Bộ Giao thông Vận tải làm việc với tỉnh Nghệ An về phát triển cảng biển, cảng cạn
Hạ tầng - Ngày đăng : 07:24, 13/03/2021
Quang cảnh buổi làm việc
Theo đánh giá thì hạ tầng cảng biển Nghệ An cơ bản được đầu tư, khai thác theo đúng quy hoạch được duyệt. Các bến cảng mới được xây dựng cơ bản theo đúng vị trí trong quy hoạch, được đầu tư trang thiết bị đồng bộ tương ứng với loại hàng khai thác. Tuyến bến, khu nước cảng được đầu tư khai thác đúng trong phạm vi quy hoạch; năng lực và tổ chức khai thác cảng có hiệu quả như bến cảng Vissai, xăng dầu DKC.
Hạ tầng luồng hàng hải khu vực Cửa Lò, khu vực trên sông Lam về cơ bản đáp ứng các yêu cầu tiếp nhận tàu tại các khu bến chính (luồng vào Cảng xăng dầu DKC, luồng vào Cảng Vissai, luồng vào Cảng Bến Thủy). Hạ tầng đê chắn cát tại khu vực Cửa Lò (đê phía Bắc dài 375m, đê phía Nam dài 1.003m) đảm bảo yêu cầu cơ bản về bảo vệ luồng tàu và công trình bến cảng tại đây. Đê chắn sóng tại khu bến nội địa Vissai (hoàn thành đê số 1 dài 400m năm 2020, đang xây dựng đê số 2 dài 660m). Hạ tầng giao thông đường bộ kết nối đến khu vực Cửa Lò tương đối tốt (gần Quốc lộ 1A), tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 46 vào bến số 5, số 6 theo quy hoạch vẫn chưa được đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên việc đầu tư hạ tầng bến cảng tại khu vực Nghệ An còn chưa được như quy hoạch; bến cảng tổng hợp và container phía Bắc Cửa Lò đã khởi công từ năm 2010 đến nay vẫn chưa xây dựng. Vì vậy trong thời gian tới cần khuyến khích, tạo điều kiện để triển khai dự án theo quy hoạch được duyệt cũng như kêu gọi đầu tư hạ tầng cảng biển dùng chung (luồng tàu, đê chắn sóng) tại Đông Hồi…
Ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đã đưa ra định hướng quy hoạch cảng biển Nghệ An năm 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Cảng biển Nghệ An được xây dựng là cảng biển loại I, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và liên Vùng. Cụ thể: Khu bến Nam Cửa Lò gồm vùng đất và vùng nước khu vực hai bên tuyến luồng Cửa Lò (từ hạ lưu đập Bara Nghi Quang ra đến mũi Rồng). Quy mô gồm các bến cảng tổng hợp, bến chuyên dùng, du lịch, bến tàu khách, du thuyền cho tàu đến 30.000 tấn.
Khu bến Bắc Cửa Lò tại phạm vi Bắc Cửa Lò (từ mũi Rồng đến khu vực mũi Gà) với quy mô gồm các bến tổng hợp, rời cho tàu 50.000-100.000 tấn, bến chuyên dùng hàng lỏng tàu 50.000 tấn, tàu khách quốc tế.
Khu bến Đông Hồi từ mũi Đông Hồi giáp Thanh Hóa đến phía Bắc mũi Đầu Rồng (núi Cháy); chức năng là khu bến cảng tổng hợp có bến chuyên dùng phục vụ Khu công nghiệp Đông Hồi và các khu công nghiệp lân cận. Phát triển các bến tổng hợp Đông Hồi hỗ trợ khu bến Nam Nghi Sơn thành cụm cảng Nghi Sơn - Đông Hồi gồm các bến tổng hợp, bến chuyên dùng cho tàu 50.000 tấn đến 70.000 tấn. Trước mắt tập trung đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ các cơ sở công nghiệp tại Đông Hồi.
Khu bến Bến Thủy, Cửa Hội gồm phạm vi khu vực Bến Thủy, Cửa Hội trên sông Lam với quy mô bến tổng hợp, có bến chuyên dùng (xăng dầu Hưng Hòa), cho tàu thiết kế từ 1.000 - 2.000 tấn. Phao neo xăng dầu Nghi Hương với quy mô tiếp nhận tàu 18.000 tấn, tổ chức vận hành khai thác phù hợp với quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.
Sơ đồ quy hoạch cảng biển Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ do Ban tư vấn Bộ Giao thông Vận tải thiết kế
Đơn vị tư vấn cũng đã nêu lên một số kiến nghị, đề xuất: Đối với Khu bến Cửa Lò tại các bến cảng hiện có (số 1, 2, 3, 4, 5), nên tập trung đầu tư nâng cao công nghệ khai thác nhằm tăng năng suất thông qua cảng; ưu tiên khai thác hàng sạch, hàng container để hạn chế ảnh hưởng đến khu dân cư phía sau. Các Nhà đầu tư tại Cảng Cửa Lò tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng bến số 6, triển khai bến số 7, số 8 theo quy hoạch được duyệt, hoàn thành dự án theo tiến độ đã cam kết.
Đồng thời sớm nâng cấp mở rộng luồng Cửa Lò, khu quay trở và công trình bảo vệ thiết yếu đáp ứng cho tàu có trọng tải đến 30.000 DWT ra vào các bến cảng thuận lợi. Sớm nghiên cứu đầu tư trung tâm logistic, Khu hậu cần sau cảng để hỗ trợ luân chuyển hàng hóa đa phương thức và hoàn thiện kết nối hạ tầng với cảng biển theo quy hoạch... Đối với Khu bến Đông Hồi, cần tập trung đầu tư xây dựng các bến cảng phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp tại Đông Hồi, các khu công nghiệp khác vùng Bắc, Tây Bắc Nghệ An và các vùng phụ cận.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật phát biểu gợi ý một số hướng để các sở, ngành và UBND tỉnh Nghệ An góp ý bổ sung vào quy hoạch cảng giai đoạn mới
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Hông Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đánh giá, Nghệ An có lợi thế về phát triển kinh tế biển nhưng hiện nay việc khai thác các nguồn lợi kinh tế từ biển vẫn còn nhiều hạn chế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cơ bản đồng tình với quy hoạch được đề xuất. Bên cạnh góp ý của các ngành tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị trong quy hoạch cần bổ sung quy hoạch về bến du lịch, bến hành khách. Cần lồng ghép quy hoạch cảng với quy hoạch đường sắt, quy hoạch đường bộ… Đối với việc nạo vét luồng lạch tại Cảng Cửa Lò, đồng chí Lê Hồng Vinh thống nhất với phương án nạo vét mà Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của tỉnh để hoàn thiện quy hoạch, đây là quy hoạch mở có tính đến tương lai. Việc xây dựng quy hoạch phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó tỉnh Nghệ An cũng cần kêu gọi các nhà đầu tư lớn để xây dựng các cảng biển phù hợp.