Logistics: Nguồn thu khổng lồ đang

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Ngày 30-3 đã diễn ra Diễn đàn "Logistics và Dịch vụ cảng biển Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chỉ ra nhiều yếu kém của lĩnh vực Logistics trong nước. Điều này làm cho nguồn thu trên cứ "âm thầm chảy" vào túi các nhà đầu tư nước ngoài.

Logistics chiếm 25% GDP của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Logistics là một hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền, hiệu quả của quá trình này có tầm quan trong quyết định đến tính cạnh tranh công nghiệp và thương mại mỗi quốc gia. Đối với những nước phát triển như Nhật, Mỹ, chi phí Logistics chiếm từ 10% - 13% GPD, với những quốc gia đang phát triển khoảng 15% - 20%. Riêng ở Việt Nam, các số liệu thống kê cho thấy, Logistics chiếm khoảng 25% GDP, trong đó vận tải chiếm khoảng 50% – 60%

Từ khi Luật Thương mại năm 2005 đi vào hiệu lực, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường Logistics đã phát triển nhanh chóng mà chủ yếu bắt đầu từ một số doanh nghiệp giao nhận quốc doanh. Đến nay, đã có khoảng trên 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải và Logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước đa phần rất nhỏ nên hạn chế về vốn, nguồn nhân lực, công nghệ...

Với lợi thế về vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới, nằm sát Biển Đông với trên 3.200 km bờ biển, là điểm kết nối giữa các nước Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Việt Nam có tiềm năng để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ Logistics, trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực và thế giới. Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam bao gồm 26 sân bay trong đó có 8 sân bay có đường băng dài 3.000m có khả năng đón nhận các máy bay cỡ lớn; có 3.200 km đường sắt quốc gia, khoảng 17.300 km đường bộ quốc lộ, 49 bến cảng với 217 cầu cảng... Rõ ràng tiềm năng để phát triển Logistics là rất lớn.

70% nguồn thu rơi vào "túi" các doanh nghiệp nước ngoài

Nguồn thu khổng lồ của Logistics đang thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài mà chủ yếu thuộc các tên tuổi lớn như APL, NYK Logistics Mitsui OSK, Maerk Logistics... Theo các chuyên gia trong nước, họ có khả năng cạnh tranh lấn lượt, bởi đơn giản là họ có tiềm lực, và kinh nghiệm truyền thống, họ đã trở nên chuyên nghiệp khống chế thị trường quốc tế.

Giải thích về sự bất hợp lý này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, mặc dù đã được chú ý đầu tư, nhưng đến nay, ngành này ở Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé, ngoại trừ vài chục doanh nghiệp quốc doanh và cổ phần đang ở dạng tương đối. Trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, chủ yếu mua bán cước tàu biển, cước máy bay, đại lý khai quan và dịch vụ xe tải, một số có thực hiện dịch vụ kho vận nhưng không nhiều. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ hoạt động chủ yếu trong phạm vi nội địa. Mặt khác, các doanh nghiệp này hoạt động còn rất độc lập, thiếu tính liên kết. Hiện tai, Việt Nam đang thiếu một đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản trong ngành Logistics chuyên nghiệp.

Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, làm cho các chi phí Logistics cao hơn hẳn các nước khác. Bản thân các công ty Logistics sẽ tốn nhiều chi phí đầu tư, làm giảm lợi nhuận của họ cũng như khả năng mở rộng dịch vụ.

Việc phát triển Logistics điện tử chưa được quan tâm đúng mức. Đây chính là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù họ đã có nhiều ý thức trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của mình nhưng điều này vẫn còn kém xa so với các công ty Logistics nước ngoài.

Bổ sung vào sự "yếu ớt" của ngành Logistics trong nước, ông Nguyễn Tương – Nguyên Trưởng ban Ban Quan hệ với Asean, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giao thông-Vận tải) cho hay, các nhà dịch vụ Logistics của Việt Nam cạnh tranh về giá thay cho chất lượng, họ không đủ năng lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đành phải quay trở lại cạnh tranh nội bộ. Kết quả là tự làm yếu nhau trước các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Sự hạn chế về chất lượng dịch vụ, thi nhau giảm giá dịch vụ để lôi kéo khách hàng, qua đó càng làm chênh lệch xa giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics nội và ngoại.

Bên cạnh đó, chúng ta chưa có sự đồng bộ trong các luật và quy định về Logistics cho nên chưa phát huy được hiệu quả về hoạt động cung cấp dịch vụ Logistics ở Việt Nam. Chưa có một cơ quan chuyên nghiệp đảm trách việc phát triển Logistics, "chúng ta chưa có một chiến lược phát triển Logistics của Việt Nam".

Theo QUỐC ĐỊNH

TP Logistics

Hồng Út