ nguyên vật liệu tỉnh Cao Bằng đều đã bố trí, Cao Bằng còn chủ động làm việc với tỉnh Lạng Sơn, các thủ tục, điều kiện đều đã được chuẩn bị. Tuy nhiên, Dự án chưa có chủ trương đầu tư, phần lớn lý do bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn băn khoăn đến tính khả thi với cơ cấu nguồn vốn 20% ngân sách nhà nước.
Đó là điều kiện đủ để Cao Bằng mới có thể sớm triển khai Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.