Thịt heo trong chuỗi giá trị toàn cầu

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:35, 28/11/2017

(VLR) Cuối tháng 10, tại Hà Nội, Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn (thịt heo) Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, một số tham tán nông nghiệp, các doanh nghiệp (DN) và trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn. Diễn đàn là cơ hội để các DN trong chuỗi giá trị sản xuất thịt heo từ con giống, thức ăn, giết mổ, chế biến; các bộ ngành liên quan có cơ hội đánh giá, thảo luận, giải quyết những khó khăn vướng mắc, để tiến tới XK thịt heo.

Năng lực & “bất lực”

Tính đến ngày 1.4.2017, cả nước đang có 29 triệu con heo, với sản lượng khoảng 2,2 triệu tấn thịt heo mỗi năm. Vài năm gần đây, ngành chăn nuôi heo (CNH) tăng trưởng nhanh nhưng đầy rủi ro, điển hình là cuộc khủng hoảng giá heo trong năm 2017. Cả nước phải tham gia “giải cứu”.

Nhận diện ngành CNH Việt Nam (VN) như thế nào?

Tất nhiên tổng đàn heo VN có bao nhiêu thì vẫn là con số mù mờ như căn bệnh muôn thuở của thống kê VN. Bằng chứng là đầu tháng 5 Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNN) phải có văn bản “hỏa tốc” gửi đến các Sở NN&PTNT trong cả nước yêu cầu thống kê lại số lượng đầu heo nái và heo thịt, bởi “Đây là số liệu đang gây nhiều tranh cãi” (nguyên văn). Đồng thời yêu cầu các Sở NN&PTNT báo cáo về Cục trước ngày 15.5.2017. Không hiểu chỉ trong 6 ngày, trong đó hết 2 ngày nghỉ, liệu các địa phương có đủ nhân lực và phương tiện làm việc để tiến hành kiểm tra, thống kê lại tổng số lượng đàn heo với đầy đủ số liệu đủ tin cậy báo cáo cho Cục hay không? Lại một câu chuyện “đánh đố” của chỉ đạo.

Phải thừa nhận rằng, con số thống kê tổng đàn heo ở các địa phương hiện nay khá “lùng bùng”. Thế nên mới có chuyện, tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, khi được hỏi số liệu tổng đàn heo của địa phương gần nhất, một nhân viên trạm chăn nuôi thú y (CNTY) in ra báo cáo cho biết: tháng 4 là 8.100 con heo (tính tròn); tháng 3 là 7.350 con. Thời điểm đó giá heo đang hạ, người chăn nuôi đang khóc, giảm đàn mạnh nhất là các tháng sau Tết 2017, vậy mà số liệu báo cáo “liên tục tăng đàn” tháng sau cao hơn tháng trước?

Ở một địa phương cấp huyện như vậy thì cả tỉnh, cả nước sẽ ra sao? Không lúng túng về dịch bệnh và “giải cứu” thì không phải VN.

Ngành CNH VN mới làm được khâu sản xuất, còn chế biến và tổ chức thị trường còn nhiều yếu kém. Câu chuyện đặt ra là cần nhanh chóng tổ chức lại thị trường và xúc tiến XK thịt heo. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có 8 cơ sở XK sản phẩm thịt hep đông lạnh sang thị trường các nước, tất cả đều là XK heo sữa hoặc heo choai. Chế biến thịt mới đạt khoảng 5%.

Về XK thịt heo tươi sống vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kiểm soát an toàn dịch bệnh. Hiện nay, tất cả các thị trường NK đều yêu cầu thịt heo phải có nguồn gốc từ các quốc gia hoặc vùng XK không có bệnh lở mồm long móng được Tổ chức Thú y thế giới OIE công nhận. Tuy nhiên, hiện VN chưa được OIE công nhận đã sạch bệnh lở mồm long móng, nên chúng ta chưa đủ điều kiện để XK.

Như với thị trường Trung Quốc, từ đầu năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã cấm NK các loại gia súc và thịt gia súc của VN do lo ngại dịch lở mồm long móng. Và từ đó cho đến nay, mặc cho những nỗ lực đàm phán từ phía VN, mặt hàng heo sống và thịt heo của nước ta không nằm trong danh mục hàng hóa được cấp phép NK chính ngạch vào Trung Quốc.

