Cơ hội vàng cho thị trường lao động Việt
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:17, 19/02/2020
Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam
Không chỉ việc làm tăng lên mà dự kiến thu nhập của người lao động cũng sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2020-2035, trong đó tăng cao nhất là nhóm lao động có tay nghề thấp. Mức lương bình quân của lao động Việt Nam sự kiến tăng thêm 3% nhờ tác động từ hiệp định này.
Nhận định về thị trường lao động trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào Hiệp định EVFTA, Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TBXH) dự báo, thị trường lao động trong nước sẽ có nhiều diễn biến tích cực. Việc mở rộng thị trường hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ khiến cho một số ngành sẽ cần thêm lao động.
Một số ngành sẽ có tác động nhanh chóng để tăng thêm lực lượng lao động như: khai khoáng tăng khoảng 3,41%/ năm; dệt tăng 1,53%/ năm; may mặc tăng nhẹ khoảng 0,38%/ năm. Một số ngành khác có mức tăng lao động hằng năm cao hơn hiện nay như vận tải đường thủy (3,7%), sản xuất kim loại (2,65%), sản xuất máy móc thiết bị (2,49%)…
"Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội lớn cho lao động Việt Nam. EVFTA sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập cho người lao động. Khi Việt Nam tham gia vào hiệp định này sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ da, đồ gỗ, đồ gốm, thủy tinh, đồ nhựa và sản phẩm cao su… Chính vì thế, các ngành này sẽ cần nhiều lao động hơn trong thời gian tới", ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội đánh giá.
Tuy vậy, viễn cảnh cũng không chỉ toàn màu hồng, mà thị trường lao động Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của thị trường châu Âu.
Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) thì các doanh nghiệp châu Âu cũng sẽ hướng tới đầu tư vào các ngành cần nhiều lao động như dệt may, da giày tại Việt Nam. Trong tầm nhìn dài hạn, có thể hướng tới sản xuất những sản phẩm có độ phức tạp cao hơn như dược phẩm, thậm chí có thể có sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, do Việt Nam có ưu thế hơn về giá nhân công.
"Đặc thù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu phần lớn dựa vào công nghệ, do đó, yêu cầu của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ đơn thuần là những lao động giá rẻ, mà còn cần kỹ năng và trình độ chuyên môn cao. Do đó, chúng ta phải giải được bài toán về nâng cao tay nghề và chuyên môn, những kỹ năng cần thiết cho người lao động", ông Minh đánh giá.
Theo ông Minh, giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay cần thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề. Thông qua hợp tác công tư, các cổ chức đào tạo nghề sẽ thiết kế được các chương trình đào tạo phù hợp và sát với thực tiễn của các doanh nghiệp hơn.
Thực hiện các cam kết quốc tế về lao động
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EVFTA đặt ra các nguyên tắc về lao động liên quan tới hệ thống pháp luật hiện tại, liên quan đến các cam kết của Việt Nam khi tham gia các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Trong đó, có đề cập tới tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả quyền tự do liên kết, thương lượng, xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, không phân biệt đối xử với lao động tại nơi làm việc. Cam kết về lao động được quy định tại Điều 3, Chương thương mại và phát triển bền vững trong hiệp định.
Theo đó, Việt Nam và EU cam kết thúc đẩy phát triển thương mại song song với việc giúp tạo công ăn việc làm bền vững cho tất cả mọi người, đồng thời phê duyệt thực hiện các nghĩa vụ, quy định của các Công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế.
"Bộ luật Lao động sửa đổi đã hài hòa hơn, tiệm cận với nhiều nội dung và nguyên tắc cơ bản của các Công ước cơ bản về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế để tạo điểu kiện thực hiện cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại thế hệ mới, tăng cường bảo vệ người lao động, hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Việt Nam hiện đã phê chuẩn 6 trong tổng số 8 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế.
Dự kiến Việt Nam sẽ tiếp tục công việc chuẩn bị để tiến tới phê chuẩn Công ước 105 về lao động cưỡng bức vào năm 2020 và Công ước 87 về tự do hiệp hội vào năm 2023. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các công việc cần thiết để tiến tới việc trình phê chuẩn các Công ước này theo quy định", bà Trang cho biết.
Theo Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam, các yêu cầu về lao động và môi trường của Hiệp định EVFTA sẽ giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững. Việc gia nhập EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội tạo điều kiện cho Việt Nam hiện đại hóa hệ thống pháp luật lao động và quan hệ lao động.
"Việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi vào tháng 11/2019 đã đưa khung pháp lý của Việt Nam tiệm cận hơn với các công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế, tạo ra một môi trường pháp lý cần thiết cho quan hệ lao động và quan hệ việc làm hiện đại của Việt Nam. Quan hệ lao động hiện đại dựa trên sự công nhận tự do hiệp hội, cùng với một lực lượng lao động lành nghề hơn và hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, là động lực xã hội quan trọng để Việt Nam tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao một cách bền vững", ông Chang- Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam nhìn nhận.