M&A 2020: Thị trường công nghệ bứt phá
Hạ tầng - Ngày đăng : 09:01, 09/02/2021
Bức tranh của thị trường M&A 2020 không hề ảm đạm dù chịu tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19
Tuy nhiên, bức tranh của thị trường M&A 2020 không hề ảm đạm. Những thương vụ trong lĩnh vực công nghệ đã cho thấy phần nào chiến lược kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ tích hợp toàn diện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Thương vụ lớn nhất năm 2020 được công bố là giữa NVIDIA và Arm (Công ty thiết kế chip có trụ sở tại Anh). NVIDIA thâu tóm Arm với trị giá 40 tỷ USD. Arm thiết kế chip cho các công ty như NVIDIA và các đối thủ cạnh tranh của NVIDIA trên toàn cầu. Là một phần của NVIDIA, Arm sẽ tiếp tục vận hành mô hình cấp phép mở trong khi duy trì tính trung lập của khách hàng toàn cầu, vốn là nền tảng cho sự thành công của họ, với 180 tỷ chip được vận chuyển cho đến nay bởi những người được cấp phép.
Thương vụ tiếp theo với trị giá 35 tỷ USD giữa ADM và XilinX. XilinX là công ty chuyên về bộ vi xử lý để sử dụng trong các trường hợp nén video và mã hóa kỹ thuật số. Hai bên đều thuê ngoài sản xuất chip ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ (chủ yếu là tại Đài Loan). Thương vụ thứ ba có trị giá 27,7 tỷ USD giữa Salesforce và Slack. Đây là thương vụ lớn nhất trong M&A trên thị trường công nghệ trên nền tảng web, vượt qua thương vụ của Microsoft mua LinkedIn (26,2 tỷ USD) và chỉ sau mỗi thương vụ IBM mua Red Hat với trị giá 34 tỷ USD vào năm 2018.
Ba thương vụ tiếp theo với trị giá 13 tỷ USD là giữa Morgan Stanley và Etrade, Koch Industries và Infor, Marvell Technologies và Inphi. Ngoại trừ kế hoạch sản xuất chip công nghệ cao phục vụ cho các trung tâm dữ liệu và cơ sở giữa Inphi và Marvell, hai thương vụ còn lại đều là liên quan đến phần mềm, như Infor là nền tảng chuyên về phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) kết hợp với công nghệ điện toán đám mây CloudSuites; ETrade chuyên giao dịch điện tử các công cụ tài chính, từ cổ phiếu phổ thông đến các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF).
Bên cạnh đó, một số thương vụ khác mặc dù đã được thông báo nhưng vẫn chưa có con số trị giá thương vụ được đề cập đến. Trong đó đáng chú ý có thương vụ của Facebook với Scape Technologies (tăng số phần trăm sở hữu vốn cổ phần lên tới 75%). Trong năm 2020, thị trường Việt Nam không có quá nhiều thương vụ M&A nào. Những diễn biến của hoạt động M&A vào năm 2020 hầu hết đều là hoạt động tiếp nối của các thương vụ từ giữa và cuối năm 2019 đầy sôi động. Đáng chú ý nhất trong năm 2020 là việc phát hành cổ phần cho nhà đầu tư của chuỗi cửa hàng thuốc Pharmacity. Pharmacity là dự án được Quỹ Mekong II góp vốn với số vốn điều lệ khoảng 300 tỷ VND (Tháng 02/2020) (VietnamBiz.vn, 2020).
Điểm nổi bật nhất của làn sóng M&A đó chính là các công ty công nghệ với điểm tập trung vào thâu tóm công ty chip công nghệ cao, các công ty có sở hữu danh sách khách hàng toàn cầu, các công ty có nền tảng công nghệ tiềm năng
Bên cạnh đó, các thương vụ M&A từ các doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực vẫn tiếp tục diễn ra mặc dù không có quá nhiều sự chú ý của công chúng. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, tháng 4/2020, Tập đoàn Siam Cement (SGC) đã tuyên bố mua lại Công ty Bao bì Biên Hòa. Công ty Bao bì Biên Hòa là đơn vị cung cấp bao bì carton cho nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam trong các ngành bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, dược phẩm. Tập đoàn SGC cũng nắm lượng lớn cổ phần tại nhiều doanh nghiệp ngành nhựa gia dụng, bao bì như nhựa và hóa chất TPC Vina, Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Vật liệu nhựa Minh Thái, Vật liệu xây dựng Việt Nam (Brandsvietnam.com, 2020).
Trong lĩnh vực công nghệ, tháng 9/2020, một thương vụ khá “yên lặng” giữa Gojek và VCCorp khi mua ví điện tử WePay với số tiền chưa được tiết lộ (Brandsvietnam. com, 2020). Thương vụ này nằm trong kế hoạch Gojek mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam khi Gojek thông báo chính thức hoạt động từ ngày 05/8/2020. Trong lĩnh vực logistics, tháng 12/2020, Công ty Ryobi Việt Nam đã hoàn tất việc mua mới cổ phiếu của Transimex, nắm giữ lên tới 23,7% vốn, là cổ đông riêng lẻ lớn nhất (Vir.com.vn, 2020). Trong lĩnh vực bất động sản, tháng 12/2020, Tập đoàn Nam Long đã mua nốt 30% cổ phần từ Portsville Pte., Ltd. - công ty con 100% vốn của Singapore’s Keppel Land Ltd. trong dự án Đồng Nai Waterfront City và Tập đoàn Nam Long đã trở thành chủ sở hữu duy nhất của dự án khổng lồ này (Vir.com.vn, 2020).
Ở một khía cạnh khác, không phải thương vụ M&A nào cũng có thể thành công. Ví dụ tiêu biểu ở thị trường Việt Nam đó là giữa Tiki.vn và Sendo.vn. Mặc dù đã thông báo cho cơ quan quản lý và đã gần như dàn xếp xong thương vụ nhưng đến phút cuối thương vụ vẫn không hoàn thành. Trong khoảng thời gian cuối năm 2020, tin đồn về thương vụ giữa Grab và Gojek đã có trên một số trang tin điện tử, tuy nhiên, các bên liên quan chưa có bình luận về thương vụ này.