Chuyển đổi số: Yếu tố cần để doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực cạnh tranh
Hạ tầng - Ngày đăng : 09:43, 01/10/2020
Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Hội nhập TP. HCM phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Sáng ngày 30/9, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. HCM (CIIS) phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức thành công Hội thảo “Ngành Logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số: quản trị rủi ro nhằm chuyển đổi đúng cách và hiệu quả”.
Hội thảo “Ngành Logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số: quản trị rủi ro nhằm chuyển đổi đúng cách và hiệu quả” là nơi chia sẻ thông tin của những chuyên gia, những nhà phân tích kinh tế và pháp lý hàng đầu trong lĩnh vực Logistics không chỉ được đánh giá cao tại Việt Nam mà còn có tiếng nói trong cộng đồng quốc tế. Đây sẽ là dịp để chính những người trong cuộc trao đổi, chia sẻ góc nhìn, hiểu biết của bản thân; cung cấp những thông tin có giá trị và hữu ích cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics nói riêng; phân tích những tiềm năng và thách thức, những thuận lợi và khó khăn trong thực tế mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi tham gia vào ngành này tại Việt Nam đồng thời đưa ra những gợi mở về phương hướng giải quyết, xử lý sao cho nhanh chóng, thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.
Với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế bước sang một tiến trình mới – hội nhập và hiện đại hơn, các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, hoạt động số hóa cũng được ưu tiên và đòi hỏi áp dụng ở hầu hết các lĩnh vực. Tại Việt Nam, mặc dù còn gặp một số khó khăn nhưng không thể phủ nhận nước ta đã đạt một số thành quả nhất định trong chuyển đổi số, đặc biệt là áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động cung ứng dịch vụ logistics.
Trong những năm qua, thương mại quốc tế không ngừng phát triển nhờ vào xu hướng toàn cầu hóa và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ vào các xu hướng đó đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, logistics được coi là một trong những ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường ngày một phát triển.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ông Nguyễn Tương – Phó Tổng Thư ký VLA chia sẻ tại Hội thảo “Do tác động của đại dịch COVID-19 nên chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics. Bên cạnh đó, đại dịch cũng làm thay đổi cách tiêu dùng, phương thức hoạt động, trao đổi thương mại. Thương mại điện tử nước ta đã phát triển mạnh mẽ, kéo theo các hoạt động logistics”. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, quá trình chuyển đổi số đáng lẽ cần 5 năm để áp dụng vào doanh nghiệp và người tiêu dùng, thì nay chỉ mất 8 tuần nhờ cú hích từ đại dịch.
Theo khảo sát năm 2018 của Hiệp hội VLA, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam còn chưa cao, đa phần là các giải pháp đơn lẻ. Khoảng 40% các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics là các ứng dụng cơ bản như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, quản lý vận tải, trao đổi dữ liệu điện tử và khai báo hải quan.
Cũng theo Phó Tổng Thư ký VLA, một số khó khăn khiến các doanh nghiệp logistics chưa tiếp cận chuyển đổi số là do yếu tố con người, tài chính và lựa chọn công nghệ phù hợp. 200 triệu VNĐ đến hàng chục tỷ đồng là con số chi phí mà các doanh nghiệp logistics cần đầu tư cho chuyển đổi số. Trong khi đó 80% Hội viên của VLA là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc có đủ vốn để đầu tư cũng là điều khó cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng được nhiều tại Việt Nam. Hiện nay, có 17 loại hình dịch vụ logistics đang được các nhà cung cấp dịch vụ logistics cung cấp ở mức độ khác nhau nên việc từng doanh nghiệp cần lựa chọn riêng một công nghệ phù hợp. Bên cạnh đó, yếu tố ngại thay đổi, áp dụng đồng loạt những yếu tố mới cũng là một khó khăn, các doanh nghiệp có nhiều mối lo khi tin tưởng vào công nghệ từ hệ thống bảo mật, mức độ an toàn, phương thức thanh toán giao dịch…
Để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận chuyển đổi số thì về phía Nhà nước cũng cần có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cải cách thủ tục hành chính liên quan, hỗ trợ vốn trong điều kiện có thể, đặc biệt là các doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số để tạo ra động lực phát triển cho ngành.
Luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên VIAC, thành viên Tiểu Ban Tư vấn pháp luật Hiệp hội VLA chia sẻ kiến thức thực tiễn liên quan đến các vấn đề pháp lý khi thực hành chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam
Tại Hội thảo, Luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên VIAC, thành viên Tiểu Ban Tư vấn pháp luật Hiệp hội VLA đã chia sẻ về các vấn đề pháp lý khi thực hành chuyển đổi số đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam. Tại Hội thảo, Luật sư đã đưa ra những thông tin hữu ích về khung pháp lý đối với E – Logistics tại Việt Nam, đặc biệt là về những thuận lợi và hạn chế sẽ gặp phải khi hoạt động kinh doanh, cũng như khi giao kết các hợp đồng, giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, Luật sư Ngô Khắc Lễ còn cung cấp kiến thức thực tiễn về các vụ tranh chấp liên quan đến “số hóa” điển hình trong hoạt động Logistics như vụ tranh chấp về trả hàng nhầm - xác nhận qua Zalo cá nhân giữa 2 nhân viên của công ty giao nhận và chủ hàng (dùng vận đơn gốc hay loại đã nộp). Hay vụ đàm phán nội dung hợp đồng bằng email, cụ thể các bên (người vận chuyển và người thuê vận chuyển) đã xác nhận đồng ý nội dung hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế (bằng email) nhưng chưa ký bản giấy. Từ các phân tích nói trên, doanh nghiệp nên lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với đặc tính ngành, nghề; đơn cử là những thuận lợi khi áp dụng điều khoản trọng tài giải quyết tranh chấp trong hoạt động Logistics.