5G: Nền tảng kết nối mới và tương lai ngành logistics
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:00, 10/02/2021
Công nghệ mạng 5G được xem là bước tiến quan trọng, mở ra kỷ nguyên mới cho tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ học máy,… và tạo thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng
5G - Nền tảng kết nối mới
Quý IV/2020, 3 nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, Mobifone và Vinaphone đã công bố thử nghiệm thành công thế hệ mạng không dây thứ 5 - 5G. Việc tiến tới thương mại hóa mạng 5G của các nhà mạng đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận công nghệ mới này, để từ đó tạo ra vị thế làm chủ ứng dụng công nghệ mới và đi đầu trong xu hướng chuyển đổi số như hiện nay.
Theo các chuyên gia, mạng 5G cho phép tốc độ cập nhật siêu cao, nhanh hơn từ 10 đến 100 lần so với các dịch vụ 4G hiện có, giúp chúng ta có thể tải xuống các tệp có dung lượng cực lớn một cách nhanh chóng. Công nghệ 5G còn có những đặc trưng khác như độ trễ siêu thấp, độ tin cậy cao, năng lượng tiêu thụ thấp và cho phép cung cấp nhiều loại hình dịch vụ cùng một lúc.
Ông Lương Phạm Nam Hoàng, đại diện Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Chính phủ đã đặt ra cho toàn hệ thống vấn đề về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số,… và 5G là nền tảng, là cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ số trong chuyển đổi số. Tiến trình của các nhà mạng cũng được sự chỉ đạo rất rõ từ Chính phủ đến bộ, ban ngành. Năm 2025, lướt phủ sóng phổ cập về internet 4G, 5G sẽ ở mức 80% và năm 2030 phổ cập 5G băng rộng cả nước. Mỗi một doanh nghiệp sẽ tùy thuộc vào tình hình, chiến lược kinh doanh sẽ có sự phát triển theo lộ trình đó và đạt được xu hướng cộng nghiệp 4.0, cũng như chuyển đổi số quốc gia về Chính phủ số, kinh tế số, giao thông số,…”.
Công nghệ 5G cũng sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. 5G giúp các phương tiện giao thông có khả năng kết nối và liên lạc với nhau, giao tiếp với đèn tính hiệu và các khu vực cảnh báo nhằm gia tăng tính an toàn cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, ứng dụng mạng 5G còn giúp các nhà máy nâng cao tốc độ tự động hóa, đơn giản hóa nhiều quy trình làm việc, xử lý khối dữ liệu lớn nhanh chóng và quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
Ông Đặng Kim Long, Giám đốc truyền thông Huawei Việt Nam chia sẻ: “5G tác động đến mọi mặt xã hội, những lĩnh vực nào liệt kê tên được đều có thể ứng dụng 5G. Mạng 5G mở ra công nghệ kết nối tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, cho phép ứng dụng hiệu quả thu về lợi nhuận cho nhiều lĩnh vực tương lai. 5G là kết nối giữa máy và máy, mở ra thế giới kết nối rất rộng mở không chỉ dành cho người dùng mà còn dành cho nhiều lĩnh vực khác”.
Công nghệ muốn thay đổi, chuyển đổi cuộc sống thì con người phải thay đổi cách làm việc để phù hợp với xu hướng công nghệ trong thập kỷ mới. Trong năm 2021 - 2025 theo khảo sát tổng quan đánh giá 5G sẽ trở thành một luồng khơi thông tất cả công nghệ.
Triển vọng với ngành logistics
Công nghệ 5G kết hợp với những công nghệ số khác như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối,... sẽ cho phép các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics nói riêng cùng tham gia vào những hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
5G sẽ giúp các doanh nghiệp logistics đang sử dụng thiết bị kết nối vạn vật (IoT) phát triển lên một tầm cao mới
5G sẽ giúp các doanh nghiệp logistics đang sử dụng thiết bị kết nối vạn vật (IoT) phát triển lên một tầm cao mới. Với độ trễ thấp và gần như bằng 0, các nhà cung ứng dịch vụ logistics sẽ có khả năng cập nhật trạng thái từng lô hàng theo thời gian thực. Hiểu được sự chậm trễ tiềm ẩn khi vận chuyển; Sử dụng AI để tối ưu hóa các tuyến đường của đội xe, dựa trên dữ liệu luôn cập nhật nhanh chóng và mới nhất. Từ đó dự báo chính xác khi nào hàng về. Những lợi ích này sẽ giúp gia tăng thông tin vị trí, tối ưu hóa vận chuyển, giảm thiểu sự chậm trễ và giúp khách hàng chuẩn bị tốt hơn để nhận hàng.
Ngoài ra, những thiết bị IoT có kết nối 5G còn có thể giám sát các sản phẩm với các cảm biến IoT chuyên dụng, từ đó cho ra các thông tin hữu ích về các biện pháp như đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, mức ánh sáng, mức khí và khu vực có thể ảnh hưởng đến chất lượng hoặc độ an toàn của các sản phẩm nhạy cảm. Từ đó, cung cấp cho khách hàng chất lượng hàng hóa vượt mong đợi.
Sự ra đời của 5G đã có thể giúp thu hẹp khoảng cách, tối ưu hóa tốc độ và hiệu quả của việc vận chuyển hàng hóa từ trung tâm phân phối đến tay người dùng bằng cách hỗ trợ công nghệ mới như giao hàng bằng máy bay không người lái. Một phi công từ xa có thể lái máy bay không người lái bằng video. Mặt khác, máy bay không người lái thậm chí có thể trở nên hoàn toàn tự chủ, với sự hỗ trợ cảm biến và liên lạc của 5G.
Trong tương lai, robot giao hàng chuyên dụng cũng có thể vận chuyển hàng hóa trong các thành phố và mạng 5G sẽ là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho nhiều công nghệ logistics mới.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc điều hành FPT Software, cho biết: “Việc ứng dụng 5G vào vận hành doanh nghiệp sẽ rất khả thi khi chi phí đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả hoạt động vô cùng cao. Thực tế, trước 5G, doanh nghiệp đã có những giải pháp kết nối khác nhau. Tuy nhiên, đối với 5G, chi phí đầu tư trên 1 trạm phát sóng kết nối sẽ rẻ hơn rất nhiều thay vì đầu tư từ đầu như trước đây. 5G sẽ làm giảm giá thành kết nối, làm cho các ứng dụng về IoT trong logistics trở nên khả thi và dễ dàng chấp nhận hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp logistics đã đến lúc bắt tay vào ứng dụng công nghệ 5G để tạo ra lợi thế cạnh tranh”.