Nông dân bán hàng trên môi trường số
Hạ tầng - Ngày đăng : 14:15, 13/09/2021
Thời gian gần đây, không khó để bắt gặp nhiều nông dân livestream, giới thiệu các sản phẩm ngay tại trang trại, khu vườn của mình
Nông sản trên môi trường số
Đại dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, chuỗi cung ứng đứt gãy nghiêm trọng khiến tình hình tiêu thụ nông sản rơi vào trạng thái bế tắt, việc kết nối với các thị trường xuất khẩu lớn của nước ta như Trung Quốc, EU, Mỹ cũng gặp khó khăn, cộng thêm những tác động mạnh mẽ của hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ,… khiến cho nền nông nghiệp nước ta đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức.
Bên cạnh việc chú trọng khai thác thị trường nội địa, đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến thì chuyển đổi số được xem là xu thế tất yếu cho ngành nông nghiệp thời điểm hiện tại và cả tương lai. Một trong những giải pháp hiệu quả cho khâu tiêu thụ nông sản hiện nay chính là đưa các sản phẩm lên các sàn TMĐT. Điều này không chỉ giúp đảm bảo duy trì lưu thông nông sản trong bối cảnh dịch bệnh mà còn cắt đứt những khâu trung gian không cần thiết, thúc đẩy bình đẳng trong chuỗi giá trị.
Thời gian gần đây, không khó để bắt gặp nhiều nông dân livestream, giới thiệu các sản phẩm ngay tại trang trại, khu vườn của mình, từ trứng gà, rau củ quả cho đến các loại trái cây chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh trên các nền tảng số. Với cách thức này, nông dân có thể dễ dàng tiếp cận những khách hàng có nhu cầu. Người mua cũng dễ dàng đặt hàng, theo dõi được quy trình thu hoạch, đóng gói, bảo quản,…
Nếu như trước đây, người tiêu dùng ở Cà Mau, Đà Lạt muốn mua vải thiều Bắc Giang tươi ngon, chở đến tận nhà là điều bất khả thi. Thì năm nay câu chuyện đã hoàn toàn khác, người tiêu dùng dù ở bất kỳ đâu trên mảnh đất Việt đều hoàn toàn có thể đặt mua vải tươi Bắc Giang và giao tại nhà trong vòng 48 tiếng.
Khi mua hàng trên các trang thương mại điện tử, người tiêu dùng đang đặt niềm tin vào người nông dân vì họ không được dùng thử, không được tận mắt thấy sản phẩm cho đến khi được giao đến. 30% Chính vì thế, nông dân bán hàng cần đảm bảo đúng cam kết chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong phần giới thiệu cũng như đảm bảo các công đoạn thu hoạch, bảo quản… Có như thế mới tạo được niềm tin từ người tiêu dùng.
Theo báo cáo sơ kết công tác quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong vòng 6 tháng đầu năm, đã có hơn 15.600 nông sản lên các sàn thương mại điện tử, với hơn 8.000 hộ nông dân tại nhiều tỉnh/ thành tham gia. Tổng giá trị sản phẩm nông sản giao dịch trên sàn thương mại điện tử đạt 944 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ 2020. Và lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” qua sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp trong nước.
Giúp nông dân chuyển mình
Chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và đưa nông sản lên sàn TMĐT nói riêng là vấn đề đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa nhiều bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là quá trình thay đổi thói quen, nhận thức của nông dân - người đang nắm giữ chìa khóa chính cho sự thành công.
Đồng hành, hỗ trợ, phối hợp giúp nông dân chuyển mình
Do quen thuộc với cách thức bán hàng truyền thông thông qua thương lái nên quá trình đưa nông sản lên sàn TMĐT tại nhiều địa phương, nhiều hộ nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, những hạn chế lớn nhất phải kể đến là việc tiếp cận công nghệ bán hàng (đăng ký tài khoản, cách thanh toán trực tuyến), đặt biệt là kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại.
Ngày 21/7 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Các sàn TMĐT tham gia hỗ trợ gồm sàn postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) và sàn voso.vn (Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel).
Theo đó, chú trọng hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác (SXNN) đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ hộ SXNN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian. Thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ SXNN như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân… Lựa chọn đưa lên sàn TMĐT các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ SXNN.
Các bộ, sở, ban ngành liên quan tại các địa phương tổ chức hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn nông dân đăng ký tài khoản đưa sản phẩm nông nghiệp cũng như thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn TMĐT; hướng dẫn thực hiện đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ SXNN tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT.
Đồng thời, các sàn TMĐT cần nâng cấp công nghệ để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại mỗi tỉnh. Khi một hộ lên sàn phải có chuẩn hóa đầy đủ thông tin về tài khoản, hồ sơ hộ nông dân, ID… nền tảng phải được chuẩn hoá để là nền tảng phát triển kinh tế số chung.