Quá hạn ký hợp đồng tín dụng dự án PPP cao tốc Bắc - Nam: Xử lý sao?
Hạ tầng - Ngày đăng : 14:44, 21/12/2021
Hết giờ nhưng chưa “thu bài”
Từ tháng 5/2021 - 7/2021, Bộ GTVT đã ký hợp đồng 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Theo Nghị quyết 20/NQ-CP về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và tịch thu tiền bảo đảm. Ví dụ, đối với dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, quỹ bảo lãnh là 266 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, mới chỉ có Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã hoàn thành việc huy động vốn để thực hiện dự án nhờ đa dạng nguồn vốn, không phụ thuộc hoàn toàn vào tín dụng. 2 dự án còn lại đã hết hạn 6 tháng nhưng tiến trình ký kết hợp đồng tín dụng với các ngân hàng vẫn còn trong giai đoạn thẩm định để cho vay. Đại diện nhà đầu tư đoạn Nha Trang - Cam Lâm là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết hiện nhà đầu tư và ngân hàng đang nỗ lực để cuối tháng 12/2021 có thể ký kết hợp đồng tín dụng. Nhà đầu tư đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt cũng đang đề nghị gia hạn thời gian huy động tín dụng đến ngày 13/02/2022.
Về phía Bộ GTVT, đến nay vẫn chưa chính thức đặt dấu chấm hết cho hợp đồng BOT đối với 2 dự án này. Ngày 06/12/2021, Bộ GTVT đã có văn bản số 12942/BGTVT-ĐTCT gửi nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án về việc huy động vốn đầu tư cho dự án Nha Trang - Cam Lâm. Theo đó, yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh rà soát các thủ tục để đơn phương chấm dứt hợp đồng, kịp thời đề xuất, báo cáo Bộ GTVT theo quy định.
Bộ GTVT cũng đã thẳng thắn phê bình nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, dù đây là dự án rất lớn và có nhiều hạng mục phức tạp nhưng bộ máy chỉ đạo chưa đủ, thiếu và yếu. Đồng thời, phê bình Ban QLDA 6 thiếu kiểm tra và có giải pháp hiệu quả kiên quyết với Nhà đầu tư, yêu cầu rà soát kỹ Hợp đồng BOT đã ký kết, xác định rõ các nguyên nhân chậm nếu do Nhà đầu tư thì thực hiện chấm dứt Hợp đồng.
Nguy cơ chuyển đổi hình thức đầu tư, chậm tiến độ
Việc chấm dứt hợp đồng BOT không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ chung của toàn dự án cao tốc Bắc – Nam. Đơn cử như dự án cao tốc đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, sau khi chuyển từ PPP sang đầu tư công phải đến tháng 7/2021 mới có thể khởi công gói thầu đầu tiên, chậm hơn các dự án đầu tư công khoảng 2 năm.
Tháng 11/2021, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần thay vì lựa chọn một số dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Đề xuất trên không phải không có cơ sở khi 5/11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã phải chuyển hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công do không huy động được vốn tín dụng. Và thực tế 2 dự án chưa huy động được vốn kể trên cũng cho thấy rào cản đối với các dự án PPP vẫn đang rất lớn.
Theo ông Nguyễn Đăng Trương - Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ KHĐT), đa số các nhà đầu tư PPP hiện nay là các nhà thầu nên năng lực còn hạn chế, đầu tư vài dự án có thể hết năng lực tài chính dẫn tới khả năng huy động vốn gặp khó khăn. Hiện vốn huy động của các nhà đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng của các ngân hàng thương mại, chưa khơi thông được vốn tín dụng quốc tế dẫn tới chi phí lãi vay cao.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm có vượt qua khó khăn để tiếp tục đầu tư theo phương thức đối tác công - tư? Phương án nào để tránh vòng lặp chuyển đổi phương thức đầu tư vẫn là bài toán khó cho Bộ GTVT và các nhà đầu tư.