Các DN cho biết, họ đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác NK, có những đơn hàng lên tới hàng nghìn tấn. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là làm thế nào, các bên có những cam kết NK từ phía các Chính phủ, để mở rộng thị trường XK và có một tiêu chuẩn chung về dịch bệnh cũng như chất lượng sản phẩm.

Chuỗi giá trị toàn cầu

VN hoàn toàn có điều kiện để ngành CNH phát triển, hội nhập. Ngoài tiền vốn (không thiếu), kỹ thuật, công nghệ chế biến, bảo quản… trước hết những nhà lãnh đạo ngành chăn nuôi của đất nước phải giải được “bài toán” quy hoạch và chính sách ở tầm “vĩ mô”.

Trên thế giới, chỉ cần một lĩnh vực trong chăn nuôi phát triển mạnh, đã có thể đưa tên tuổi quốc gia đó vào top những nước chăn nuôi hàng đầu thế giới. Năm 2016, Argentina XK trên 280.000 tấn thịt gia súc (tấn thịt xẻ quy đổi) – mức cao nhất trong 7 năm qua. Xếp sau là các quốc gia Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Canada. Hàng năm các quốc gia này thu được khoản kim ngạch XK vô cùng lớn.

Đặc biệt, theo Pork checkoff, Trung Quốc là nước sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới với sản lượng năm 2015 và 2016 lần lượt là 54,870 triệu tấn và 53,5 triệu tấn. Năm 2012, Trung Quốc sản xuất được 50 triệu tấn thịt heo, gấp 5 lần sản lượng của Mỹ và gấp đôi EU. Năm 2014, số lượng heo nuôi tại Trung Quốc đứng đầu thế giới, đạt 723 triệu đầu con. Tỷ lệ tăng trưởng của ngành thịt heo tại Trung Quốc luôn cao hơn thịt gà và thịt bò.

VN hoàn toàn có điều kiện để ngành CNH phát triển, hội nhập. Ngoài tiền vốn (không thiếu), kỹ thuật, công nghệ chế biến, bảo quản… trước hết những nhà lãnh đạo ngành chăn nuôi của đất nước phải giải được “bài toán” quy hoạch và chính sách ở tầm “vĩ mô”. Họ được nhân dân trả lương để làm việc ấy. Đáng tiếc, đây chính là “khâu yếu” của khâu yếu trong ngành CNH nói riêng và chăn nuôi nói chung.

Tại Diễn đàn nói trên, Ông Gabor Fluit – Tổng Giám đốc De Heus châu Á đã chia sẻ về cơ hội XK và cả những thách thức cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt heo VN. Ông cũng chia sẻ về mô hình chuỗi liên kết của De Heus, kinh nghiệm tổ chức thành công chuỗi liên kết sản xuất thịt gia cầm XK, cũng như những nỗ lực góp phần vào việc phát triển nguồn thực phẩm sạch và bền vững.

Nhiều kinh nghiệm quốc tế đã được chia sẻ trong vấn đề kiểm soát và hướng tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng của một số nước trong khu vực có điều kiện tương đồng như VN. Trong đó, đáng chú ý là mô hình của Philippines.

Có những tín hiệu để vui, đó là tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký liên kết chuỗi giữa Tập đoàn Deheus châu Á, Tập đoàn Hùng Nhơn và Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao VN, Công ty Biển Đông, Công ty cổ phần Deawon Hàn Quốc, khẳng định quyết tâm của các bên trong việc XK thịt heo của VN.

Theo Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám, cơ hội XK chăn nuôi của VN đã tới. VN hiện đã ký được hiệp định thương mại với 12 nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm giá thành, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh. Những công việc này đòi hỏi ngành chăn nuôi phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm toàn cầu.

Tư duy “tự cung tự cấp” của người tiểu nông VN tồn tại quá dai dẳng, ngay trong suy nghĩ những người được giao nhiệm vụ quản trị đất nước, ngành và lĩnh vực. Đó là điều đáng tiếc trong “Thời đại logistics”.

Ngô Đức Hành