Phát triển kinh tế số: Yêu cầu cấp thiết
Hạ tầng - Ngày đăng : 09:03, 16/10/2020
Tỷ lệ người dân tiếp cận internet cao tạo thuận lợi cho kinh tế số phát triển
Tiềm năng lớn
Tại thời điểm này, nền kinh tế thế giới đang thay đổi sâu rộng trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và chuyển mạnh sang KTS - nền kinh tế mà hầu hết các lĩnh vực đều dựa vào hoặc sử dụng mạng internet và các nền tảng giao thức internet (Internet Protocol). Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng mạnh mẽ này. KTS không chỉ là áp lực, thách thức hay cơ hội phát triển cho bất kỳ một doanh nghiệp (DN) nào mà trên hết, đó còn là bài toán chiến lược với Việt Nam để đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia trên thế giới.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và KTS (Bộ Công Thương) - cho biết, để xây dựng KTS, hiện Việt Nam có thuận lợi là tỷ lệ người dân tiếp cận viễn thông và internet ở mức cao. Tuy nhiên cũng không ít thách thức. Chẳng hạn, chính sách và thể chế chưa liên thông; hệ thống thanh toán chưa thực sự an toàn. Việc này cũng đưa đến một hệ lụy là khó xây dựng những hệ thống thương mại điện tử tập trung với quy mô lớn và độ chuyên nghiệp hóa cao.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho KTS rất mỏng, thiếu đồng bộ, hệ thống logistics yếu kém; nhân lực về công nghệ thông tin còn thiếu. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số của DN còn thấp, thể hiện qua các con số khảo sát về ứng dụng công nghệ số, phần mềm trong DN: Quản lý nhân sự (59%); quản lý hệ thống cung ứng (29%); quan hệ khách hàng (32%)…
Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, nền KTS đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng xử lý các vấn đề lớn trong phát triển đất nước và tái cơ cấu ngành Công Thương, quan trọng hơn là bắt kịp xu hướng phát triển công nghiệp, thương mại của đất nước.
“KTS được dự đoán sẽ mang lại những ảnh hưởng và thay đổi to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và vận hành cung – cầu của thế giới. Có thể nói, cùng với cuộc CMCN 4.0, KTS đang tạo ra những xu hướng và nhu cầu mới. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng, khai thác tối đa lợi ích và chuẩn bị tốt nhất đối với những thay đổi cần thiết để xây dựng KTS trong thời gian tới” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Ông Đặng Hoàng Hải nhìn nhận, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KTS, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 nêu rõ, tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh KTS, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái…
“Do vậy, việc xây dựng, phát triển nền KTS và công nghiệp thông minh nhằm tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là một nhiệm vụ cấp thiết”- ông Đặng Hoàng Hải khẳng định.
Trên cơ sở đó, ông Đặng Hoàng Hải lưu ý, trước mắt cần đưa ra các nhóm vấn đề trực diện nhất để phối hợp triển khai, cụ thể là nhóm hạ tầng cơ sở và thể chế, nhóm công nghệ, nhóm thanh toán… Trong đó, nhóm thanh toán là vấn đề rất lớn vì đang kìm hãm sự phát triển KTS.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, Việt Nam phát triển KTS không chỉ dừng lại ở từng cá nhân, quốc gia mà phải đánh giá trên tổng thể vai trò của cả khu vực. Đơn cử như đánh giá tổng thể xu hướng phát triển KTS của ASEAN như thế nào để đặt Việt Nam trong bối cảnh chung đó, có như vậy mới xây dựng được chiến lược phát triển KTS hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng để xây dựng chiến lược KTS thành công, Việt Nam phải kết nối được vai trò của các bộ, ngành trong tổng thể hệ thống.