ĐBSCL sống chung với hạn mặn: Chuyển đổi để thích nghi

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:52, 05/03/2020

(VLR) ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Những năm gần đây, diễn biến phức tạp của vấn đề hạn, mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp trong vùng. Vấn đề là các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài trước tình trạng hạn, mặn ở vùng ĐBSCL đòi hỏi tính chủ động thích ứng tốt hơn.

Ông Lâm Văn On (xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) mạnh dạn chuyển đổi thành công mô hình sản xuất lúa sang hoa màu - Ảnh: TUẤN QUANG

Ông Lâm Văn On (xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) mạnh dạn chuyển đổi thành công mô hình sản xuất lúa sang hoa màu - Ảnh: TUẤN QUANG

Lúng túng

Câu chuyện chuyển đổi sản xuất của nông dân trước đây vốn dĩ đã gặp không ít khó khăn, thì đến nay càng gian nan hơn khi phải đối diện với thách thức biến đổi khí hậu, mà nhãn tiền là tác động của hạn, mặn. Dọc các cánh đồng hàng ngàn hécta chuyên canh lúa tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, trong cao điểm hạn, mặn là hình ảnh của những cách đồng chết. Đâu đâu cũng thấy đất đai khô cằn, nứt nẻ, mương máng không còn một giọt nước, đồng khô cỏ cháy đến nỗi tìm một mảng xanh cũng khó thấy. Rõ ràng, đứng trước hạn, mặn, nhiều nông dân tại ĐBSCL đang cảm thấy chới với, quẩn quanh với bài toán sẽ làm gì với mảnh đất của mình. Trước đây không có mặn thì làm được 3 vụ lúa, rồi làm thuê làm mướn thêm, tằn tiện cũng kiếm sống được qua ngày. Nhưng với tình trạng hạn, mặn kéo dài này, họ phải đi thành phố làm thuê, vì ở quê cũng chẳng có gì để làm.

Giữa cánh đồng khô cạn, ông Lâm Văn On (ngụ xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), một trong số ít nông dân mạnh dạn chuyển đổi thành công mô hình sản xuất lúa sang hoa màu ngay giữa cao điểm hạn, mặn. Ông On dự trữ nước trong máng (được gia cố bằng tấm cao su, rộng khoảng 1m, dài hơn 50m) đặt tại ruộng. Nước được lấy từ giếng khoan, dự trữ vào máng rồi qua xử lý phèn là tưới được. Bằng cách làm này, ông On đã có đủ nước tưới cho gần 3.000m² ruộng dưa leo cho đến thu hoạch. Với giá dưa thương lái mua khoảng 5.000 đồng/kg, ước tính ông thu về hơn 40 triệu đồng.

Trên thực tế, hầu như đa phần người dân bỏ đất trống hoặc đánh liều xuống giống vụ 3.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, đã chỉ ra nhược điểm của một số nông dân: Họ chỉ khư khư giữ lấy miếng đất nhỏ bé của mình, từ cái bờ ruộng nhỏ hẹp cũng không muốn phá đi, không chịu cùng nhau dồn điền đổi thửa để có một trang trại lớn với những kênh tưới, tiêu theo đúng kỹ thuật hiện đại. Dĩ nhiên ngày nay chúng ta cũng có một số nông dân giàu, nhưng đây là những nông dân dám nuôi, trồng những gì khác hơn cây lúa, trên diện tích lớn. Làm sao cho người nông dân nhỏ lẻ chịu thấy xa hiểu rộng, để tự họ cũng sẽ làm giàu được? Đây là một thách thức lớn nhất đối với xã hội nông thôn nước ta hiện nay. Trước đây chúng ta đổ thừa cho Nhà nước ép dân trồng lúa, nhưng bây giờ Nhà nước đã đổi mới tư duy, cho chính quyền địa phương đầu tư đa dạng hơn cây lúa, thì đến lượt nông dân nhỏ lẻ cũng phải tham gia với Nhà nước trong chiến lược mới.

“Chúng ta phải biết kinh doanh nông nghiệp đa dạng, thông minh hơn, chứ không chỉ trồng lúa. Cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí những vùng lúa nào cần được thay thế, rồi tìm và khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, về đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi mà họ có đầu ra chắc chắn. Chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất lại tại vùng có quy hoạch mới đó. Bây giờ chúng ta mới thấy vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp có công nghiệp chế biến và có khả năng tiêu thụ nông sản, không thể thiếu trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp”, GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất.

