Dư địa tăng trưởng của kho vận lạnh dự kiến lên tới 12%/năm

Hạ tầng - Ngày đăng : 08:29, 11/03/2022

(VLR) Lĩnh vực kho vận lạnh tại Việt Nam trong hai năm gần đây đã đạt được sức hút mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi những đơn hàng xuất nhập khẩu thuốc và vaccine, cùng với sự tăng trưởng 'vũ bão' của giao nhận thực phẩm và thương mại điện tử dự kiến đạt 15 tỷ USD năm 2025, theo báo cáo e-Conomy của Google và Temasek.

Nhu cầu bảo quản thực phẩm đang thúc đẩy kho vận lạnh phát triển

Nhu cầu bảo quản thực phẩm đang thúc đẩy kho vận lạnh phát triển

Nhu cầu kho vận lạnh gia tăng

Theo giới phân tích, thu nhập khả dụng của tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo cho phép người tiêu dùng có nhiều nhu cầu tiếp cận các sản phẩm hữu cơ tươi ngon và chất lượng hơn. Nhờ đó, nhu cầu kho vận lạnh gia tăng, đẩy mạnh xu hướng đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh và cơ hội phát triển mới.

Báo cáo của Cushman & Wakefield (C&W) gần đây ghi nhận đã có một lượng lớn tài sản thanh khoản cao ở những thị trường mới nổi và phát triển tại Châu Á (bao gồm Việt Nam). Các nhà đầu tư sáng suốt vẫn đang nóng lòng tìm cơ hội để bước chân vào phân khúc ngách này, thông qua những dự án đầu tư mới hay mua bán sáp nhập.

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc của C&W Việt Nam nhận định: So với các thị trường phát triển trong khu vực, thị trường chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ và manh mún. Thị trường chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam đạt khoảng 169 triệu USD vào năm 2019. Trong bối cảnh ngành kho vận lạnh bùng nổ để phục vụ nhu cầu phân phối vaccine cũng như tăng trưởng trong chế biến thủy sản và nhu cầu tiêu dùng, thị trường dự kiến sẽ chạm mốc 295 triệu USD vào năm 2025, tức là tăng trưởng khoảng 12% hàng năm.

Cơ hội cho doanh nghiệp đón đầu

Kho lạnh nhìn chung tập trung thành cụm, hầu hết trong các khu công nghiệp hoặc trong các cảng sông, cảng biển. Hai nhánh chính của thị trường trong nước là kho lạnh thương mại và các kho lạnh tự vận hành. Thị trường kho lạnh phát triển hơn ở khu vực phía Nam, phần lớn là do sự phát triển của ngành thủy sản và nông nghiệp.

“Do sự khan hiếm về từng loại kho lạnh chuyên biệt, nhu cầu có thể sẽ vượt cung, nên khả năng tăng giá sẽ cao hơn. Mặc dù chi phí đầu tư vào trang thiết bị kho lạnh ngày càng tốn kém do chi phí lắp đặt vật liệu cách nhiệt và máy móc, nhưng giá thuê cao lại là động lực mạnh mẽ để các chủ đầu tư sẵn sàng xây dựng các dự án kho lạnh. Các nhà đầu tư và chủ tài sản cũng có thể cân nhắc phương án chuyển đổi kho thông thường thành kho lạnh để khai thác phần chênh lệch phí thuê,” bà Trang Bùi chia sẻ.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi các doanh nghiệp trong ngành nông sản, thủy sản tại Việt Nam đang chủ động đầu tư cho hệ thống kho lạnh. Theo đó, các doanh nghiệp như Thaco, Minh Phú, Sotico, Vina T&T… đã đón đầu mở nhiều kho lạnh trong các năm gần đây. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ kho lạnh như ABA Cooltrans, Tân Bảo An logistics... cũng mạnh tay đầu tư xây kho lạnh ở nhiều địa phương. Trong đó, ABA Cooltrans ngoài hệ thống kho lạnh hiện hữu ở TP. Hồ Chí Minh đang dự định sẽ mở thêm các DC gần khu vực, vùng tiêu thụ, khu đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Song song đó sẽ mở rộng thêm đội xe lạnh để khép kín mô hình vận chuyển, mang đến giải pháp trọn vẹn cho khách hàng.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thử thách để có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo. Các thách thức này gồm chi phí đầu tư, logistics và chuyên môn của doanh nghiệp. Cụ thể, theo ông Nguyễn Đình Tùng Chủ tịch HĐQT của Vina T&T, dù doanh nghiệp này đang chủ động đầu tư các kho lạnh để bảo quản nông sản xuất khẩu trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy do đại dịch song chi phí để đầu tư cho kho lạnh hiện rất cao, lên tới hàng chục tỷ đồng nên việc đầu tư chưa được nhiều.

Ngoài ra, ông Lương Quang Thi - CEO của ABA Cooltrans cho hay, việc đầu tư cho chuỗi cung ứng lạnh lại có nhiều rào cản như chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi bên tham gia phải có chuyên môn về bảo quản nhiệt độ. Ngoài ra, để tạo lợi thế cạnh tranh, cung cấp giải pháp trọn vẹn, khép kín, các công ty phải đầu tư mạnh về kho lạnh, xe lạnh và những hệ thống thiết bị khác.

Trong trung và dài hạn, theo C&W, phát triển cơ sở hạ tầng là chìa khóa để tăng nguồn cung chuỗi lạnh, bao gồm các trung tâm kho vận chuyên biệt, kết nối đa phương thức. Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm cả thời gian và chi phí vẫn còn cần nhiều cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu vẫn đang kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.

Dữ liệu cập nhật của Savills Việt Nam cho thấy, hiện công suất khai thác kho lạnh tại Việt Nam đạt 0,116 m3/đầu người, cao thứ 03 trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương, sau Trung Quốc (0,132 m3/đầu người) và Nhật Bản (0,315 m3/đầu người), nhưng vượt trội gấp 1,4-3,1 lần so với Australia và Philippines. Hiện tại, bán lẻ thương mại hiện đại được cho là đòn bẩy chính cho ngành này vì khoảng 80% nhu cầu đến từ các ngành thực phẩm.

Báo Công Thương