Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh: “Chỉ bàn tiến, không bàn lùi”
Hạ tầng - Ngày đăng : 07:30, 12/09/2020
Ngày 21/8, Ban chỉ đạo dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã tổ chức cuộc họp lần thứ 9 với tinh thần 'chỉ bàn tiến, không bàn lùi'
“Chỉ bàn tiến, không bàn lùi”
Ngày 21/8, trước cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai tỉnh Cao Bằng và Cà Mau ít giờ đồng hồ, Ban chỉ đạo dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã tổ chức cuộc họp lần thứ 9, ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, Trưởng ban Chỉ đạo dự án đường cao tốc này mở đầu: “Hôm nay, chúng ta chỉ bàn tiến, không bàn lùi”.
Tinh thần “chỉ bàn tiến” không phải bây giờ, khi dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư mà ở những cuộc họp trước của Ban Chỉ đạo dự án đều được ông Lại Xuân Môn nêu ra.
Những khó khăn bởi địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn dẫn tới hạ tầng giao thông của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới giao thông liên kết với Cao Bằng chỉ có 2 tuyến, quốc lộ 3 và quốc lộ 4A. Vì thế mà tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ kết nối Cao Bằng nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng vừa gỡ nút thắt cho việc phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Bí thư Lại Xuân Môn từng chia sẻ: “Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát vọng từ lâu của người dân, của nhiều khóa lãnh đạo Cao Bằng”.
Tuy đã cấp “giấy khai sinh” nhưng một dự án với tổng vốn đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng ở một địa phương còn nghèo như Cao Bằng thì việc thực hiện hoàn thành dự án sẽ còn muôn trùng khó khăn phía trước. Vì thế tinh thần “chỉ bàn tiến” của Bí thư Cao Bằng thể hiện quyết tâm rất lớn của lãnh đạo và đồng bào các dân tộc tại Cao Bằng.
“Chúng ta kiên trì 2 năm qua, có những lúc nản lòng, có những lúc tưởng như thất bại. Nhưng chúng ta thể hiện khát vọng, quyết tâm đúng với bản lĩnh quê hương cách mạng và có kết quả bước đầu, khi ngày 10/8 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”, ông Lại Xuân Môn nói.
Để đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư dự án, UBND tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư đề xuất đầu tư dự án đã có biên bản làm việc để chủ động triển khai ngay việc khảo sát địa hình, khảo sát địa chất công trình và tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, lập hồ sơ cắm mốc phân giới. Đến nay, khối lượng công việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi đã hoàn thành. Đồng thời, tỉnh cũng phối hợp với doanh nghiệp mời đối tác là Tập đoàn Leonhardt, Andrä und Partner nghiên cứu, khảo sát thực hiện thiết kế kiến trúc cảnh quan một số công trình trên tuyến đường.
Tại cuộc họp, ông Lại Xuân Môn yêu cầu các sở ngành, thành phố, huyện nêu những khó khăn vướng mắc để khắc phục, lập các tổ công tác lên kế hoạch hành động sẵn sàng khởi công công trình Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong đầu tháng 10/2020.
Hữu Nghị - Chi Lăng - Tân Thanh - Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Để có cơ sở thực hiện cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cần thiết phải thực hiện kết nối Hữu Nghị - Chi Lăng đến cửa khẩu Tân Thanh. Vậy, tuyến kết nối này đang có hiện trạng như thế nào?
Ngày 07/12/2018, Văn phòng Chính phủ ra thông báo số 451/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng có nêu “... một dự án giao thông quan trọng trong đó giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo ngân hàng Vietinbank khẩn trương giải quyết các vướng mắc, thống nhất với ngân hàng BIDV đồng tài trợ để hoàn thành việc thu xếp tín dụng cho dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (gồm cả 17km kết nối các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam) làm cơ sở để triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Như vậy, sự cần thiết phải đầu tư sớm tuyến đường kết nối Tân Thanh - Cốc Nam và Hữu Nghị - Chi Lăng là nút thắt quan trọng trong việc kết nối mạng lưới giao thông các cửa khẩu, là cơ sở để đầu tư xây dựng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Chiều 22/6, trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng ý với phương án do UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất là triển khai Dự án đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị với quy mô và tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ đưa Dự án này vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 - 2025 để hỗ trợ tỉnh thực hiện Dự án.
“Đây là công trình bắt buộc phải làm và làm sớm không phải cho Lạng Sơn mà còn phục vụ cho giao thông cả nước, phục vụ cho cả nền kinh tế chứ không phải phục vụ cho Lạng Sơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến phương án phân kỳ đầu tư Dự án, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cần chọn phương án mà ngân sách tỉnh và nhà đầu tư cũng phải bỏ ra ít nhất, Nhà nước cũng chỉ phải hỗ trợ ít nhất nhưng vẫn đạt được mục tiêu là sớm thông được 43km cao tốc từ Chi Lăng lên cửa khẩu Hữu Nghị kết nối đến Tân Thanh.
Được biết, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và bổ sung thêm phương án phân kỳ quy mô đầu tư (ngoài 2 phương án tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất trước đó) theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.