Nghệ An sẽ có ga hàng hóa đường sắt
Hạ tầng - Ngày đăng : 07:32, 06/03/2021
Đoàn công tác của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An khảo sát vị trí xây dựng ga hàng hóa
Khu đoạn đường sắt Hà Nội - Vinh có tổng chiều dài 319,02 km thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh với điểm cuối là ga Vinh Km319+020 thuộc tỉnh Nghệ An. Hiện tại năng lực thông qua có thể của các khu gian Hà Nội - Vinh đều >25 đôi tàu/ngày.đêm. Vào các dịp Lễ, Tết, tuyến đã khai thác hết năng lực có thể, tuy nhiên trong khoảng thời gian còn lại không phải cao điểm thì tuyến vẫn còn chưa khai thác hết với trung bình chỉ từ 14-15 đôi tàu/ngày.đêm.
Nghệ An là một trong tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, có vị trí và vai trò quan trọng trong mối giao lưu kinh tế - xã hội Bắc - Nam, là đầu mối quan trọng trong việc kết nối tuyến đường thông thương ASEAN và Trung Quốc. Trong những năm vừa qua, Nghệ An luôn giữ tốc độ phát triển, tăng trưởng kinh tế cao và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, xây dựng nhà máy, phát triển các ngành công nghiệp.
Hiện nay, Nghệ An đang tập trung phát triển nhiều ngành công nghiệp có thế mạnh như các ngành chế biến thực phẩm - đồ uống, chế biến thuỷ hải sản, dệt may, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, chế tác đá mỹ nghệ, đá trang trí, sản xuất bao bì, nhựa, giấy... Các sản phẩm sản xuất tại các khu công nghiệp này một phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh, phần lớn còn lại được lưu thông tiêu thụ khắp toàn quốc và xuất khẩu ra nước ngoài. Do vậy nhu cầu về vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu đến và đi từ Nghệ An ngày một tăng. Bên cạnh đó, hiện đang có một lượng lớn hàng hóa từ các nước ASEAN đi qua Nghệ An để quá cảnh sang Trung Quốc.
Tỉnh Nghệ An có 94 km đường sắt đi qua và trên địa bàn tỉnh có một hệ thống các ga đường sắt phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa, có hệ thống các đường nhánh nối với một số nhà máy, khu vực và cảng biển (đã bị dỡ bỏ). Thực tế hiện nay, các ga, tuyến đường ray, tuyến nhánh trong ga, chủ yếu được xây dựng từ lâu nên năng lực còn hạn chế. Các ga hiện không có bãi hàng, nhà kho đủ lớn để đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ, lưu trữ bảo quản hàng hóa ngày càng tăng cao. Đặc biệt, tại khu vực TP.Vinh hiện không có ga nào có bãi hàng nào đủ tiêu chuẩn tác nghiệp xếp dỡ container - là hình thức vận chuyển phổ thông hiện nay. Ngay như năm 2020, lượng hàng hóa bốc, dỡ trên địa bàn Nghệ An qua đường sắt chỉ đạt 99.654 tấn, phục vụ 116.994 lượt hành khách, doanh thu 48.171.000.000 đồng, chỉ bằng 51,1% so với năm 2019.
Để nâng cao năng lực vận chuyển đường sắt phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung của đất nước và của tỉnh Nghệ An, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tiến hành khảo sát, đưa vào quy hoạch các địa điểm phù hợp tiến hành xây dựng bãi hàng, khu vực Logistics đường sắt để kết nối với các khu công nghiệp, các trọng điểm hàng hóa và các phương thức vận tải đường bộ, đường biển nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh Nghệ An.
Cơ sở hạ tầng các nhà ga ở Nghệ An hiện chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa
Ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết bên cạnh việc khảo sát xây dựng ga hàng hóa tại Nghệ An thì Tổng Công ty sẽ khảo sát việc xây dựng ga hàng hóa tại các địa phương trong tỉnh để kết nối điểm đi và điểm đến.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh rất hoan nghênh chủ trương xây dựng ga hàng hóa trên cung đường sắt Hà Nội – Vinh của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An thì cả 4 điểm mà đoàn đi khảo sát đều có khả năng để ngành đường sắt đặt vị trí xây dựng ga hàng hóa. Tỉnh sẽ cung cấp các quy hoạch của tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực để Tổng Công ty đường sắt phân tích, xác định vị trí xây dựng nhà ga hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất giao các ban của Tổng Công ty và các sở, ban, ngành của tỉnh Nghệ An cùng phối hợp nghiên cứu để lựa chọn vị trí xây dựng nhà ga hàng hóa hợp lý.
Trước khi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn cán bộ Tổng Công ty đường sắt đã tiến hành đi khảo sát và làm việc tại Ga Chợ Sy (huyện Diễn Châu), khảo sát vị trí đề xuất xây dựng Ga Đò Đao (xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu), khảo sát Ga Mỹ Lý (huyện Diễn Châu), ga Nghi Long (huyện Nghi Lộc).
Sau buổi làm việc này, phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An để hoàn tất Đề án quản lý, khai thác tải sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước làm chủ đầu tư để sớm trình Thủ tướng Chính phủ thông qua.