Phát triển đường cao tốc nối hai đầu đất nước

Hạ tầng - Ngày đăng : 09:10, 15/12/2020

(VLR) Cuối tháng 11 vừa qua, lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Cà Mau, Bến Tre và một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông (Tập đoàn Đèo Cả) đã cùng ngồi lại với nhau chia sẻ kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư thực hiện dự án PPP. Hội nghị là minh chứng sinh động, hiệu quả giúp nhiều tỉnh, thành phố có cách thu hút đầu tư xây dựng đường cao tốc, hạ tầng cơ sở hiệu quả, theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và quy định của pháp luật.

Tháng 3/2020 hoàn thành báo cáo tiền khả thi Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối từ tỉnh Lạng Sơn tới cửa khẩu Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng tiến thêm những một bước đi quan trọng khi trong cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án này, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo cho biết sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ, tỉnh đưa dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành trước ngày 30/12/2020; từ tháng 02 - 10/2021, lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi; phê duyệt đầu tư dự án; quyết định giao vốn cho dự án; lựa chọn tư vấn thiết kế bản vẽ thi công; lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công dự án.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị Ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh cho chủ trương thành lập Hội đồng thẩm định của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP.

Để phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 3/2021 và có cơ sở bố trí ngân sách Trung ương cho dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ làm việc với các Bộ, ngành Trung ương kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo Quốc hội, Chính phủ tiếp tục bố trí ngân sách Nhà nước tham gia đầu tư cho các dự án khó khăn theo Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020.

Ông Lại Xuân Môn - Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng yêu cầu Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cần cụ thể hóa những đề xuất những nội dung của tỉnh; trong đó giao cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên Tổ giúp việc, sau đó tổng hợp, trình Trưởng ban Ban Chỉ đạo trong thời gian sớm nhất để triển khai dự án hiệu quả.

Trước đó, Ban Chỉ đạo dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã thực hiện các bước như thành lập quỹ đất công, thủ tục lập hồ sơ dự án làm đường cao tốc, đồng thời khẳng định, đường cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Quá trình thực hiện dự án đường cao tốc, Ban Chỉ đạo đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phân công, phân nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành, đồng thời thành lập 7 Tổ giúp việc để hoàn thành cao tốc... từ đó đạt được những yêu cầu đề ra.

3 phương án đầu tư Bạc Liêu - Cà Mau

Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ việc xúc tiến đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã phối hợp rà soát quy hoạch, nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó, nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP). Đồng thời, tỉnh Cà Mau mời Tập đoàn Đèo Cả cùng nghiên cứu, đề xuất các phương án đầu tư và thống nhất đề xuất đầu tư đoạn Bạc Liêu - Cà Mau theo hình thức BOT kết hợp với đầu tư công. Tổng mức đầu tư khoảng 11.145 tỷ đồng; quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 rộng 17m, gồm 4 làn xe cơ giới chặt chẽ; thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025.

Cũng trong Hội nghị này, các chia sẻ kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư thực hiện dự án PPP đã được nêu ra rất sôi nổi. Tại phía Nam đất nước, tỉnh Cà Mau đã trao đổi định hướng phát triển hạ tầng giao thông và các vấn đề đặt ra hiện nay, phương hướng giải quyết; việc đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; trong đó có đoạn Bạc Liêu - Cà Mau với sự tham gia của Tập đoàn Đèo Cả.

Ngày 19/11/2020, tỉnh Cà Mau đã có văn bản đề xuất phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đoạn Bạc Liêu - Cà Mau gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Về sự cần thiết đầu tư, tỉnh Cà Mau cho rằng tuyến Cần Thơ - Cà Mau là tuyến trục dọc trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, góp phần phát triển mạng lưới giao thông khu vực, kết nối các trung tâm thành phố lớn, cải thiện giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cấp thiết.

Cà Mau đã đưa ra các phương án đầu tư dự án Bạc Liêu - Cà Mau. Theo đó, phương án thứ nhất đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, không có sự tham gia góp vốn của Nhà nước. Phương án thứ 2 đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, có sự tham gia góp vốn của 50% của Nhà nước, trích từ ngân sách trug ương hỗ trợ và vốn còn lại do nhà đầu tư thu xếp. Phương án thứ 3, đầu tư theo phương thức đối tác công -tư kết hợp với đầu tư công. Theo phương án này, dự án tách làm 2 dự án thành phần, đầu tư công và đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT có sự tham gia góp vốn của Nhà nước.

Qua phân tích đánh giá các phương án đầu tư, tỉnh Cà Mau đề xuất phương án đầu tư thứ 3. Theo đó, phần đầu tư các cầu lớn và nút giao khác mức của dự án sẽ đầu tư bằng hình thức đầu tư công, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 2.730 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện. Phần đầu tư toàn bộ tuyến cao tốc theo hình thức đối tác công-tư có sự tham gia góp vốn của Nhà nước, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư sơ bộ (bao gồm lãi vay) khoảng 8.726 tỷ đồng. Đại diện tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian thực hiện dự án này từ 2021-2024, thời gian dự kiến hoàn vốn khoảng 15 năm 5 tháng.

Nguyễn Quang Thành