Nhiều tỉnh, thành phía Nam nghiên cứu xây cao tốc
Hạ tầng - Ngày đăng : 08:46, 25/06/2021
Nhiều tỉnh, thành phía Nam nghiên cứu xây cao tốc
69km nối kết nối TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành
Ngày 24/5/2021, Tập đoàn Đèo Cả đã làm việc với tỉnh Bình Phước về các giải pháp đầu tư cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016, tuyến đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 69km, dự kiến đầu tư mới quy mô 6 - 8 làn xe cao tốc, tổng mức đầu tư khoảng 24.150 tỷ đồng và thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030.
Dựa trên phương án quy hoạch, Tập đoàn Đèo Cả đã phân tích, đánh giá các chỉ tiêu để điều chỉnh lại phương án tuyến, quy mô và tổng mức đầu tư. Tại buổi làm việc, Tập đoàn Đèo Cả đã trình bày 2 phương án tuyến mới cho cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành để Bình Phước có cơ sở đối chiếu, so sánh. Ở phương án 1, dự án có chiều dài 33km, quy mô 04 làn xe ô tô, tổng mức đầu tư dự kiến 6.900 tỷ đồng. Phương án 2, dự án có chiều dài 67km, quy mô 04 làn xe ô tô, tổng mức đầu tư dự kiến 21.236 tỷ đồng và được chia thành 2 dự án thành phần.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nêu các kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án mà Tập đoàn Đèo Cả đã, đang triển khai, để tư vấn cho tỉnh tổ chức thực hiện dự án. Trong bối cảnh Luật PPP mới ra đời vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện, nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, nguồn vốn tín dụng dành cho đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT ngày càng bị thắt chặt… thì giải pháp tối ưu nhất để triển khai dự án là thực hiện theo phương thức “3 chữ P”.
Cụ thể, P1 - Vốn ngân sách Nhà nước, thể hiện sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương, thống nhất phương án tuyến, cơ cấu vốn địa phương, Trung ương và vốn cần kêu gọi để định hướng cho việc khai thông huy động vốn P2 và P3. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo Dự án của ba tỉnh do Bí thư tỉnh Bình Phước đứng đầu và tạo ra quỹ đầu tư cao tốc. P2 - Vốn chủ sở hữu, chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính để cùng địa phương lập quy hoạch và quản lý. P3 - Vốn huy động khác, xác định phương án đầu tư, nhu cầu vốn và các tiềm năng, lợi thế của địa phương có dự án đi qua hỗ trợ tạo nguồn đầu tư cao tốc như bất động sản, đô thị công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, logistics… thuận lợi trong việc kêu gọi vốn.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đánh giá cao các giải pháp mà Đèo Cả đã nghiên cứu và cho rằng cả 2 phương án đưa ra đều hiệu quả bởi giảm được đáng kể về tổng mức đầu tư so với các nghiên cứu đề xuất trước đây. Mô hình “3 chữ P” sáng tạo và mang tính chất thực tiễn, là chìa khóa để giải quyết bài toán đầu tư hạ tầng trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. “Trong một thời gian ngắn nhưng Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra một bản giới thiệu, tư vấn về cách làm rất chi tiết, cụ thể, nhiều thông tin quý giá. Bản báo cáo vừa thực tiễn, vừa tổng kết được các kinh nghiệm thực tiễn, tôi đánh giá rất cao tư vấn, các ý kiến của Tập đoàn Đèo Cả”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nhấn mạnh.
Tuyến “xuyên tâm” An Hữu - Cao Lãnh
Ngày 25/5/2021, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Lưu Xuân Thủy đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về việc đầu tư tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Theo phương án của nhà đầu tư, đây sẽ là tuyến cao tốc trục ngang song song với QL 30 đoạn qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, có điểm đầu kết nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung, điểm cuối kết nối với Quốc lộ N2 đoạn Mỹ An - Cao Lãnh (thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây trong tương lai). Dự án có chiều dài tuyến 28km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc mới sẽ chia sẻ áp lực lưu lượng với QL 30 hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Đồng thời, An Hữu - Cao Lãnh là tuyến kết nối các trục giao thông dọc và ngang, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, là trục động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng khu vực Đồng Tháp Mười nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Mô hình “3 chữ P” của Tập đoàn Đèo Cả rất sáng tạo và mang tính chất thực tiễn, là chìa khóa để giải quyết bài toán đầu tư hạ tầng trong bối cảnh ngân sách eo hẹp
Về phương án tổ chức thực hiện, ông Lưu Xuân Thủy đề xuất 2 phương án. Phương án thứ nhất, bổ sung đoạn cao tốc An Hữu - Cao Lãnh vào dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dự kiến hoàn thành cuối năm 2021) nhằm tận dụng được các nguồn lực về tài chính, nhân sự và thiết bị sẵn có tại dự án này, từ đó rút ngắn thủ tục và thời gian hoàn vốn cho dự án. Phương án 2, triển khai đầu tư dự án mới theo phương thức PPP thông thường, giao UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Các phương án đề xuất của Tập đoàn cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng thuận từ đại diện các sở ngành của tỉnh. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đầu tư xây dựng dự án và kỳ vọng của người dân địa phương. “Chúng tôi cũng rất muốn triển khai đầu tư ngay dự án này, đề nghị nhà đầu tư khảo sát phương án, tính toán cụ thể lộ trình và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị… để công bố cho người dân được biết là điều rất tuyệt vời”, ông Nghĩa nói.