Cuộc đua đầu tư cảng biển sẽ chấm dứt
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
CôngThương - Hội nghị thường niên năm 2012 do Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) đã thu hút gần 400 đại biểu của 59 cảng biển trên toàn quốc đến tham dự. Báo cáo của VPA cho biết, tình hình suy thoái kinh tế trong những năm vừa qua đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các cảng biển Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng hàng hoá thông qua các cảng biển thuộc VPA giảm từ 19% năm 2008 xuống còn 4% trong năm 2011. Khối lượng hàng nhập/xuất qua các cảng VPA trong năm 201 chỉ đạt hơn 159 triệu tấn, hàng container tăng được 8% (năm 2010 tăng 18%) với gần 7,2 triệu TEU thông qua. Trong đó, các cảng khu vực miền Nam tiếp tục dẫn đầu lượng hàng hóa thông qua cảng, chiếm hơn 66% khối lượng hàng hóa cả nước, khu vực miền Bắc chiếm khoảng 30%, còn lại là khu vực cảng biển miền Trung. Về tốc độ tăng trưởng, khu vực miền Nam giảm 4,5%, khu vực miền Bắc tăng 13%, miền Trung tăng 15% so với năm 2010. Về cơ cấu hàng xuất nhập khẩu, lượng hàng nhập khẩu giảm 13%, trong khi hàng xuất khẩu xuất siêu 1 triệu tấn. Hàng nội địa chiếm 26%, tăng 2% so với năm 2010.
Mặc dù vậy, theo các thành viên của VPA, những kết quả này chưa phản ánh hết tiềm năng và lợi thế của hệ thống cảng biển trong cả nước, mà nguyên nhân chính được xác định là các cảng thành viên chưa thực sự có sự phối hợp để hoạt động, từ đó dẫn đến việc cạnh tranh lẫn nhau, khiến cho nhiều hợp đồng rơi vào đối tác nước ngoài. Đặc biệt, dưới sức ép từ các hãng tàu, nhà đầu tư, dẫn đến tình trạng cạnh tranh về giá cả không lành mạnh ở các cảng nước sâu. Cơ sở hạ tầng ngoài cảng chưa phát triển và thiếu đồng bộ khiến cho thời gian vận chuyển hàng hóa về cảng kéo dài và chi phí tăng. Nhiều cảng container đã đưa vào khai thác, nhưng giao thông kết nối chưa hoàn chỉnh, nhiều tiện ích và hệ thống dịch vụ hỗ trợ đi kèm không đầy đủ và sẵn sàng, đã làm tăng chi phí và rủi ro cho các nhà đầu tư, gây khó khăn cho các đơn vị xuất nhập khẩu.
Ông Lê Quang Minh, Chủ tịch VPA cho rằng, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của cảng biển là sự không đồng bộ về hạ tầng giao thông. Đây là vấn đề được đề cập đến tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị trước đây, song vẫn chưa có giải pháp mạnh để tháo gỡ. Nhiều dự án cảng mới đang được nhà đầu tư xúc tiến nhanh nhưng kết nối giao thông hậu phương, cũng như những tiện ích và hệ thống dịch vụ hỗ trợ đi kèm còn thiếu, làm tăng chi phí và rủi ro cho các nhà đầu tư, gây khó khăn cho các đơn vị xuất nhập khẩu và tác động tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở hậu phương cảng.
Bên cạnh đó, cơ chế quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và luồng hàng hải với vai trò điều phối của cảng vẫn chưa được hoàn chỉnh. Cơ chế hợp tác công tư (PPP) và chiến lược phát triển vùng miền vẫn chưa có một đầu mối chịu trách nhiệm chính để kêu gọi, thu hút vốn đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng lớn, chưa có hành lang pháp lý phù hợp để tạo thêm động lực và huy động nguồn lực tổ chức thực hiện nhanh và bền vững chiến lược kinh tế biển.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, cần có những giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của các cảng biển Việt Nam. Phải xem phát triển và khai thác hạ tầng cảng biển là một chiến lược mũi nhọn trong phát triển dịch vụ kinh tế biển. Không chỉ đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, giao thông, các địa phương cần phải tập trung đầu tư các vùng kinh tế mở, các khu công nghiệp ở hậu phương cảng, hệ thống dịch vụ hỗ trợ về thương mại, tài chính, logistics... Quy hoạch phát triển cảng biển cần có tầm nhìn dài hạn, ít nhất là trên 50 năm để tránh tình trạng phân mảnh và chiếm dụng đất hậu phương cảng như hiện nay.
Ngoài ra, cần phải có quy hoạch tổng thể về hệ thống cảng biển của cả nước, xác định các cảng chuyên dùng, quy mô, vị trí các cảng biển quốc tế để tránh đầu tư dàn trải và bảo đảm công suất khai thác. Các doanh nghiệp cảng cũng cần có mức giá cước hợp lý, đề nghị được áp dụng mức giá sàn cho một số dịch vụ bốc dỡ hàng hoá tại cảng biển, đồng thời chủ động xây dựng giá cước cầu bến trên cơ sở thoả thuận với khách hàng, hãng tàu để tăng tính cạnh tranh giữa các cảng biển….
Hội nghị thống nhất sẽ kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan chức năng giải quyết một số nội dung quan trong như: Nhà nước cần quy hoạch và phát triển hạ tầng cảng biển trở thành một dịch vụ mũi nhọn trong nền kinh tế biển- Hình thành cơ chế phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển và luồng hàng hải với tầm dài hạn, bao gồm cả mặt đất, mặt nước và hành lang giao thông- Tuyệt đối tránh tình trạng đầu tư manh mún theo kiểu tỉnh nào cũng có cảng biển như hiện nay.
Trước mắt, rất cần nâng cấp, duy tu một số tuyến đường như tuyến Quốc lộ 5 nối với khu vực Cảng Đình Vũ (Hải Phòng), tuyến đường hậu phương nối về Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng); liên tỉnh lộ 25B nối vào cảng Cát Lái tại TP. Hồ Chí Minh; đường nối với các khu cảng tại KCN Hiệp Phước; đường vào Cảng Bến Nghé mới; nạo vét luồng hàng hải vào Cảng Cần Thơ, Hải Phòng, Cửa Lò, Hiệp Phước...
Trần Minh Tích