Yêu cầu chia sẻ nguồn tài nguyên chung

Năm nay, tình hình thiệt hại vì hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giảm đáng kể do tỉnh chủ động xây dựng kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời cùng với việc công trình Cống âu thuyền Ninh Quới đưa vào vận hành, không chỉ kiểm soát được mặn xâm nhập vào vùng sản xuất lúa mà còn có thể đưa nước mặn vào khu vực nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu. Dù vậy, vẫn có khu vực sản xuất lúa phía Bắc quốc lộ 1A có nguy cơ thiếu nước ngọt, gây chết lúa (khoảng 5.400ha) như khu vực phía Tây trục kênh Vĩnh Phong (thị xã Giá Rai) và diện tích ven theo các cống thuộc tiểu vùng giữ ngọt. Những khu vực lúa có nguy cơ thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, thì ngành chức năng khuyến cáo người dân không xuống giống vụ lúa đông xuân.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, vấn đề cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất cho vùng bán đảo Cà Mau đã được nghiên cứu và thực hiện bằng Dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, đến nay dự án chưa hoàn thành, mục tiêu của dự án cũng chưa đạt được. Trong khi hệ thống hạ tầng thủy lợi chậm được đầu tư theo quy hoạch, xâm nhập mặn tiếp tụp lấn dần, người dân tự phát sản xuất trong điều kiện chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, do đó nước mặn ngày càng lấn sâu. Phân ranh mặn ngọt theo trục kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp không còn khả thi, đang được nghiên cứu thay bằng trục sông Trắc Bằng. Tuy nhiên, đến nay chưa có kết luận việc dẫn dòng nước ngọt có đảm bảo cho sản xuất, sinh hoạt vùng bán đảo Cà Mau nói chung, vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau nói riêng.

Từ thực tế trên, ông Sử cho biết, Cà Mau kiến nghị nghiên cứu xây dựng hệ thống kênh trục, cấp nước ngọt theo hình thức cưỡng bức (bơm) từ sông Hậu về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các tỉnh ven biển vùng bán đảo Cà Mau, hoặc nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ chứa quy mô lớn ở vùng ngọt (U Minh); xây dựng khôi phục lại hệ thống ao, hồ theo cụm, tuyến dân cư “giếng làng” để trữ nước mưa phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Nhắc lại Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL, đề cao việc thích nghi với biến đổi khí hậu, TS. Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng, mô hình trồng lúa xen canh với nuôi tôm đã được nghiên cứu từ lâu, mà Cà Mau là địa phương đi đầu. Mô hình lúa - tôm phù hợp cho phát triển lâu dài ở vùng bán đảo Cà Mau. Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), về ngắn hạn, cần giảm các diện tích canh tác lúa ở những vùng gò cao, các vùng ven biển, chuyển một phần diện tích trồng lúa sang những cây trồng cạn ít tiêu thụ nước hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản; khuyến khích và hỗ trợ nông dân tìm mọi cách trữ nước ở các vùng trũng như lung đìa, ao hồ, các kênh mương… Người dân cần sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

“Về dài hạn, cần vận dụng các biện pháp ngoại giao, luật pháp và kinh tế để yêu cầu các quốc gia thượng nguồn phải xem Mê Công là dòng sông chung cho khu vực. Các nước phải có trách nhiệm chia sẻ nguồn tài nguyên chung này. Ngược lại, các nước hạ nguồn có thể tạo những điều kiện phát triển kinh tế giao thương cho các nước nói trên”, PGS-TS Lê Anh Tuấn đề xuất.

Sống thuận thiên để an nhiên

Lâu nay, chúng ta xây dựng hệ thống thủy lợi chủ yếu là để “thoát lũ”, nên chuyển sang “trữ ngọt” và dùng nước tiết kiệm. Tư duy đó cần được nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch”: Dịch chuyển lịch thời vụ để “né hạn, mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản xuất.

Lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân ĐBSCL đã biết chủ động thích ứng thuận thiên, hợp địa, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế. Trong một số tiểu vùng bị hạn, mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân “né hạn” nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày; có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại. Đó cũng là cách mà người đồng bằng đã hiện thực hóa thành công triết lý “sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ” tạo ra nhiều kỳ tích lúa gạo, thủy sản, trái cây vừa qua.

TS. Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế

SGGP