Kêu gọi đầu tư PPP sân bay Quảng Trị có khả thi?

Hạ tầng - Ngày đăng : 08:25, 25/03/2021

(VLR) Một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng đã đặt vấn đề đầu tư vào sân bay Quảng Trị, song nhiều chuyên gia vẫn lo ngại hiệu quả kinh tế...

Theo quy hoạch, vị trí sân bay Quảng Trị cách sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) và Đồng Hới (Quảng Bình) chỉ khoảng 90km (Trong ảnh: Phối cảnh sân bay Phú Bài sau khi được nâng cấp mở rộng đường băng, đường lăn, sân đỗ và nhà ga)

Theo quy hoạch, vị trí sân bay Quảng Trị cách sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) và Đồng Hới (Quảng Bình) chỉ khoảng 90km (Trong ảnh: Phối cảnh sân bay Phú Bài sau khi được nâng cấp mở rộng đường băng, đường lăn, sân đỗ và nhà ga)

UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư CHK Quảng Trị theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng đã đặt vấn đề đầu tư vào sân bay này, song nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về hiệu quả kinh tế, thu hút khách.

Rốt ráo tạo mặt bằng sạch để thu hút nhà đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đồng thời giao tỉnh này làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.

“CHK Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quy hoạch Phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 236. CHK Quảng Trị được xác định là dự án động lực quan trọng của tỉnh Quảng Trị cần đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025”, ông Hưng nói và cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị đã chủ động ưu tiên nguồn lực của địa phương thực hiện công tác cắm mốc quy hoạch sử dụng đất và GPMB.

Mới đây nhất, hôm 10/3, HĐND tỉnh Quảng Trị cũng đã ra Nghị quyết bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công năm 2021 dự án GPMB xây dựng CHK Quảng Trị (giai đoạn 1), đồng thời phê duyệt chủ trương đầu tư dự án GPMB xây sân bay.

“Nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác cắm mốc quy hoạch sử dụng đất, GPMB, triển khai thực hiện dự án, tận dụng các nguồn lực sẵn có của địa phương như quỹ đất sạch, hạ tầng kết nối... và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT sớm phê duyệt chủ trương”, ông Hưng đề xuất.

Khẳng định quy hoạch CHK Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 188, lãnh đạo Cục Hàng không VN nhấn mạnh, quy hoạch xác định rõ CHK Quảng Trị là CHK nội địa trong hệ thống mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc, cấp sân bay 4C, sân bay quân sự cấp II, công suất 1 triệu khách/năm.

Bên cạnh đó, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT xin ý kiến các bộ, ngành cũng định hướng CHK Quảng Trị là CHK nội địa nằm trong hệ thống CHK, sân bay toàn quốc, đến năm 2030, công suất thiết kế dự kiến 1 triệu khách/năm.

“Vì vậy, việc đầu tư xây dựng mới CHK Quảng Trị là phù hợp với quy hoạch được duyệt cũng như dự kiến phát triển tại quy hoạch ngành đang được các Bộ ngành nghiên cứu, xem xét”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nói và nhấn mạnh: Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn chế, việc đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị theo hình thức đối tác công - tư như đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị là thực hiện theo nhiệm vụ đã được Nghị quyết Chính phủ đề ra trong việc huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Cần phải nói rằng, nếu đề xuất của Quảng Trị được chấp thuận thì đây sẽ là sân bay thứ hai được đầu tư toàn bộ theo hình thức PPP (Nhà nước chỉ tạo mặt bằng sạch), sau sân bay Vân Đồn.

Huy động PPP có khả thi?

Vấn đề đặt ra là nếu có sân bay thì lượng khách tiềm năng của Quảng Trị sẽ đến từ đâu, nhất là khi sân bay này chỉ cách 2 sân bay lân cận là Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) và Đồng Hới (Quảng Bình) khoảng 90km.

Thậm chí sân bay Phú Bài cũng đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng cả đường băng, đường lăn, sân đỗ và nhà ga. Khi đó, việc kêu gọi đầu tư sân bay này theo hình thức PPP liệu có khả thi?

Thực tế, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch TCT Cảng hàng không VN (ACV) - DN đang quản lý, khai thác 21 CHK, sân bay trên cả nước cũng khẳng định, các sân bay phải có các đường bay đi quốc tế mới có hiệu quả về tài chính.

Bởi hiện nay giá thu dịch vụ từ bay nội địa rất thấp, không bù được chi phí nhưng cũng không thể nâng quá cao vì sẽ mất đi vai trò, vị trí của vận tải hàng không với sự phát triển KT-XH. Do đó, phải lấy từ bay quốc tế bù cho quốc nội, lấy sân bay lớn bù cho sân bay nhỏ.

Bất chấp những “rào cản” trên, theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, hiện đã có khá nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đặt vấn đề đầu tư vào sân bay này. Trong số này, có 2 cái tên đáng chú ý là CTCP Tập đoàn FLC và CTCP Tập đoàn T&T.

“Không tự nhiên mà các tập đoàn lớn vẫn muốn ngấp nghé sân bay này. Nếu thuần tuý kinh doanh, hàng loạt sân bay trong hệ thống cảng mà ACV đang khai thác không mang lại lợi nhuận. Hay nói cách khác, nhiều CHK tại địa phương chỉ mang lại hiệu quả phát triển KT-XH cho địa phương, không cho lợi ích của chính CHK đó. Như việc SunGroup đầu tư vào Vân Đồn cũng là cân đối từ hiệu quả chung, không đơn thuần chỉ trông chờ vào tiền thu từ dịch vụ hàng không. Có Vân Đồn, lợi ích đầu tư của SunGroup trong khu vực đó sẽ phải tăng lên”, một chuyên gia phân tích và cho biết, dễ dàng nhận thấy với Vân Đồn, SunGroup tìm cơ hội phát triển sân bay như một thành phố sân bay với nhiều khu vực phụ trợ, dịch vụ phi hàng không.

Đầu năm 2021, Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch CHK Quảng Trị là cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Quy mô sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II; công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Sân bay Quảng Trị có diện tích sử dụng đất là 316,572ha tại các xã Gio Quang, Gio Mai, huyện Gio Linh.

Báo Giao thông